"M. đang ước từ nay tất cả mẹ đều sinh con giống tổ tiên của chúng mình khi chưa xuất hiện bệnh viện, để những đứa trẻ không phải ra đời trong vòng tay của người xa lạ".
"Cả mẹ và con không một giọt sữa công thức, không một mũi vaccine…".
Một tài khoản mạng xã hội có tên N.M. đăng tải bài viết về việc sinh con "thuận tự nhiên" ngay tại nhà. Theo nội dung bài viết, người đàn ông này "khoe" hình ảnh vợ anh đã sinh con thành công ngay tại nhà mà không cần đến bệnh viện. Rất nhanh chóng, những hình ảnh này đã gây "bão mạng".
Ngay dưới bài viết, nhiều người bày tỏ sự ngưỡng mộ, ủng hộ sinh con theo phương pháp này. Tuy nhiên, cũng có những bình luận thể hiện sự sợ hãi vì đây là cách sinh con quá nguy hiểm.
Đây không phải lần đầu tiên việc “sinh con thuận tự nhiên” gây tranh cãi, mặc dù đã cách làm này đã được cảnh báo và chứng minh nhiều nguy hiểm cho cả mẹ và em bé.
Mẹ không thương mình, hãy thương con
Trao đổi với Tri Thức - Znews, bác sĩ Phan Chí Thành, Chánh văn phòng Trung tâm đào tạo và chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản trung ương (Hà Nội), cho biết sinh con thuận tự nhiên có thể hiểu đơn giản là tự sinh con tại nhà.
Tuy nhiên, việc đỡ sinh tại nhà và sinh con tự thuận tự nhiên không giống nhau. Một số nơi ở vùng sâu, vùng xa, chúng ta vẫn có những sản phụ phải sinh con tại nhà nhưng họ có sự hỗ trợ của nhân viên y tế. Thế nhưng, tự ý sinh con tại nhà mà không có sự hỗ trợ của nhân viên y tế rất nguy hiểm cho cả sản phụ và thai nhi.
Bài chia sẻ về "sinh con thuận tự nhiên" gây tranh cãi trên mạng xã hội. |
"Chúng tôi từng tiếp nhận thai phụ sinh con 2 lần đầu tại bệnh viện an toàn nhưng lần sinh thứ 3 lại muốn sinh theo kiểu 'thuận tự nhiên'. Kết quả nhau thai không bong được gia đình mới đưa đến bệnh viện. Sau đó, người này vẫn tiếp tục không cho bác sĩ làm thủ thuật, dẫn đến nguy kịch", bác sĩ Phan Chí Thành kể lại.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Trung, giảng viên bộ môn Phụ sản, Đại học Y dược TP.HCM, Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cơ sở 2, cũng thể hiện sự bức xúc khi câu chuyện sinh con thuận tự nhiên lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội.
"Người mẹ có tin và 'thần thánh hóa' chuyện sinh 'thuận tự nhiên' cũng nên suy nghĩ đến sự an toàn của con mình. Bạn không chỉ gây nguy hiểm cho tính mạng của của chính mình mà còn đe dọa mạng sống của đứa trẻ, làm quá tải công việc của nhân viên y tế", TS.BS Nguyễn Hữu Trung, nói.
Ống cho rằng có những trường hợp sinh thuận tự nhiên may mắn an toàn. Tuy nhiên, không ít sản phụ xấu số. Vì vậy, người dân không nên vì 1-2 trường hợp may mắn thành công mà cổ xúy cho trào lưu nguy hại này.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Trung, Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cơ sở 2. Ảnh: BSCC. |
Đồng quan điểm, bác sĩ Thành khẳng định sinh con tại cơ sở y tế là an toàn nhất. Tại bệnh viện, các bác sĩ sẽ xử lý được các biến chứng sản khoa có thể xảy ra. Mỗi năm, các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản trung ương đỡ đẻ đến 20.000-30.000 ca, hầu hết thành công, chỉ một ca tai biến đã là rất đáng tiếc.
"Vượt cạn" luôn ẩn chứa nhiều nguy hiểm
GS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Hà Nội, cảnh báo quá trình sinh con luôn ẩn chứa rất nhiều nguy cơ không thể lường trước.
"Có những lúc thai nhi đang bình yên, người mẹ khỏe mạnh, bỗng vỡ ối, sa rau thai chèn vào thai gây suy thai, lúc đó cần phải khẩn cấp đưa họ lên bàn mổ. Hoặc đang đẻ, rau thai bong ra, máu chảy ồ ạt. Nếu bác sĩ không xử lý nhanh, sản phụ có thể không qua khỏi", GS Ánh nói.
Để kiểm soát cuộc sinh nở, thai phụ cần được nghe tim thai, theo dõi sự giãn nở của tử cung, sức khỏe, sự biến chuyển của cơn co… Nếu diễn biến tự nhiên, bác sĩ sẽ không can thiệp. Nếu xuất hiện sự bất thường như rối loạn cơn co, nhịp tim thai, rối loạn quá trình chuyển dạ, ngừng trệ hoặc quá nhanh, mẹ và con đều phải được theo dõi liên tục.
Theo GS Ánh, nếu quá trình sinh nở bị đình trệ sẽ làm suy thai, ngược lại chuyển dạ tới quá nhanh cũng rất nguy hiểm. Khi đó, bác sĩ phải khuyên thai phụ ngừng rặn, tránh nguy cơ rách tầng sinh môn, vùng âm đạo, trực tràng. Trường hợp này nếu không có bác sĩ phải can thiệp, cả mẹ và con sẽ nguy kịch.
Chuyên gia này cũng lưu ý y học sản khoa hiện đại theo dõi một thai sản tự nhiên để biết khi nào không còn thuận tự nhiên nữa phải can thiệp, không phải can thiệp bừa bãi các trường hợp đang diễn biến thuận lợi. Bởi sự can thiệp quá sâu, quá sai sẽ làm tăng tỷ lệ mổ đẻ, khiến cuộc đẻ từ dễ thành khó.
Sách hay về sức khỏe con người
Giáo sư ngành miễn dịch học tại Đại học Manchester (Anh) Daniel M. Davis đã cung cấp góc nhìn khoa học về hệ miễn dịch trong cuốn sáchHệ miễn dịch: Khám phá cơ chế tự phòng, chữa bệnh của cơ thể người.
Để giúp bạn đọc dễ hiểu về hệ miễn dịch, tác giả lấy ví dụ về phản ứng của cơ thể với vết cắt hay nhiễm trùng. Khi đó, bên dưới da đã “diễn ra điều kỳ diệu”, các tế bào di chuyển đến để chống lại mầm bệnh, cũng như sửa chữa tổn thương và đối phó với các mảnh mô bị hư tổn. Những diễn tiến âm thầm này rất cần thiết cho sự sống còn của cơ thể.