Năm 2013, V.P. (sinh năm 1995, ở Đắk Song, Đắk Nông) dùng bằng tốt nghiệp THPT giả cấp vào năm 2013 đăng ký học dược sĩ tại một trường trung cấp ở quận 12, TP HCM. Những tưởng mọi chuyện êm xuôi nhưng sắp đến ngày tốt nghiệp, mọi giấc mơ của P. đều tan vỡ...
Nộp bằng giả để học lấy bằng thật
Vào tháng 6, để chuẩn bị công tác thi và cấp bằng tốt nghiệp cho học sinh, trường P. đang theo học đã gửi văn bản đề nghị Sở GD&ĐT Đắk Nông xác minh bằng tốt nghiệp THPT mà P. đã nộp cho nhà trường trước đây. Đến ngày 24/6, Sở GD&ĐT Đắk Nông có văn bản trả lời nhà trường.
Tranh minh họa: Tuổi Trẻ. |
Theo đó, học sinh V.P. có tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT khóa ngày 2/6/2013 nhưng chỉ đạt tổng điểm 23, kết quả tốt nghiệp: hỏng. “Sở GD&ĐT Đắk Nông không cấp văn bằng tốt nghiệp THPT cho V.P.” - văn bản ghi rõ.
Trước sự thật nói trên, nhà trường đã mời V.P. lên viết bản tường trình sự việc và thông báo quyết định kỷ luật tạm đình chỉ học tập. V.P. không đồng ý với quyết định của nhà trường và luôn khẳng định bằng tốt nghiệp THPT của mình là thật, đồng thời viết bản cam kết gửi nhà trường.
Ngay sau đó, nhà trường tiếp tục đề nghị Sở GD&ĐT Đắk Nông xác minh văn bằng của V.P. lần hai. Ngày 16/7, Sở GD&ĐT Đắk Nông có văn bản trả lời, khẳng định “không cấp văn bằng tốt nghiệp THPT cho V.P.”. Đến lần này P. mới chịu thừa nhận bằng tốt nghiệp THPT của mình là giả và chịu hình thức kỷ luật buộc thôi học.
Tương tự, D. (sinh năm 1972, ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) đã dùng bằng tốt nghiệp THPT giả cấp năm 1991 đăng ký học điều dưỡng tại một trường trung cấp ở quận 12.
Vào tháng 5/2015, nhà trường đã gửi công văn đề nghị Sở GD&ĐT TP HCM xác minh văn bằng tốt nghiệp THPT của 126 học sinh đang theo học tại trường (D. nằm trong danh sách này - PV). Đến tháng 6/2015, Sở GD&ĐT TP HCM có văn bản trả lời nhà trường.
"Việc dùng bằng cấp giả để học lấy bằng trung cấp, cao đẳng thật là cực kỳ nguy hiểm. Nếu không được kiểm soát kỹ, đây sẽ là cách để những người không trung thực sử dụng nhằm hợp thức hóa bằng cấp thông qua con đường học liên thông từ trung cấp lên cao đẳng rồi lên đại học".
Thạc sĩ Nguyễn Đăng Lý
Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Kinh tế công nghệ TP HCM
Có bốn trường hợp học sinh không có tên trong danh sách tốt nghiệp THPT và THPT hệ bổ túc, trong đó có D. Không đồng ý với kết quả trên, D. làm đơn xin trường cứu xét và tiếp tục gửi đơn đề nghị các cơ quan thuộc ngành giáo dục xác minh tấm bằng tốt nghiệp THPT của mình là bằng thật.
Tuy nhiên đến tháng 8/2015, Bộ GD&ĐT có văn bản trả lời D. với nội dung: “Trong danh sách thí sinh tốt nghiệp (bảo lưu kết quả kỳ thi khóa ngày 6/6/1991) kỳ thi tốt nghiệp THPT (diện ưu tiên tay nghề kỹ thuật) không có tên D.”.
Tại sao không ít trường nghề hàng năm phát hiện hàng chục trường hợp học sinh, sinh viên dùng bằng tốt nghiệp THPT, tốt nghiệp trung cấp giả để đi học?
Theo thống kê của Trường trung cấp Ánh Sáng (TP HCM), liên tục trong các năm qua trường đã phát hiện hàng chục trường hợp học sinh sử dụng bằng tốt nghiệp THPT giả để học trung cấp tại trường như: khóa 2009-2011: 2 học sinh; khóa 2010-2012: 16 học sinh; khóa 2011-2013: 11 học sinh; khóa 2012-2014: 8 học sinh; khóa 2013-2015: 7 học sinh.
