Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đứng dậy sau vấp ngã

Cai nghiện ma túy thành công, Trần Huy Cường không về TP.HCM mà ở lại Trung tâm Giáo dục lao động - xã hội tỉnh Ninh Thuận. Được sự ủng hộ từ gia đình, Cường đầu tư một phòng máy vi tính để hướng nghiệp những người lỡ bước như mình.

Năm nay Cường 36 tuổi, tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh trường ĐH dân lập Hùng Vương năm 2003. Sau những chuyến làm ăn thất bại từ năm 2008, Cường sa vào con đường nghiện...

Từ thiên đàng xuống địa ngục

Sau tốt nghiệp đại học, Cường làm việc trong công ty sản xuất bao bì của gia đình. Được một thời gian, Cường quyết định tìm kiếm hướng đi mới cho cuộc đời bằng cách qua Singapore vừa học vi tính, vừa làm thêm ở các nhà hàng kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Sau ba năm bôn ba đất khách quê người, Cường cầm được tấm bằng tin học BIT. Cường cho biết: “Vi tính là đam mê của mình và mình quyết tâm thực hiện điều đó bằng chính năng lực của bản thân chứ không muốn dựa dẫm vào ai cả”.

Về nước, Cường thành lập công ty riêng ở TP.HCM, chuyên cung cấp các thiết bị vi tính và ăn nên làm ra. Có chút vốn liếng, Cường - cũng như nhiều bạn trẻ khác lúc này - đầu tư vào thị trường chứng khoán. Năm 2008 thị trường chứng khoán chao đảo, công ty cũng phá sản theo. “Mình chán nản, muốn quên hết tất cả, quên đi thời gian cho qua ngày qua tháng nên đã tìm đến ma túy”, Cường tâm sự. Gia đình phát hiện và đưa Cường đi cai nghiện ở một vài nơi trong TP.HCM nhưng không thành công.

Tháng 6/2012, Cường được gia đình đưa đến trung tâm Giáo dục lao động - xã hội tỉnh Ninh Thuận.

Giúp đỡ người đi sau

Sau một năm cai nghiện, Cường không trở về TP.HCM mà quyết định ở lại trung tâm “để làm một điều gì đó” cho nơi đã giúp Cường tìm lại chính mình. Được sự ủng hộ từ bố mẹ và vợ con, Cường xin giám đốc trung tâm cho mở một phòng máy vi tính để đào tạo nghề cho các học viên đang cai nghiện.

Cường đầu tư 10 dàn máy vi tính cho trung tâm và trở thành giảng viên. Phòng máy vi tính mở cửa bảy  buổi sáng trong tuần với hơn 80 học viên theo học, từ căn bản tới nâng cao. Nhìn Cường chăm chút cho từng học viên không ai tưởng tượng cách đó không lâu, chính Cường phải vất vả cai nghiện tại nơi này.

Trần Huy Cường (phải) hướng dẫn học viên học vi tính tại trung tâm Giáo dục lao động - xã hội tỉnh Ninh Thuận.

Anh Võ Thái Nguyên (35 tuổi, học viên cai nghiện) cho biết: “Đây là lần đầu tiên mình tiếp xúc với máy vi tính. Lúc đầu còn nhiều bỡ ngỡ nhưng được anh Cường hướng dẫn tận tình nên bây giờ mình đã biết nhiều thứ. Anh Cường chính là tấm gương gần gũi nhất để sau khi cai nghiện mình làm lại cuộc đời”.

Cường tâm sự: “Mình từng vấp ngã và đứng lên được, vì vậy mình hiểu tâm lý của anh em, biết động viên họ đến với điều tốt đẹp. Đối với Cường, việc ở lại trung tâm hướng dẫn anh em cách sử dụng máy vi tính giống như mình được chia sẻ. Cường muốn anh em đồng cảnh ngộ tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống qua việc học tập và có một nghề sau khi ra đời”.

Các cán bộ trung tâm nói về Cường: “Một chàng trai có lý tưởng, có nghị lực, có tấm lòng rộng mở vì mọi người. Chúng tôi không kỳ thị những người vấp ngã, chúng tôi chỉ muốn xem cách họ đứng dậy như thế nào thôi”.

 

Theo Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm