Sao không xét tuyển trực tuyến?
Kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay, Bộ GD&ĐT đề ra nhiều quy định mới vì lo ngại thí sinh ảo, nghĩa là cùng một thí sinh nhưng nộp hồ sơ nhiều trường. Vậy phải làm thế nào để thí sinh không phải ra Hà Nội để nộp rút hồ sơ mà vẫn loại được thí sinh ảo?
Sàn chứng khoán mấy năm trước cũng vậy, luôn đông nghẹt người, cũng bức xúc, mệt mỏi vì tắc lệnh. Kể từ khi triển khai giao dịch trực tuyến, hàng nghìn lệnh được xử lý trong 1 giây, không còn ai phải kêu ca về lệnh nhanh hay chậm nữa.
Hiện nay, mỗi năm có khoảng 250 phiên giao dịch chứng khoán từ sáng đến chiều, phiên nào cũng đạt khối lượng hàng trăm triệu cổ phiếu, nhà đầu tư có tới hàng triệu tài khoản, chưa kể nhà đầu tư nước ngoài, các quỹ đầu tư xuyên quốc gia. Trong khi đó, xét tuyển đại học giản đơn hơn thị trường chứng khoán và không hề có áp lực nếu biết cách làm, tổ chức thực hiện. Xét tuyển đại học năm nay có 3 đợt, chủ yếu là đợt 1.
Vậy làm thế nào để tránh việc thí sinh đặt nhiều lệnh vào nhiều trường cùng một thời điểm tạo cung cầu ảo? Rất đơn giản, khi đăng ký xét tuyển tại các Sở GD-ĐT địa phương, mỗi thí sinh được cấp một mã tài khoản khác nhau, ví dụ thí sinh ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội có thể là HN-HK-012345, ở Vinh, Nghệ An có thể là NA-VI-056789.
Xét tuyển trực tuyến sẽ giúp thí sinh không phải lặn lội nộp – rút hồ sơ. Ảnh: An Ninh Thủ Đô. |
Hệ thống mạng trực tuyến chỉ cho phép các thí sinh đăng ký vào 1 trường trong đợt 1. Trong đợt này, nếu không đáp ứng được điểm số của trường đã đăng ký thì các em được phép hủy việc đăng ký này để đăng ký vào trường khác (nếu không hủy, thí sinh không thể đăng ký trường khác được).
Điều này cũng giống như mua cổ phiếu, nếu nhà đầu tư không mua được mã VNM, có thể hủy lệnh để chuyển sang mã FPT, VIC…
Việc các thí sinh chỉ được cấp quyền đăng ký vào 1 trường đồng nghĩa không thể cùng lúc đăng ký vào nhiều trường khác nhau, tránh việc tạo cung cầu ảo. Việc đăng ký trực tuyến giúp thí sinh và phụ huynh không phải lên Hà Nội nộp rút hồ sơ hay thuê xe cứu thương gây tốn kém. Các thí sinh có thể ngồi nhà hay bất cứ nơi nào có kết nối Internet là có thể đặt lệnh hoặc hủy lệnh.
Dám đầu tư công nghệBộ GD&ĐT, các trường ĐH, CĐ là nơi hội tụ nhiều nhà giáo ưu tú, giáo sư, tiến sĩ nhất trong số các ngành nghề. Vấn đề là Bộ có dám thay đổi lề lối, cách làm cũ kỹ hay không? Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận rất quyết tâm cải cách hệ thống giáo dục. Ông coi đây là trận đánh lớn, nhưng phải làm sao để tiết kiệm tiền bạc, thời gian, công sức của phụ huynh, học sinh.
Vậy đầu tư công nghệ có tốn kém không? Chắc chắn là thấp hơn nhiều so với thị trường chứng khoán. Do chỉ có 3 đợt xét tuyển trong một năm nên Bộ GD&ĐT, các Sở và trường ĐH có thể lựa chọn đầu tư hoặc đi thuê. Điều này tương tự một doanh nghiệp cả năm tổ chức một hai ngày lễ kỷ niệm thay vì đầu tư một ban bệ, họ chỉ cần thuê một công ty tổ chức sự kiện, vừa tiết kiệm vừa chuyên nghiệp.
Bộ GD&ĐT, các trường cũng nên nghiên cứu các phương án để khuyến khích các thí sinh đặt lệnh nhanh hơn, ví dụ như khớp lệnh liên tục của chứng khoán. Đơn cử, với trường có điểm chuẩn trung bình cao nhất của các năm trước là 27,75 điểm, vậy khi có thí sinh 28, 29, 30 điểm “đặt lệnh”, các trường nên “khớp lệnh” luôn, không cần chờ kết thúc đợt xét tuyển, như vậy vừa thu hút người tài, khuyến khích thí sinh đặt lệnh sớm.
Trường hợp cùng điểm số, thí sinh “đặt lệnh” trước sẽ được ưu tiên xét trước. Các trường cũng nên tự đặt ra điểm sàn cho chính mình, như ĐH Y, Ngoại thương Hà Nội là 20 điểm chẳng hạn, tránh những thí sinh 15,17,18 đăng ký mất công.
Để giúp thí sinh làm quen phương án tuyển sinh mới mẻ này, Bộ GD&ĐT có thể tổ chức thực hành trước cho các em. Đối với những học sinh đã quen với Internet thì việc “đặt lệnh” tuyển sinh không có gì quá khó vì các em vốn thông thạo với các thao tác bàn phím. Rõ ràng, việc thay đổi, áp dụng công nghệ sẽ không quá khó nếu dám nghĩ, dám làm.