Trường cao đẳng nghề Kinh tế công nghệ TP HCM cũng phát hiện nhiều trường hợp học sinh, sinh viên dùng bằng giả để học nghề. Thạc sĩ Trần Quang Khải, Trưởng phòng đào tạo nhà trường, cho biết: “Tháng 2/2015 chúng tôi đã gửi văn bản nhờ Trường cao đẳng Dược Phú Thọ xác minh văn bằng của sinh viên V.T.N.. Trường này khẳng định không hề cấp bằng tốt nghiệp cho N.
Tương tự, tháng 5/2015, nhà trường nhờ Sở GD&ĐT Ninh Thuận xác minh bằng tốt nghiệp THPT của các học sinh tỉnh này đang theo học tại trường chúng tôi thì phát hiện ba trường hợp dùng bằng giả.
Đến tháng 7/2015, nhà trường tiếp tục gửi hồ sơ cho Trường trung cấp Quân y 2 xác minh tám trường hợp thì phát hiện bốn trường hợp dùng bằng giả”.
“Tại trường, những học sinh, sinh viên dùng bằng giả để đăng ký học khi bị phát hiện đều bị đuổi học” - ông Khải khẳng định.
“Tiền mất tật mang”
Thực tế tại một số trường đã có nhiều trường hợp người học dùng bằng giả bị phát hiện và bị đuổi học dù đã học được 1-2 năm, thậm chí có trường hợp chuẩn bị thi tốt nghiệp. Việc sử dụng bằng giả đi học nghề như vậy chỉ rước họa vào thân vì tốn thời gian, tiền bạc nhưng chẳng đạt được kết quả gì.
Thạc sĩ Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Cao đẳng nghề Kinh tế công nghệ TP HCM, cho biết, nhà trường quan niệm học nghề hay học hệ chuyên nghiệp cũng là học, vì vậy phải đòi hỏi sự trung thực từ người học.
“Ngoài ra, việc dùng bằng cấp giả để học lấy bằng trung cấp, cao đẳng thật là cực kỳ nguy hiểm. Nếu không được kiểm soát kỹ, đây sẽ là cách để những người không trung thực sử dụng nhằm hợp thức hóa bằng cấp thông qua con đường học liên thông từ trung cấp lên cao đẳng rồi lên đại học” - thạc sĩ Lý nói.
Trong khi đó, hiệu trưởng một trường trung cấp tại quận 12, TP HCM cho biết, khi phát hiện học sinh sử dụng bằng tốt nghiệp THPT giả để học lấy bằng trung cấp chính quy, nhà trường sẽ tạm đình chỉ học tập có thời hạn, yêu cầu học sinh viết bản tường trình, bản kiểm điểm.
Sau đó, nhà trường xử lý kỷ luật học sinh ở mức “cảnh cáo và đình chỉ học tập có thời hạn từ 3/12 tháng” dựa trên mức độ thành khẩn, hợp tác của học sinh. Sau thời gian học sinh chấp hành xong kỷ luật, nhà trường sẽ tạo điều kiện để học sinh hoàn thành chương trình đào tạo bằng cách chuyển học sinh sang đối tượng tuyển sinh tốt nghiệp THCS hay rớt tốt nghiệp THPT tùy trường hợp.
“Những trường hợp không hợp tác đều bị trường xử lý kỷ luật buộc thôi học hoặc giao công an xử lý” - vị hiệu trưởng này nói.
Trước vấn nạn học sinh, sinh viên dùng bằng giả đi học nghề, thạc sĩ Nguyễn Đăng Lý nhận xét: “Nếu người học tìm mọi cách để có bằng mà không dùng chính năng lực thật sự của mình, đó chính là mối nguy cho xã hội. Rồi đây những con người này khi đi làm sẽ ra sao? Học hành không đàng hoàng thì đi làm chắc chắn không đàng hoàng”.
Còn thạc sĩ Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường trung cấp Ánh Sáng, cho rằng: “Cái kim trong bọc lâu ngày sẽ lòi ra. Nếu dùng bằng giả đi học nhưng nhà trường không phát hiện thì sớm muộn gì cũng có ngày bị phát giác tại nơi làm việc. Lúc đó, bao nhiêu công lao học hành, phấn đấu làm việc, sự nghiệp sẽ bị tiêu tan hết, ngoài ra còn để lại một “vết đen” trong lý lịch rất khó xóa đi”.