Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Đừng gọi anh là bố’ - phiên bản cải lùi của ‘Đạp gió rẽ sóng’

So với “Đạp gió rẽ sóng”, tác phẩm Thái Lan thua kém cả về nội dung lẫn cách xây dựng nhân vật. Phim tập trung quá nhiều vào mảng miếng hài hước mà quên đi phần ý nghĩa, cảm xúc.

review phim Dung goi anh la bo anh 1

My God! Father theo chân Got (Thanawat Wattanapoom) - một tay đua xe thể thao tài năng. Song, anh lại có mối quan hệ không mấy tốt đẹp với cha là Prem (Chatavit Dhanasevi). Got cũng chẳng có ký ức gì về mẹ bởi bà qua đời lúc anh vừa ra đời chưa được bao lâu.

Một tai nạn bất ngờ đưa tay quái xế “xuyên không” về năm 1998. Tại đây, Got gặp được cha mình lúc này vẫn còn là một thanh niên trẻ tuổi đầy nhiệt huyết. Anh liền bị cuốn theo những cuộc phiêu lưu của Prem với mong ước được một lần gặp mẹ và dần khám phá ra những sự thật về họ.

My God! Father được làm lại từ bộ phim Đạp gió rẽ sóng (Duckweed) ăn khách với sự góp mặt của bộ ba Bành Vu Yến, Triệu Lệ Dĩnh và Đặng Siêu. Nguyên tác từng thu về hơn 1 tỷ NDT khi ra rạp hồi 2017.

Hài hước quá lố, kém duyên

Trên thực tế, Đạp gió rẽ sóng vốn lấy cảm hứng từ bộ phim kinh điển Back to the Future (1985) khi Marty McFly (Michael J. Fox) đi ngược thời gian về gặp phiên bản trẻ tuổi của bố mẹ và giúp họ nên duyên. Song, bộ phim của đạo diễn Hàn Hàn tập trung nhiều vào mặt cảm xúc và bỏ qua các lý thuyết khoa học.

My God! Father không có nhiều sự thay đổi về mặt nội dung so với nguyên tác Hoa ngữ. Thậm chí, tác phẩm của Thái Lan có hàng loạt phân cảnh “sao y bản gốc” một cách rập khuôn và thiếu sáng tạo. Cả hai cùng khai thác tiếng cười qua phong cách "buddy cops" quen thuộc.

review phim Dung goi anh la bo anh 2

Bộ phim Thái Lan tỏ ra kém duyên và quá tay trong việc xây dựng các tình huống hài hước.

So với thời hiện đại là một người cha khó tính, bao bọc con quá mức, Prem ở quá khứ là tay giang hồ “trẻ trâu”, hết lòng vì các huynh đệ. Ngược lại, Got tuy bất mãn với cha, nhưng lại hào hứng muốn khám phá cuộc sống của ông năm xưa. Anh gia nhập Băng Trai Đẹp của Prem gồm toàn thanh niên ngờ nghệch và mang đến nhiều tình huống dở khóc dở cười trong quá trình “hành hiệp trượng nghĩa”.

Yếu tố hài hước còn đến từ việc Got phát hiện ra Bew (Sammy Cowell) - tình nhân lâu năm mà Prem sắp lấy làm vợ - không trùng tên với người mẹ quá cố. Sợ mình có thể không được sinh ra, anh chàng lên kế hoạch chia rẽ họ, thậm chí tán tỉnh luôn cả người yêu của cha.

Nhưng Đạp gió rẽ sóng duyên dáng bao nhiêu, thì My God! Father lại nhạt nhẽo bấy nhiêu. Các mảng miếng hài hước được lồng ghép vô tội vạ mà không thèm quan tâm đến cảm xúc người xem hay mạch truyện. Đạo diễn Pawat Panangkasiri cố tình kéo dài các tình huống gây cười theo cách “lầy lội”. Song, chúng không mang đến hiệu quả cần thiết khi khiến tác phẩm dài dòng, rời rạc.

Yếu tố sản xuất cẩu thả, kịch bản phi lý

Đạp gió rẽ sóng, bối cảnh Thượng Hải năm 1998 có sự tách biệt so với hiện tại. Đây là lúc làn sóng phim Hong Kong bùng nổ, ảnh hưởng đến cách ăn mặc và giải trí của giới trẻ. Nhưng ở My God! Father, Thái Lan hiện đại và quá khứ không có sự khác biệt là bao. Các cảnh quay đa số diễn ra trong nhà hoặc ở những khu vực hoang vu dường như để giảm thiểu chi phí.

