Không chỉ là bọn trẻ, thế hệ chúng ta và thế hệ con chúng ta bao nhiêu năm qua đã đến trường với cảm giác nặng nề với các kiểu áp lực. Nào là học và làm bài đầy đủ, phải nhiều hoa điểm 10, phải đạt học sinh giỏi, phải học giỏi hơn con nhà hàng xóm, phải đậu đại học, phải học ngành có nhiều tiền…
Tuổi thơ của tất cả chúng ta đều bị ám ảnh bởi những điều ấy!
Nỗi ám ảnh mang tên 'bài tập về nhà'
Tuy nhiên, nỗi ám ảnh lớn nhất mà cả tôi và các bạn đều vướng phải chính là khối lượng công việc được thầy cô giao cho phải hoàn thành sau khi về nhà.
Thầy cô nào cũng muốn học sinh đạt điểm cao môn của mình nên mạnh ai nấy cho bài tập.
Khổ một điều là nếu ngày hôm sau có 5 môn học khác nhau thì số lượng bài tập cần chuẩn bị có khi lên đến hàng chục. Hầu như rất ít trường xếp thời khóa biểu cân đối môn khoa học tự nhiên xen kẽ môn xã hội và mỗi ngày không quá 4 môn khác nhau.
Bài tập về nhà nhiều và khó, cha mẹ thì không giúp được vì không có chuyên môn sư phạm. Thế là mỗi tối, hầu hết gia đình có con nhỏ đi học thường có chung một kịch bản, đó là tiếng hò hét bắt đi học bài của cha mẹ và cảnh cha mẹ cãi nhau về chuyện học của con.
Câu chuyện học sinh không hoàn thành bài tập về nhà quá đỗi quen thuộc mà hễ em nào thường xuyên làm bài được xem là phi thường và không làm bài là bình thường!
Thực sự sau tám tiếng ở trường, đám trẻ phải ngồi tiếp ở bàn học từ hai hay ba giờ để hoàn thành nhiệm vụ học tập thì quá vất vả và thiếu khoa học.
Vất vả quá rõ rồi, còn thiếu khoa học là thế nào?
Ảnh chỉ có tính minh họa: Đinh Quang Tuấn/VietNamNet. |
Thiếu khoa học
Trong lớp, thầy cô giảng những thứ cơ bản, nhưng bài tập cho về nhà đa phần là kiến thức vận dụng nâng cao. Các thầy cô mong đợi trẻ làm bài với tư duy của những học sinh giỏi mà thực chất số lượng học sinh có tư chất ấy rất hiếm hoi.
Các thầy cô nghĩ rằng khi làm bài tập ở nhà, đám trẻ có thể nhờ vả cha mẹ giúp đỡ để hoàn thành ư? Các thầy cô quên một điều quan trọng rằng phụ huynh không phải là những nhà giáo nên khó lòng giúp con mình được. Cho dù có trình độ chuyên môn, họ hoàn toàn thiếu sư phạm. Tôi từng biết có những phụ huynh là dược sĩ nhưng không dạy được môn Hóa lớp 8 cho con.
Vậy thì, thứ nhất, việc các thầy cô giáo cần làm là cho học sinh chuẩn bị bài học bằng những câu hỏi định hướng chứ không nên cho bài tập nâng cao để học sinh và phụ huynh cùng bơi với nhau.
Để hình thành những kiến thức nâng cao và kỹ năng học tập, chúng ta cần tổ chức các hoạt động tương tác và cộng tác trong lớp học dưới sự giám sát của nhà giáo dục.
Đám trẻ của chúng ta mỗi ngày phải dậy từ 6h sáng để đến trường trước 7h. Sau đó, chúng ở trường cho đến 5h chiều. Sau 5h chiều thì sao? Các em lại tiếp tục đi học ở trung tâm ngoài giờ hoặc nhà thầy cô giáo.
Phần lớn học sinh thành phố quay về nhà sau 9h tối. Ăn xong, các em tiếp tục ngồi vào bàn học đến 11h đêm hay hơn thế nữa. Vòng quay lặp đi lặp lại bất kể cuối tuần và cứ thế cho đến khi vào đại học.
Với cường độ học tập như vừa liệt kê, đám trẻ sẽ phát triển thể chất vào thời điểm nào trong ngày?
