T
ối 16/9, công chúng cũng như những người yêu thích nhạc nhảy điện tử (EDM) sốc trước thông tin nhiều người tử vong trong lễ hội Trip to the Moon, được cho là dùng chất kích thích và bị sốc thuốc.
Sự việc đáng tiếc xảy ra khiến nhiều người hoang mang về sự an toàn của những lễ hội, sự kiện âm nhạc lớn. Một số ý kiến cho rằng người trẻ dễ "quá khích" ở các sự kiện âm nhạc điện tử nên cần xem xét lại. Lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội cho biết sau sự cố ở Công viên Hồ Tây, sở này tạm dừng cấp phép cho các chương trình tương tự.
Tuy nhiên, phần lớn cư dân mạng khẳng định vấn đề không nằm ở lễ hội âm nhạc, vì vậy, không nên tạm dừng cấp phép. Đối với những người hâm mộ dòng nhạc này, đây là sân chơi văn hóa lành mạnh không chỉ cho giới trẻ, mà còn cả cộng đồng.
EDM là sợi dây kết nối các bạn trẻ, được tổ chức ở nhiều nơi trên thế giới. Người trẻ hãy nghe nhạc thông minh và có trách nhiệm với bản thân, cộng đồng.
Đừng vì số nhỏ mà đánh đồng tất cả
Trước thông tin tạm dừng cấp phép cho các loại hình biểu diễn tương tự, những người yêu thích nhạc điện tử đã cùng nhau chia sẻ dòng hashtag #SaveEDMFestivalVietnam (Bảo vệ âm nhạc điện tử Việt Nam).
“Đừng vì con sâu mà làm rầu nồi canh”, bạn Tô Thị Kim Thắm nêu quan điểm và mong muốn mọi người hãy nhìn nhận đúng bản chất sự việc. Đừng đánh giá cả một cộng đồng yêu nhạc bằng sai lầm của một số người.
Luồng ý kiến chia sẻ góc nhìn của Tô Thị Kim Thắm cho rằng số người dùng chất kích thích và có hành vi tiêu cực ở lễ hội âm nhạc vừa qua chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với hàng nghìn bạn trẻ đam mê thực sự.
Sự cố đáng tiếc xảy ra nên được nhìn nhận dưới các góc độ: Một số ít bạn trẻ đáng bị lên án khi dùng ma túy, bay lắc tại lễ hội; ban tổ chức công khai bán bóng cười khiến nhiều người phẫn nộ và những câu hỏi về trách nhiệm của chính quyền địa phương...; chứ "bản thân nhạc EDM không có lỗi".
Sự việc đáng tiếc đã xảy ra trong đêm nhạc EDM ở Công viên nước Hồ Tây, Hà Nội, khi 7 người tử vong. Ảnh: D.P. |
Ngô Huỳnh Thục Đoan (CEO của 4WAy Media, đơn vị tổ chức các sự kiện nhạc nhảy điện tử), nói với Zing.vn 4Way đã chia sẻ hashtag #SaveEDMFestivalVietnam với mong muốn mọi người có nhận định đúng đắn về EDM. Một vấn đề thường có 2 mặt tích cực và tiêu cực, không nên đánh giá sai, ảnh hưởng cả cộng đồng.
Từng tổ chức chương trình của nhiều nghệ sĩ Việt Nam và cả quốc tế như Hoàng Touliver, Slimv, Rhymastic, Martin Garrix, Jessica Jung..., Ngô Huỳnh Thục Đoan khẳng định EDM là văn minh, mang ý nghĩa tích cực.
“Có ý kiến đánh đồng cho rằng raver (người đam mê nhạc nhảy điện tử) là các bạn trẻ ăn chơi, 'đú' theo phong trào. Đó chỉ là một thành phần nhỏ của cộng đồng raver Việt. Có thể những thành phần thiểu số này ảnh hưởng không tốt đến nhận định chung về EDM Việt Nam nhưng hãy nhìn vào đa số và những giá trị mà lễ hội âm nhạc điện tử mang lại cho cộng đồng”, Thục Đoan bày tỏ.
