Từ cuối tháng 5, học sinh lớp 9 trên khắp cả nước sẽ bước vào kỳ thi lớp 10. Ảnh: Quỳnh Trang. |
“Đầu óc căng thẳng, lại hay thức đêm học, em nhận thấy mình kém tập trung hơn. Trước đây, em có thể học liên tục trong vài giờ. Nhưng bây giờ, chỉ làm nửa đề Toán thôi em đã thấy mệt, cảm giác chậm hẳn. Cứ thế này, em sợ sẽ trượt nguyện vọng 1”, T.L. (học sinh lớp 9 tại TP.HCM) chia sẻ.
Không riêng L., áp lực cạnh tranh một vị trí tại những trường THPT tốt, kỳ vọng phải thi đậu vào trường chuyên lớp chọn, học ngày học đêm để đạt mục tiêu là những vấn đề mà nhiều bạn sinh lớp 9 đang phải đối mặt trước thềm thi tuyển vào lớp 10.
Ở nội thành những thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM, tình trạng này có phần căng thẳng hơn khi chỉ 60-70% học sinh tốt nghiệp lớp 9 có suất vào các trường công lập.
Sức khỏe, tinh thần đều giảm sút
“Vặn dây cót” từ sau Tết Nguyên đán, L. cho biết đây là khoảng thời gian cuối cùng để nữ sinh có thể “bứt phá” nếu muốn đỗ vào những nguyện vọng đã đăng ký. Ngoài học ở trường, L. dành hết thời gian trống cho việc tự học, 8-9 giờ/ngày. Với L., việc thức đến 1-2h để luyện đề là điều bình thường.
Tuy nhiên, càng về cuối, tinh thần em càng giảm sút, một phần do việc riêng, một phần cũng do áp lực học hành. Sức khỏe cũng vì thế mà sụt giảm theo.
“Em thường xuyên rơi vào cảm xúc tiêu cực, mất ngủ liên tục, chán ăn rồi bị thiếu máu, thiếu canxi. Có lần, em đã bị ngất xỉu, tay cầm bút nhiều khi cũng bị run”, L. chia sẻ.
Một trong những điều khiến L. phải suy nghĩ nhiều là mọi người xung quanh bàn tán, cho rằng em khó có khả năng đậu nguyện vọng 1 là trường THPT Nguyễn Thượng Hiền do là trường tốp đầu, tỷ lệ chọi cao. Sức học của em cũng không quá xuất sắc.
“Nhiều người khuyên em từ bỏ, chọn nguyện vọng thấp hơn nhưng em cố chấp, quyết tâm đăng ký. Vì vậy nếu trượt, chắc em sẽ xấu hổ lắm. Dù đã cố gắng nghĩ tích cực và điểm thi thử cũng khá ổn, nhưng những gì mọi người nói vẫn cứ luẩn quẩn trong đầu", L. kể.
Nữ sinh chia sẻ em may mắn vì có mẹ bên cạnh đồng hành, động viên và dạy em học. Mẹ không áp lực em phải đỗ trường Nguyễn Thượng Hiền, nguyện vọng 2 hay 3 đều được. Nhưng dù vậy, tự áp lực phải đỗ cũng khiến L. căng thẳng.
Tinh thần giảm sút, L. lo sẽ không thể chạy nước rút, có nguy cơ trượt nguyện vọng 1. Ảnh: NVCC. |
Đầu óc luôn trong trạng thái căng thẳng, mắt thâm quầng cũng là tình trạng của Trần Linh (học sinh lớp 9 tại TP.HCM).
"Sức học hiện tại của em đang hơi chấp chới để đỗ vào nguyện vọng 1, vì vậy, em đang chạy đua với thời gian để tiến bộ mỗi ngày", Linh nói.
Những ngày này, Linh vẫn học trên trường cả ngày. Hầu hết buổi tối và cuối tuần, em sẽ ôn ở lớp học thêm. Về nhà, ngày nào em cũng tự học tới 1-2h mới ngủ. Hôm nào mệt quá, em sẽ đi ngủ sớm hơn, nhưng cũng phải quá 23h, sau đó, em sẽ dậy vào lúc 2-3h để học bài.
Học ngày, cày đêm, Linh kể mắt em thâm quầng, ngày nào cũng ước được ngủ một giấc thật ngon, không lo lắng, nghĩ ngợi đến việc thi cử. Đôi khi, nữ sinh rơi vào cảm xúc tiêu cực, lo sợ sẽ trượt cả 3 nguyện vọng, vừa xấu hổ, bố mẹ phải gồng thêm mức học phí cao nếu học tư thục.
“Bố mẹ không đặt nặng việc đỗ công lập, nhưng em vẫn tự đặt cho mình áp lực phải đỗ. Em không muốn bố mẹ có thêm gánh nặng", Linh nói.
Đừng cố thức đêm học bài
Trao đổi với Tri thức - Znews về những tình trạng mà học sinh thường gặp phải trong mùa thi, bác sĩ bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết những tình trạng phổ biến nhất như đau đầu, chóng mặt, đau dạ dày thường bắt nguồn từ việc thiếu ngủ, ngủ quá muộn, căng thẳng, ăn uống thất thường.