Phải chăng tuổi thơ chỉ cần phát triển trí lực mà không quan trong việc phát triển thể lực?
Bất kỳ ai cũng hiểu rằng sau 18 tuổi, trẻ khó lòng phát triển chiều cao. Việc học tập quá nhiều thời gian mà bỏ qua rèn luyện thể thao đã khiến thế hệ trẻ Việt Nam ngày càng yếu ớt, cận thị, lưng còng và thấp bé. Dễ thấy rằng khi bước vào lớp học thì hơn quá nửa học sinh cấp hai phải đeo kính cận.
Theo luật trí não Brain rule của Join Medina, quy luật số 1 về sự vận động có lý giải rằng não người không thể tiếp thu tốt thông tin nếu cơ thể chúng ta thiếu vận động. Khi thiếu vận động, máu sẽ lên não kém. Vì thế, nếu đứa trẻ thụ động và ngồi lâu quá 8 tiếng một ngày, não sẽ trở nên chậm chạp và tư duy kém. Nghiên cứu cho thấy các hoạt động thể chất rất cần thiết để trẻ nâng cao năng lực tư duy chứ không chỉ nâng cao thể lực.
Thứ nhì, cả phụ huynh lẫn nhà trường cùng quyết tâm giảm bài tập về nhà, giảm đi học thêm mà hãy cố gắng cho trẻ được luyện tập môn thể thao nào đó và được thực hiện mỗi ngày.
Đa phần bài tập về nhà được thiết kế chưa thực sự hiệu quả cho việc hình thành kỹ năng tư duy và các kỹ năng thế kỷ 21 cho học sinh bao gồm quyền công dân, hợp tác và truyền thông, sự sáng tạo và trí tưởng tượng, tư duy phê phán và giải quyết vấn đề, trình độ kỹ thuật số, lãnh đạo và phát triển cá nhân.
Việc học tập ở thế kỷ này không còn quan trọng là đứa trẻ học được “cái gì” tức là “What”, mà chúng ta cần chú trọng đứa trẻ tư duy về vấn đề ấy “như thế nào”, tức là “How”.
Sáu kỹ năng cốt lõi vừa được liệt kê ở trên sẽ được hình thành như thế nào? Những bài tập nên cho học sinh giải quyết ở nhà là những loại gì?
Thứ ba, các hoạt động học tập nên cho học sinh làm bên ngoài nhà trường đó chính là những hoạt động trải nghiệm theo dạy học tích cực như thuyết trình, hoạt động trải nghiệm thực tế, học qua thực hành, dạy học theo dự án, nghiên cứu khoa học.
Ảnh chỉ có tính minh họa: Đinh Quang Tuấn
/VietNamNet. |
Vai trò của học sinh
Một câu hỏi nữa đặt ra là “Phụ huynh nên làm gì để giúp con phát triển hài hòa về cả thể lực lẫn trí lực với mong muốn giúp trẻ có một tương lai tốt đẹp?”.
Theo tôi, đó là ba hoạt động. Đầu tiên, hãy cùng con xác định lại mục tiêu học tập thực sự.
Điểm số trong học tập chỉ đánh giá về kiến thức. Chính những giá trị từ trải nghiệm thực tế và sự đánh giá thường xuyên từ thầy cô, bạn bè, xã hội mới chính là thước đo chân thực về năng lực đứa trẻ và là nền tảng cho những thành công sau này của trẻ.
Tiếp theo, bạn hãy giúp con sắp xếp thời gian biểu để các em có thời gian cho vận động, giúp phát triển cả thể lực lẫn trí lực.
Và phụ huynh nên chắc chắn một điều rằng yêu con thực sự không phải đáp ứng nhu cầu vật chất đầy đủ hay chăm chỉ chở con đến đủ các lớp học. Yêu con thực sự chính là hiểu rõ năng lực của con cũng như mơ ước của con.
Người lớn chúng ta ơi, xin đừng nhốt bọn trẻ trong chiếc hộp chật hẹp của việc học. Học ngày học đêm và hàng núi bài tập về nhà từng lấy mất tuổi thơ của chúng ta lẽ nào ta lại muốn lặp lại điều ấy với con mình, với học trò mình?
Rất nhiều thứ cần phải học và những điều ấy nằm bên ngoài cánh cửa lớp học. Hãy cho trẻ sống cuộc đời đáng sống, học được những thứ cần phải học và nên học.