Trước kia, cũng đã có những luồng dư luận về việc xây cáp treo trên dãy Hoàng Liên Sơn (Lào Cai). Nhiều người nuối tiếc hành trình chinh phục gian khổ 2 ngày 1 đêm với giá buốt, mệt nhọc, vượt lên bản thân.
Vũ Ngọc Anh sinh năm 1987, là tác giả cuốn tự truyện "Không thể vỡ", ghi lại nhiều trải nghiệm của cuộc đời song hành cùng căn bệnh xương thủy tinh từng khiến anh bị gãy xương tới hơn 150 lần. Bằng nghị lực phi thường và niềm đam mê, anh vẫn đi du lịch, khám phá các vùng đất mới bằng xe lăn.
Mình chẳng hiểu các bạn đang ích kỷ, hay các bạn muốn giữ cái cục inox cột mốc đó cho riêng mình. Bạn mình bảo, trên đỉnh Fansipan có rất nhiều rác, vỏ chai... Nếu tất cả những người đã chinh phục Nóc nhà Đông Dương không làm hành động xả rác, thì tại sao rác lại nhiều vậy?
Tuyến cáp treo trên đỉnh Fansipan. Ảnh: Anh Tuấn. |
Mình cũng thấy nhiều người từng leo Fan chửi nặng lời chuyện làm cáp. Mình lại không hiểu. Các bạn đi được, các bạn muốn đi, vậy tại sao những người muốn đi, nhưng không đủ điều kiện, lại bị chê trách. Mình từng muốn chinh phục đỉnh Fan bằng hai đầu gối, đã có một kế hoạch như trong mơ với một tuần trong rừng, với suy nghĩ đi được đến đâu thì đến. Hiện tại, kế hoạch đó vẫn sẽ được thực hiện, nhưng mình sẽ ngồi cáp treo lên đó trước, làm vài bức ảnh check in rồi sẽ chinh phục sau.
Cáp treo khiến nhiều bạn nhớ nhung, tiếc nuối, bực tức, nhưng công trình này giúp những người không đủ điều kiện sức khỏe được đứng trên đỉnh Fansipan.
Mình muốn nhắn gửi tới các phượt thủ, các bạn vẫn có những cung đường cũ để đi. Không phải cáp treo khiến đường rừng biến mất. Leo Fan là một thử thách, đừng đặt nặng là phải leo bao nhiêu mệt nhọc mới đến để chụp ảnh với cục inox rồi đi xuống, vì vẫn có câu nói "thành công là cả một quá trình chứ không phải kết quả".