Giờ ra chơi, lũ trẻ ở trường tiểu học Ngôi sao Hà Nội (phố Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) được thỏa sức chơi.
Cười thỏa sức, đấu hết mình
Bà Phạm Bích Ngà, người sáng lập hệ thống giáo dục Ngôi sao Hà Nội, cho biết: “Trẻ đến trường, ngoài việc học cần phải có không gian cho các con vui chơi, có tiếng cười thoải mái”.
Theo bà Ngà, học sinh ngày nay quá thiếu không gian để chơi. Xung quanh các em là bảng đen, sách vở và những nền gạch khô cứng, đơn điệu. Trăn trở rất nhiều, bà chợt ồ lên: Tại sao không đưa các trò chơi dân gian vào trường học để học sinh được thỏa niềm vui.
Nghĩ là làm. Bà cho giáo viên trong trường đi tập huấn, nhất là các giáo viên thể dục phải thành thạo nhiều trò chơi dân gian.
Nền gạch trong sân trường được kẻ ô theo các trò chơi như nhảy lò cò, chơi đá cầu. Sân gạch trước lớp học được kẻ thành các bàn cờ tướng, cờ vua, ô ăn quan.
Sỏi để chơi ô ăn quan là những viên trắng, tròn, nhỏ gọn trong lòng bàn tay cũng được giáo viên tỉ mẩn đi lựa chọn rồi đóng hộp cất ở một góc tường.
Học sinh trường Vinschool chơi các trò chơi dân gian trong trường học.
|
Vì trẻ đến trường chỉ có 15-20 phút giữa giờ để chơi nên tất cả được chuẩn bị sẵn sàng để chỉ cần có thời gian là các em có thể đổ sỏi, kéo dây chun hay lôi bao bố ra chơi được ngay.
Nguyễn Hà Mi, học sinh lớp 5 trường Tiểu học Ngôi sao Hà Nội, chia sẻ: “Trước đây, giờ ra chơi các bạn chỉ ra đứng ở cửa lớp hoặc ngồi trong phòng. Khi có nhiều trò chơi dân gian, Mi cũng như các bạn đều ra sân để chơi. Mi rất thích các trò chơi dân gian bởi trò chơi kết nối nhiều bạn với nhau”.
Tương tự, hệ thống trường Vinschool hiện cũng là một trong những ngôi trường tư thục sớm đưa các chương trình học tăng cường trải nghiệm và các trò chơi dân gian vào nhà trường. Trò chơi dân gian được Tổ thể chất đưa vào chương trình giáo dục thể chất để học sinh chơi và tập luyện trước giờ học.
Thường trước giờ học, thời gian nghỉ của học sinh chỉ gói gọn trong khoảng 15-20 phút. Học sinh thường khởi động bằng các trò như cướp cờ, nhảy bao bố, kéo co…
Mỗi lớp được chia từ 3-4 đội “chiến đấu” với nhau. Đội thắng có thể được cộng điểm, tuyên dương vào dịp cuối tuần, trong khi đó đội thua tất cả thành viên đều phải thực hiện trò chống đẩy.
Anh Nguyễn Hoàng Minh, phụ huynh của học sinh lớp 5, chia sẻ: “Chứng kiến các con tham gia trò chơi anh thấy rất phấn khích. Tất cả các trò chơi đều đem lại cho các con tinh thần đồng đội cũng như rèn luyện sức khỏe, nhanh nhẹn, kiên trì”.
Ý tưởng từ một ngày hội
Bà Ngà tâm sự năm 2015, trường lên kế hoạch tổ chức hội chợ từ thiện cho học sinh. Hội chợ có khoảng 30-40 gian hàng trong đó, học sinh bán sản phẩm các vùng miền hoặc sản phẩm tự tay các em làm dưới sự giúp đỡ của giáo viên và phụ huynh.
Toàn bộ số tiền thu được trường sẽ đi làm từ thiện. Trong ngày hội đó, trường đã đưa vào một số trò chơi mới để thu hút học sinh như nặn tò he, viết chữ nho, chơi trò ô ăn quan, kéo co, nhảy bao bố, nặn đất sét…
Ngày hội diễn ra trong cảnh xuân sau Tết Nguyên đán thu hút hơn 2.000 lượt học sinh, phụ huynh kéo dài từ 7h sáng đến 9h đêm khiến nhà trường không khỏi bất ngờ. Điều bất ngờ lớn là ngoài số tiền thu được để đi tặng bạn nghèo, các em còn rất hào hứng với các trò chơi dân gian.
Học sinh trường tiểu học Ngôi sao Hà Nội chơi các trò chơi dân gian trong trường học.
|
Chị Nguyễn Thúy Quỳnh, phụ huynh học sinh lớp 4, chia sẻ: “Chỉ một ngày chơi mà cả mẹ và con đều cười hết cỡ”. Cũng theo chị Quỳnh, trẻ con thành phố khá thiếu thốn không gian chơi vì thế nhiều em cứ mải mê với các trò chơi trong điện thoại, máy tính.
Làm mẹ, chị không khỏi xót ruột trước những mối nguy về mắt của con hay nặng nề hơn là thu mình, trầm cảm. Bởi ngoài trường học, về đến nhà con cũng chỉ biết làm bạn với 4 bức tường, không có nhiều không gian để vui chơi.
Lãnh đạo trường Vinschool cũng cho hay ngoài chương trình học trên lớp, các trò chơi dân gian cũng được trường lồng ghép tổ chức thường xuyên trong các ngày hội, ngày dã ngoại trải nghiệm. Trong các ngày hội trường tổ chức, học sinh có riêng một sân chơi với gần chục trò chơi dân gian.
Các góc trò chơi này bao giờ cũng thu hút đông người tham gia nhất bởi tính kết nối và hấp dẫn người chơi lẫn người xem dù món quà cho người thắng cuộc đôi khi chỉ là những gói bim bim hay móc đeo chìa khóa nhỏ.
Các nhà quản lý giáo dục có chung nhận định: “trò chơi đơn giản, khiến học sinh vui vẻ, hào hứng trong khi triển khai không tốn kém tiền bạc”. Vậy nhưng, trên thực tế hiện nay không phải trường nào cũng thực hiện được điều tưởng chừng như đơn giản này.
Trước đó, Bộ GD&ĐT cũng phối hợp với Sở GD&ĐT TP.HCM triển khai phong trào đưa trò chơi dân gian vào trường tiểu học. Tuy nhiên, do không có hướng dẫn cụ thể nên các trường triển khai chưa đạt hiệu quả như mong muốn.