Trong những phân đoạn thể hiện phố phường cuối thập niên 1990, khán giả dễ dàng nhận ra đây chỉ là phim trường được xây dựng một cách cẩu thả. Yếu tố kỹ xảo trong phim khá tệ và hiếm khi xuất hiện so với bản gốc. Thậm chí, phim còn “tiết kiệm” đến mức cắt gần hết những chi tiết thể hiện tài “quái xế” của Got.

Với việc kéo dài các cảnh hài hước, đạo diễn Pawat Panangkasiri buộc phải cắt bớt nhiều tình tiết để đảm bảo thời lượng. Việc này gây ảnh hưởng trực tiếp đến cách xây dựng và diễn biến tâm lý nhân vật. Những mâu thuẫn bị rút gọn khiến cái kết không đủ bùng nổ cảm xúc, còn tính cách các nhân vật cũng trở nên phi lý.

review phim Dung goi anh la bo anh 3
Sự thay đổi trong kịch bản của người Thái Lan không đem lại hiệu quả, mà còn làm hại tác phẩm.

Trong Đạp gió rẽ sóng, Chính Thái (Bành Vu Yến) vô cùng chính trực và quan tâm đến người xung quanh. Vì lậm phim xã hội đen Hong Kong, anh mở một tiệm băng đĩa để kiếm sống và tự cho mình là người bảo vệ khu phố, giúp người dân sửa sang nhà cửa. Những cô gái trong quán karaoke của Chính Thái cũng chỉ “bán nghệ chứ không bán thân”.

Nhưng đến My God! Father, Prem bỗng bị thay đổi thành một tay giang hồ quèn ngờ nghệch. Anh chàng đòi kiếm tiền bằng việc bảo kê, nhưng lại quá hèn nhát. Không những thế, Prem còn tỏ ra ương bướng, không quan tâm đến cảm xúc của anh em. Song, Got vẫn khen ngợi cha mình là người chính trực, trọng tình nghĩa một cách khó hiểu. Dàn nhân vật phụ thì bị mất đất diễn một cách trầm trọng, khiến mối quan hệ của họ trở nên nhạt nhòa, thiếu liên kết.

Diễn xuất của bộ ba Thanawat Wattanapoom, Chantavit Dhanasevi, Sammy Cowell cũng vì thế mà trở nên thiếu thuyết phục. Dhanasevi thể hiện hình ảnh người cha tảo tần tương đối tốt, nhưng lại đuối sức với mẫu nhân vật giang hồ hài hước. Tương tác của anh với Wattanapoom cũng khó tạo được hiệu ứng như Đặng Siêu với Bành Vu Yến.

Thứ mà tác phẩm Thái Lan làm tốt nhất có lẽ ý nghĩa tình cảm gia đình giống như bản gốc. Phim cho người xem hai góc nhìn từ cả bậc phụ huynh lẫn con trẻ. Prem bắt ép Got phải học tốt, cấm cản sở thích tốc độ của con trai do cuộc sống thất bại của chính mình.

Anh không muốn Got đi vào vết xe đổ, hay thậm chí là mất mạng trên đường đua. Song, điều này vô tình khiến mối quan hệ của hai cha con ngày càng xấu đi. Trong khi đó, Got lại chỉ nhìn thấy sự nóng nảy và vô lý của cha, mà chưa từng biết những gì ông từng trải qua để thấu hiểu.

Nhìn chung, My God! Father là bản “cải lùi” từ nguyên tác Đạp gió rẽ sóng và khó có thể để lại nhiều ấn tượng như nguyên tác Hoa ngữ.

‘Mẹ tôi gánh đội’ - thể thao điện tử có thể giúp người trẻ đổi đời?

Tác phẩm mới của điện ảnh Thái Lan mang đến nhiều bài học đắt giá khi khai thác đề tài e-sports. Song, phim còn dễ đoán và tô hồng cuộc đời của các tuyển thủ trẻ.

Tâm Nguyễn

Ảnh: Transformation Films

Bạn có thể quan tâm