8h30, tiết học Sử của lớp 9A2 bắt đầu trong không khí sôi động khi cô Trinh đưa ra câu hỏi: “Các em đoán xem hôm nay chúng ta học bài gì?”. Và cô bật bài hát vang vút những ca từ hào hùng. Cả lớp nhao nhao: “Bài ca Chiến thắng Ðiện Biên... cô ơi”.
Cô Trinh trong một tiết dạy. |
"Quan trọng đối với việc học sử vẫn là những bài học giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, sáng tạo trong công việc... Những câu chuyện lịch sử mang lại giá trị vô cùng to lớn bởi đó là những bài học làm người, hình thành nhân cách sống", cô Nguyễn Thị Hồng Trinh.
Cả lớp xúc động im phăng phắc, gương mặt ai cũng bồi hồi trước những hình ảnh thiêng liêng ấy.
Khi cô trầm giọng ngâm thơ: "Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn!/ Những đồng chí, thân chôn làm giá súng/ Ðầu bịt lỗ châu mai/ Băng mình qua núi thép gai/ Ào ào vũ bão/ Những đồng chí chèn lưng cứu pháo/ Nát thân, mắt nhắm, còn ôm/... có những giọt nước mắt học trò lăn xuống, còn giọng cô nghẹn lại..."
“Bữa tiệc thịnh soạn”
Ðể rồi cả lớp lại chuyển sang trạng thái phấn khởi, hân hoan trước những thước phim tư liệu. Chiến thắng Ðiện Biên Phủ với hình ảnh cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Quang cảnh ký Hiệp định Genève. Ðất nước tạm thời chia cắt hai miền lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, chuyển sang giai đoạn cách mạng XHCN, tạo cơ sở để nhân dân ta giải phóng miền Nam. Cầu Hiền Lương với hơn bảy lần sơn cũng được cô sưu tầm đưa lên màn hình.
Cứ vậy đan xen giữa đoạn phim, truyện ngắn, kết thúc bài, cô chốt lại bằng những câu thơ: "Chín năm làm một Ðiện Biên/Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng".
Ánh mắt cả lớp lại say mê dõi theo những thước phim về Ðại tướng Võ Nguyên Giáp, người đã lãnh đạo thắng lợi chiến dịch Ðiện Biên Phủ - "Lẫy lừng năm châu/chấn động địa cầu..." Rồi cô liên hệ rộng ra: “Nước ta có hai vị tướng được xếp vào 10 vị tướng giỏi nhất thế giới. Ðó là Hưng Ðạo vương Trần Quốc Tuấn và Ðại tướng Võ Nguyên Giáp...”
Cứ vậy, chỉ một tiết học nhưng cô đã cung cấp cho học trò một “bữa tiệc thịnh soạn” khi đã sử dụng nhạc, phim, thơ văn, câu chuyện lịch sử... Rồi dành thời lượng cuối giờ, cô ôn lại bài học bằng hàng loạt câu hỏi ngắn. Lớp học lại sôi động lên, ai cũng giơ tay đòi phát biểu. Tiếng trống hết giờ vang lên, lớp “ồ” lên tiếc rẻ...
Môn học để làm người
17 năm đi dạy, cô Trinh có đến 14 năm phụ trách môn sử lớp 9. Chứng kiến cảnh học trò khi vào lớp ngồi học uể oải, học chỉ để đối phó với thi cử nên khi thi xong không còn đọng lại điều gì cả. Tìm hiểu, cô biết sở dĩ các em có tâm lý ngán ngại môn sử bởi do môn này có lượng kiến thức quá lớn, phải nhớ nhiều sự kiện, mốc thời gian, số liệu.
Mặt khác, phụ huynh không muốn con em học bởi họ định hướng tương lai con phải thi khối A, B nên đầu tư vào môn sử đâu có lợi ích gì. Ðiều này khiến cô cứ trăn trở, đau đáu bởi hơn ai hết cô nghĩ đã là học sinh phải hiểu về những gì cha ông đã làm, hiểu về đất nước và hiểu về những giá trị mà mình được hưởng.
Vì vậy, cô quyết tâm tìm mọi cách để gieo vào lòng học trò mình tình yêu đối với môn học này.
Lần đó khi giảng về nước Cuba - hòn đảo anh hùng, cô giới thiệu bài bằng những câu thơ: "Anh viết cho em, tự đảo này/Cuba, hòn đảo Lửa, đảo Say/Ở đây say thật, say trời đất/ Sóng biển say cùng rượu, mật say/Em ạ, Cuba ngọt lịm đường/Mía xanh đồng bãi biếc đồi nương..." Không ngờ, học sinh ồ lên thích thú. Ðiều đó đã bật lên trong cô ý nghĩ “đưa thơ văn vào bài giảng chắc hẳn tiết học sẽ sôi nổi hơn”.
Kể từ ngày đó, cô bắt đầu đổi mới phương pháp giảng dạy bằng cách đưa vào bài giảng một đoạn thơ, một đoạn văn ngắn... để cụ thể hóa sự kiện khiến tiết học sử trở nên nhẹ nhàng, bớt căng thẳng, đầy sôi nổi và hào hứng. Phần giới thiệu bài học thường là một bài hát, chẳng hạn như khi học tới phần Nam bộ kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai thì cả lớp sẽ được nghe bài hát Nam bộ kháng chiến.
Riêng phần phim minh họa cô chọn toàn phim 3D bởi hiểu tâm lý học sinh THCS thích hình ảnh phim sinh động. Ðể được vậy, cô phải soạn giáo án rất công phu, mỗi bài có khi cả tuần. Tìm tư liệu thơ văn, nhạc, còn về phim cô phải cắt xén để trích đoạn đưa vào cho phù hợp.
Cứ vậy, bằng tất cả khả năng và nhiệt huyết, cô sống hết mình với môn sử bằng cả niềm tự hào bởi theo cô, đây là môn học để làm người, giáo dục lòng yêu nước để tạo gốc rễ vững bền cho sự phát triển nhân cách con người quyết định vận mệnh của đất nước trong hiện tại và tương lai. Cô chăm chút từng chút một tiết giảng của mình, từ phút mở đầu cho đến những phút cuối giờ.
Nhân ra áp dụng toàn trường
Sự kết hợp nhạc, phim, thơ văn, mẩu truyện đã khiến tiết giảng của cô trải nhiều cung bậc tình cảm trầm lắng xúc động, sôi nổi, đầy khí thế... Lâm Mỹ Duyên, lớp trưởng lớp 9A2, tâm sự: “Những kiến thức thơ văn mà cô cung cấp rất bổ ích, giúp chúng em dễ nhớ và nhớ sử lâu hơn. Qua đó em thấy môn sử rất thú vị”.
Cô Bạch Thị Duy Liên, phó hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Ðôn, nhận xét: “Cô Trinh rất nhiệt tình trong giảng dạy. Sáng kiến kinh nghiệm “Khai thác kiến thức thơ văn vào giảng dạy lịch sử lớp 9” của cô Trinh được công nhận sáng kiến cấp tỉnh năm học 2012-2013 để rồi được nhân ra áp dụng vào công tác giảng dạy môn lịch sử toàn trường, giúp tỉ lệ học sinh giỏi môn sử của trường cao hơn những năm trước”.