Ngoài ra, học bài sai cách cũng là nguyên nhân khiến học sinh cuối cấp cảm thấy đau đầu khi học. Cụ thể, bác sĩ Khanh nói rằng tư thế ngồi học sai (ví dụ nơi học thiếu ánh sáng, bàn học quá nhỏ) hoặc việc sử dụng đồ điện tử trong lúc học hoặc xen kẽ giữa các giờ học cũng khiến trẻ thêm đau đầu.
Vào mùa thi, học sinh có xu hướng học thâu đêm suốt sáng, bác sĩ Khanh nói đây cũng là điều không tốt vì thức đêm gây uể oải, thậm chí khiến các em rơi vào tình trạng rất buồn ngủ nhưng lại không thể ngủ nổi.
Do đó, trong giai đoạn này, bác sĩ Khanh khuyên các học sinh cần ngủ đủ. Thay vì học đến đêm, các bạn nên đi ngủ từ 21h30 rồi dậy lúc 5h để bắt đầu học bài. Việc ngủ đủ, ngủ sớm, dậy sớm giúp các em tỉnh táo, dễ tiếp thu bài và quan trọng là không bị mệt mỏi hay đau đầu.
Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 nhấn mạnh trong giai đoạn này, dù đau đầu đến mấy, học sinh cũng không nên lạm dụng thuốc đau đầu (như hoạt huyết dưỡng não). Điều các bạn nên làm chỉ là điều chỉnh giờ ngủ, nhịp sinh hoạt, đồng thời tập thể dục điều độ.
Nếu bận học đến mức không thể ra ngoài tập thể dục, các bạn có thể thực hiện một số bài tập nhẹ nhàng ngay tại nhà như vươn vai, lên xuống cầu thang hoặc chạy bộ nhẹ nhàng trong phòng…
Bác sĩ Trương Hữu Khanh đưa ra một số lời khuyên cho sĩ tử trong giai đoạn ôn thi nước rút. Ảnh: Phương Lâm. |
Dinh dưỡng cũng là điều rất quan trọng trong giai đoạn này. Bác sĩ Khanh biết rằng học sinh ôn thi có một “tật xấu” là nhịn ăn, bỏ bữa. Ông nói rằng điều này không tốt cho sức khỏe và não bộ - nhất là trong giai đoạn ôn thi nước rút, bộ não cần làm việc liên tục.
Do đó, các học sinh và phụ huynh cần chú ý nhiều hơn về mặt dinh dưỡng, ăn đủ chất, uống đủ nước, ăn thêm rau xanh và bổ sung các thực phẩm giàu vitamin B.
Dù ở trong giai đoạn trước hay trong kỳ thi, học sinh cũng nên ăn các món cung cấp đủ năng lượng, tránh ăn uống gián đoạn và phải tránh xa đồ uống chứa caffein như trà, cà phê, nước tăng lực vì chúng chỉ giúp tỉnh táo tức thời và sau đó lại gây mệt mỏi.
“Học sinh ôn thi không nên ăn bánh ngọt, các bạn cũng nên tránh xa đồ ăn dầu mỡ vì khó tiêu, gây mệt mỏi. Nếu đói bụng, các bạn có thể lót dạ bằng bánh quy hoặc uống sữa cho đỡ đói chứ không nên nhịn”, bác sĩ Khanh khuyên.
Chung quan điểm với bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An, nghiên cứu sinh chuyên ngành Tâm lý học (Đại học Sư phạm TP.HCM), khuyên học sinh không nên cố thức khuya chỉ để học bài.
Theo anh An, cơ thể chúng ta mất khoảng 2-3 tuần để hình thành thói quen sinh hoạt. Khi đã vào guồng, cơ thể sẽ như công tắc tự động, đúng giờ sẽ tự đói, tự buồn ngủ và tự thức dậy.
Nhìn chung, trong giai đoạn này, sĩ tử không nên chỉ tập trung vào ôn tập, mà cần rèn thói quen sinh hoạt phù hợp. Do đó, anh Tâm An khuyên ngay từ bây giờ, học sinh nên thay đổi thời gian biểu để kịp chuẩn bị cho ngày thi.
Đến ngày quan trọng, các bạn nên ngủ sớm, tốt nhất là ngủ trước 22h30, sau đó thức dậy lúc 5h30 để vệ sinh cá nhân, 6h ăn sáng tại nhà để đảm bảo dinh dưỡng, tránh ngộ độc thực phẩm. Sau khi thi xong môn buổi sáng, sĩ tử nên ăn trưa và ngủ trưa để có đủ năng lượng cho ca thi buổi chiều.
“Nhiều học sinh chia sẻ các bạn chỉ học bài hiệu quả nhất vào buổi khuya, từ 23h đến 3-4h sáng hôm sau, sau đó các bạn ngủ đến trưa mới thức dậy. Đồng ý rằng mỗi người sẽ có khung thời gian học tập hiệu quả, nhưng khi cơ thể đã quen với giờ giấc này, đêm trước khi đi thi sẽ trở thành ác mộng: Ngủ không đủ hoặc tệ hơn là ngủ quên, đến trường thi muộn giờ”, anh An nêu quan điểm.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.