Khi những câu chuyện về hành xử thiếu văn minh của giới trẻ ở nơi công cộng thường xuyên xuất hiện trên mạng xã hội, nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra tranh luận.
Bị quy kết thiếu văn minh
Hầu hết bình luận đều xoay quanh vấn đề giới trẻ có thực sự thiếu văn minh hay không? Có phải họ đang bị định kiến vì nhóm thiểu số "con sâu làm rầu nồi canh"?
Hay việc hành xử văn minh không hề liên quan đến độ tuổi mà bởi ý thức cá nhân mỗi người.
Là một giảng viên đại học, nhà văn Di Li đã có những chia sẻ của riêng mình về ý thức người trẻ hiện đại.
Theo chị, việc giới trẻ hành động văn minh hay chưa là do môi trường giáo dục bạn ấy được tiếp nhận. Ý thức của người lớn cũng ảnh hưởng rất mạnh mẽ. Do đó, không thể áp đặt định kiến rằng, lớp trẻ đang thiếu văn minh.
Bên cạnh đó, Di Li cho rằng: "Thực tế, những hành động xấu vẫn chiếm số ít so với cử chỉ đẹp. Ví dụ như số người đi quá vạch giao thông luôn ít hơn người đi đường đúng luật.
Tôi không thể bao biện khi tỷ lệ thiếu văn minh ở nước ta còn cao, nhưng cũng không vì thế từ chối công nhận ý thức tốt của các em".
Khi được hỏi về ý thức của những người trẻ quanh mình, Tâm Xíu - Á khôi Press Beauty, Học viện Báo chí & Tuyên truyền - trả lời, cô nhận thấy có rất nhiều bạn có ý thức tự giác nơi công cộng rất tốt, khiến nữ sinh phải học hỏi.
"Việc định kiến, quy chụp giới trẻ là điều khó tránh khi hiện tượng 'con sâu làm rầu nồi canh' thường đập vào mắt người lớn. Nhưng vì thế, chúng ta cần chứng minh bằng hành động để dần xoá bỏ hình ảnh xấu trong mắt thế hệ lớn tuổi hơn" - Tâm nói.
Không văn minh sẽ bị đánh giá
Hầu hết khi được hỏi, ai cũng thú nhận rằng, bản thân từng không dưới một lần bị làm phiền vì những hành động thiếu văn minh của người trẻ ở nơi công cộng: nói tục chửi bậy, làm ồn.
Tuy vậy, mọi người vẫn khẳng định, họ nhiều lần chứng kiến các hành động đẹp rất thuyết phục như lịch sự xếp hàng, giúp đỡ người già, cư xử đúng mực...
Hẳn không ai lạ lẫm với hình ảnh nhóm bạn trẻ đứng cầm biển với các thông điệp: "Thả cá không thả túi nilon", "Đừng vứt rác bừa bãi", "Hãy bảo vệ môi trường, cảnh quan"... mỗi độ đến Tết ông Táo.
Những tấm biển nhắc nhở này dần trở thành hình ảnh quen thuộc, đáng nhớ. Chúng là minh chứng rõ ràng cho ý thức văn minh và cách sống đẹp của một bộ phận giới trẻ Việt.
Nguyễn Thu Thảo (sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân) cho hay: "Khi có ý tưởng về một chiến dịch kêu gọi giữ ý thức tham gia giao thông, mình được rất nhiều bạn bè, kể cả những người không quen, ủng hộ. Việc này khiến mình tin tưởng rằng, ngay chính người trẻ cũng lên án mạnh mẽ hành động thiếu văn minh".
Đồng tính với ý kiến này, Hải Nguyễn (du học sinh Mỹ) nghĩ rằng, xã hội hiện đại Việt Nam ngày càng quan tâm hơn đến các quy chuẩn hành xử văn minh ở nơi công cộng.
"Cách tư duy phương Tây có ảnh hưởng không nhỏ đến lối sống ngày nay, nhất là với các bạn trẻ. Bây giờ ra đường không để ý đến lối hành xử của mình sao cho lịch sự, có học thì sẽ bị đánh giá ngay" - cậu nói.
Với những người như Tâm, Hải hay Thảo, "văn minh" chắc chắn đang là một trong những điều đại diện cho lớp trẻ hiện đại.
Chuyện "mấy đứa rảnh"
Những ngày đầu tháng 3, tại ngã tư Hàng Xanh, TP HCM xuất hiện một nhóm bạn trẻ dàn hàng ngang qua đường khi đèn đỏ. Nhóm này giơ cao các tấm biển mang dòng chữ "Nhận tờ rơi đừng đánh rơi xuống đất", "Tắt máy 25 giây vì môi trường"...
Ở các ngã tư lớn ở quận 1, 3, 5, 10, Thủ Đức (Sài Gòn) cũng có gần 200 sinh viên xuống đường chuyển tải thông điệp tương tự.
Ngoài lời khích lệ, họ còn nhận nhiều nhận xét tiêu cực như "mấy đứa rảnh", "dở hơi". Trong phút chốc những nhận xét này lại biến sự văn minh trở thành điều khác lạ, lập dị.
Chia sẻ suy nghĩ về việc này, nhà văn Đỗ Nhật Phi cho biết: "Không thể phủ nhận còn một bộ phận người có thói quen hành xử chưa có văn hoá. Với họ, văn minh đúng là cái gì đó lạ lẫm.
Hành động của các bạn nêu trên là điều cần thiết, ít nhất để nhắc cho mọi người thấy giới trẻ rất quan tâm và luôn hướng tới điều tốt đẹp, tử tế trong cuộc sống".
Cùng với việc giáo dục, sự nhìn nhận đúng mực từ người lớn cũng góp phần không nhỏ vào "làn sóng sống đẹp" của lớp trẻ.
Văn minh không phải là khái niệm xa xôi, to lớn. Nó là thói quen cư xử rất đỗi nhỏ nhặt hàng ngày.
Như nhà văn Di Li ví dụ "nhiều khi các em không biết những việc như để chuông điện thoại to trong lớp học, phòng họp hay rạp chiếu đã rất thiếu văn minh". Bởi vậy, sự nhắc nhở, làm gương của người lớn và chính những người trẻ với nhau là điều rất quan trọng.
Với việc được tiếp xúc văn hoá phương Tây hiện đại, hưởng nền giáo dục ngày càng toàn diện, giới trẻ Việt thực tế có thể trưởng thành trong sự văn minh do chính mình tạo nên.