Những dòng Hashtag được cộng đồng mạng nhanh chóng chia sẻ với ý nghĩa bảo vệ giá trị văn hóa của các ngày hội EDM. |
Sợi dây kết nối mọi người
Nhiều cư dân mạng khẳng định du nhập vào Việt Nam chưa lâu, EDM đã nhận được sự hưởng ứng của công chúng. Nó thay đổi rất lớn bộ mặt âm nhạc và tạo cơ hội cho nhiều người trẻ tiếp cận văn hóa âm nhạc hiện đại trên thế giới.
Đại diện 4WAY khẳng định EDM Festival đã phát triển từ rất lâu trên thế giới và du nhập vào Việt Nam những năm gần đây. Raver là những người yêu âm nhạc, không phân biệt già trẻ, lớn bé, công việc.
Sự yêu mến của công chúng được thể hiện khi những năm gần đây ngày càng nhiều lễ hội EDM được tổ chức. Không ít DJ nổi tiếng thế giới chọn Việt Nam là điểm đến để giới thiệu show của mình. Các tour diễn lớn của nghệ sĩ như Steve Aoki, Hardwell, Martin Garrix... nhận được sự chú ý và tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng.
"Người tham gia nhạc hội thường có tâm lý chung là anh em, bởi nhạc không phải ai cũng nghe và chia sẻ với nhau được”, anh Nguyễn Như Vĩ (Hà Nội) nói.
Nghệ sĩ SlimV bày tỏ trên trang cá nhân rằng: “Tôi nghĩ âm nhạc là thứ gắn kết mọi người mà không cần bất kỳ chất kích thích nào”. Anh cũng tỏ ra tiếc nuối cho các raver chân chính khi có thể sẽ rất lâu nữa họ mới được gặp gỡ và thưởng thức âm nhạc của các DJ quốc tế.
Những ngày hội âm nhạc điện tử mang ý nghĩa kết nối hàng trăm nghìn người yêu âm nhạc. Ảnh: Minh Hạo - Việt Linh. |
Hãy là người nghe nhạc thông minh, có trách nhiệm
Sau sự cố đáng tiếc, nhiều người yêu nhạc chân chính muốn gửi đến cộng đồng thông điệp hãy nghe nhạc văn minh. Những dòng hashtag như #Nodrugs (Không chất kích thích), #Partyresponsibly (Vui chơi có trách nhiệm)... được chia sẻ rộng rãi để hướng tới thông điệp xây dựng cộng đồng yêu âm nhạc văn minh.
Nhiều người thường xuyên tham gia các sự kiện cũng thừa nhận có thực trạng tiêu cực nhưng cho rằng nó chỉ tồn tại ở bộ phận nhỏ, trong đó có việc cố tình đưa trái phép các chất kích thích vào lễ hội.
Trang fanpage của 4Way chia sẻ: “Mỗi người có một cách cảm nhận và hưởng thụ âm nhạc khác nhau. Nhưng dù là hình thức nào, chúng tôi cũng mong muốn các bạn hãy là người tận hưởng âm nhạc lành mạnh. Điều đó không chỉ giúp ích cho các bạn mà còn cho chúng tôi, cho cả cộng đồng âm nhạc Việt Nam”.
Tài khoản Việt Đức bình luận: “Đã là raver, hãy là người thông minh, biết cùng nhau giúp nền âm nhạc nói chung và EDM nói riêng phát triển hơn nữa và có ý nghĩa cho xã hội”.
Mỗi người khi đi "fes" hãy tự tìm hiểu thông tin và những điều cần lưu ý để tự bảo vệ bản thân mình. Đơn giản như việc không mang những đồ giá trị để phòng móc túi ở chỗ đông người, tự bảo vệ bản thân tránh bị sàm sỡ, mang đồ ăn, nước uống dự phòng, và không dùng chất kích thích gây nguy hiểm.