Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dùng 2 hộ chiếu, khai gian để né cách ly Covid-19 có bị xử lý hình sự?

"Nếu kết quả xét nghiệm dương tính mà làm lây nhiễm bệnh cho người khác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự", luật sư nói và viện dẫn Điều 240 Bộ luật Hình sự.

Cục quản lý xuất nhập cảnh của Bộ Công an cho biết N.H.N. (bệnh nhân thứ 17 mắc Covid-19) có 2 hộ chiếu. Khi du lịch châu Âu, N. dùng hộ chiếu của Anh để đi lại các nước, trong đó có Italy, nơi dịch Covid-19 đang hoành hành. Khi về nước ngày 2/3, N. trình hộ chiếu Việt Nam để tránh kiểm dịch.

Pháp luật hiện hành quy định ra sao về trường hợp một công dân sử dụng 2 hộ chiếu? Người khai báo gian dối về hành trình di chuyển để trốn trách cách ly Covid-19 bị xử lý thế nào?

Không trình báo hộ chiếu thứ 2?

Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật Chính Pháp) cho rằng trước hết, cần làm rõ việc sử dụng 2 hộ chiếu và N. có thuộc trường hợp được phép sử dụng 2 hộ chiếu để có hình thức xử lý phù hợp.

Theo luật sư, nếu là công dân Việt Nam, không phải người có 2 quốc tịch, cũng không phải là người Việt định cư, sinh sống, học tập hay làm việc tại nước ngoài thì chỉ có một sổ hộ chiếu do Việt Nam cấp.

Còn trường hợp là người mang 2 quốc tịch hoặc công dân Việt Nam học tập, lao động, sinh sống dài hạn ở nước ngoài thì có thể có 2 hộ chiếu, đặc biệt là trong khối các nước EU.

Khai gian dich Covid-19 anh 1

N. được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Thông tin từ Công an cửa khẩu Nội Bài, cùng với việc khai gian tờ khai y tế để vượt qua vòng kiểm dịch của CDC Hà Nội, N. đã dùng hộ chiếu Việt Nam để được giải quyết nhập cảnh bình thường.

Do đó, luật sư nhận thấy cơ quan chức năng cần làm rõ hộ chiếu thứ 2 có phải do cơ quan có thẩm quyền cấp hay không. Và vì sao công dân này không trình báo hộ chiếu thứ 2 khi nhập cảnh ở Nội Bài trong bối cảnh dịch Covid-19 lây lan.

Phải chịu trách nhiệm hình sự

Đối với hành vi khai báo gian dối và trốn cách ly Covid-19 theo quy định, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng văn phòng luật Nguyễn Anh) cho rằng người về từ vùng dịch nhưng không khai báo y tế, khai báo không trung thực là hành vi cần bị xử nghiêm.

Theo luật sư, khai báo y tế sau khi nhập cảnh là bắt buộc để phục vụ phòng chống dịch. Điều này đòi hỏi sự tự giác của mỗi cá nhân vì sức khỏe bản thân và cộng đồng.

"Khai báo trung thực giúp phát hiện sớm, giúp cách ly khoanh vùng ổ dịch kịp thời nếu có ca bệnh, từ đó ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra cộng đồng", ông Thơm nhìn nhận.

Khai gian dich Covid-19 anh 2

Nhân viên y tế khử khuẩn khu vực cách ly. Ảnh: Việt Linh.

Hiện mọi người dân nhận thức được sự nguy hiểm của dịch Covid-19. Các cơ quan chức năng cũng đã phổ biến, tuyên truyền về sự nguy hiểm của dịch và các biện pháp phòng dịch.

Do đó, ông Thơm cho rằng cá nhân nào khai báo gian dối khi nhập cảnh, không chấp hành việc cách ly mà cố tình né tránh các quy định phòng dịch thì cần xử lý nghiêm minh.

"Nếu kết quả xét nghiệm dương tính mà làm lây nhiễm bệnh cho người khác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự", luật sư nói và viện dẫn Điều 240 Bộ luật Hình sự về tội Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người khác.

Ông Thơm phân tích lỗi của người vi phạm trong trường hợp này được xác định là lỗi cố ý gián tiếp "nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra”.

Người vi phạm quy định của Điều 240 Bộ luật Hình sự có thể bị phạt tiền tối đa 200 triệu đồng, hoặc phạt tù lên đến 12 năm.

Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến của Bộ Công an về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 chiều 10/3, Bộ trưởng Tô Lâm đã yêu cầu cơ quan chức năng xử nghiêm theo quy định các trường hợp không khai báo, khai báo gian dối và không chấp hành cách ly y tế.

Trong cuộc họp Thường trực Chính phủ hôm 9/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng cần có biện pháp quyết liệt, đồng bộ, kịp thời để ngăn chặn có hiệu quả nguồn lây cũng như xử lý nghiêm trường hợp giấu bệnh.

Đêm 6/3, N.H.N. trở thành ca bệnh đầu tiên tại Hà Nội (thứ 17 tại Việt Nam) dương tính với virus corona. Theo điều tra, ngày 15/2, bệnh nhân xuất cảnh từ Nội Bài sang London (Anh). Đến 18/2, bệnh nhân từ London sang Milan (Italy) khi nơi đây chưa ghi nhận dịch Covid-19 bùng phát.

Ngày 20/2, bệnh nhân quay trở lại London để sang Paris (Pháp) gặp chị gái. 6 ngày sau, N. quay lại London. Ngày 29/2, cô có biểu hiện ho nhưng không đi khám, hôm sau xuất hiện thêm triệu chứng đau mỏi người.

Trong ngày 1/3, bệnh nhân đáp chuyến bay về Nội Bài lúc 4h30 ngày 2/3 (lúc này bệnh nhân không sốt). Sau khi về nhà riêng tại phường Trúc Bạch, bệnh nhân xuất hiện sốt (38 độ C), ho nhiều, có đờm, mệt mỏi và đã đi khám tại Bệnh viện Hồng Ngọc cơ sở 55 Yên Ninh, quận Ba Đình vào ngày 5/3.

Sau khi được chẩn đoán viêm phổi, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và được kết luận dương tính với Covid-19.

Tính đến ngày 11/3, N.H.N. và 14 hành khách đi cùng chuyến bay VN54 đã được kết luận dương tính với Covid-19.

Khai gian dich Covid-19 anh 3

Bệnh nhân số 17 lọt qua kiểm dịch sân bay dùng 2 hộ chiếu

Bệnh nhân N.H.N. sử dụng hộ chiếu Anh để di chuyển đến các nước châu Âu, sau đó về Việt Nam bằng hộ chiếu Việt để tránh bị kiểm dịch.

Hồng Đăng

Bạn có thể quan tâm