Khả năng miễn dịch cộng đồng giúp ngăn chặn sự lây lan của virus. Một số nhà nghiên cứu cho biết sự gia tăng gần đây của RSV và bệnh cúm là do mọi người không tiếp xúc với những loại virus đó trong những năm đầu của đại dịch Covid-19. Ảnh: Stephanie rausser. |
Theo Bloomberg, khi các bệnh về đường hô hấp lan rộng khắp nước Mỹ, một thuật ngữ y học xa lạ đã xuất hiện trên một số phương tiện truyền thông.
“RSV (virus hợp bào hô hấp) và bệnh cúm đang gia tăng trong năm nay. Một số nhà nghiên cứu đang chỉ ra điều đó và đưa ra khái niệm tương đối lý thuyết mà họ gọi là ‘Immunity Debt’ (tạm dịch: Món nợ miễn dịch), trích bài viết của cây viết chuyên mảng y tế Immanual John Milton trên Bloomberg.
Về mặt lý thuyết, một số nhà nghiên cứu cho rằng các biện pháp được thực hiện để hạn chế sự lây lan của Covid-19 cũng hỗ trợ ngăn ngừa các loại virus khác. Theo họ, việc không tiếp xúc thường xuyên với những mầm bệnh đó khiến hệ thống miễn dịch của con người trở nên kém hiệu quả hơn trong việc chống lại chúng. Và bây giờ, khi biện pháp phòng, chống Covid-19 được nới lỏng, các virus khác lợi dụng điểm đó để tấn công cơ thể.
Điều này có thể đúng một phần. Tuy nhiên, Paul Sax, Giám đốc lâm sàng của bộ phận Bệnh Truyền nhiễm tại Bệnh viện Phụ nữ và Brigham trực thuộc Harvard ở Boston, cho rằng còn rất nhiều nguyên nhân khác dẫn đến sự gia tăng gần đây của các loại virus đường hô hấp.
“Thời tiết lạnh hơn, trẻ em đi học trở lại, mọi người ngừng đeo khẩu trang, tất cả điều này kết hợp lại với nhau. Và sau đó, chúng khiến khả năng miễn dịch của người dân suy giảm", ông Paul Sax nhận định.
Michael Osterholm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách về Bệnh Truyền nhiễm của Đại học Minnesota, là người kịch liệt phản đối thuật ngữ “món nợ miễn dịch".
Mặc dù khả năng miễn dịch của cộng đồng đối với các loại virus như cúm mùa có thể suy yếu khi con người hạn chế tiếp xúc với nó, ông cho rằng sự thay đổi này thường xảy ra trong một khoảng thời gian dài hơn nhiều so với đại dịch Covid-19. Nó cũng sẽ ảnh hưởng đến nhiều người hơn những gì chúng ta đang thấy hiện nay.
Ông nói: “Ngay cả trong một năm dịch cúm tồi tệ, về cơ bản, tỷ lệ người trưởng thành mắc cúm vẫn chiếm khoảng 5-15%. Vì vậy, đâu phải 100% người dân mắc bệnh mỗi năm”.
Ông Osterholm cũng cho rằng trong mọi trường hợp, chúng ta không thể khẳng định chắc chắn những nỗ lực phòng chống dịch ở “thời đại Covid-19” đã ngăn con người tiếp xúc các loại virus khác. Thực tế, trong suốt thời kỳ đại dịch, rất ít người đeo khẩu trang N95. Nhiều người vẫn tiếp tục đến công ty làm việc, ra ngoài ăn tối và đi du lịch ngay khi họ được phép làm như vậy.
Hơn nữa, theo Greg Poland, Giám đốc nhóm Nghiên cứu Vaccine tại Mayo Clinic, ngay cả khi “món nợ miễn dịch” tác động lớn đến việc bùng phát các dịch bệnh tiếp theo do virus, điều đó không có nghĩa các biện pháp phòng ngừa Covid-19 bằng cách đeo khẩu trang, giãn cách xã hội là ý tưởng tồi. Theo ông, việc ngăn chặn một căn bệnh chết người là đáng giá, ngay cả khi có những hậu quả về sau.
Ông Poland cho biết chìa khóa hiện nay là sử dụng các công cụ mà chúng ta có để bảo vệ bản thân khỏi virus đường hô hấp, chẳng hạn tiêm phòng cúm.
Vị chuyên gia giải thích bằng một phép loại suy về nguy cơ tử vong trong một vụ va chạm xe hơi. “Bạn làm gì để ngăn chặn điều đó? Bạn có lốp xe, hệ thống phanh tốt, bạn có túi khí, dây an toàn, hệ thống cảnh báo va chạm, phát hiện bằng laser. Bạn có tất cả những thứ này. Điều đó tương tự những gì chúng ta cần để đối phó với bệnh truyền nhiễm.
Cuốn sách bên bờ sự sống
Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.