1. Loại bỏ các yếu tố gây xao nhãng: Theo Positive Parenting Solutions, một trong những chìa khóa để giúp trẻ học tập hiệu quả là tạo một môi trường học tập không bị xao nhãng. Điều này có nghĩa là hạn chế các yếu tố gây phân tâm như điện thoại, máy tính bảng hay tivi. Đôi khi, ngay cả tiếng nhạc nhẹ được cho là tăng tập trung cũng khiến trẻ xao nhãng. Ảnh: Freepik. |
2. Khuyến khích học tập độc lập, tự chủ: Có bao giờ bạn cố gắng giúp con làm bài tập, dự án, nhưng cuối cùng lại là người thức khuya để hoàn thành nốt phần còn lại? Đây là tình huống mà nhiều phụ huynh gặp phải. Phụ huynh thường có xu hướng muốn giúp con cái, nhưng đôi khi lại làm ảnh hưởng đến quá trình học tập độc lập của con. Sự thật là trẻ cần tự mình làm bài tập để rèn luyện kỹ năng tự học và tự chịu trách nhiệm. Khi hoàn thành bài tập một cách độc lập, trẻ sẽ cảm thấy tự hào về bản thân và hiểu được giá trị của nỗ lực. Tất nhiên, cha mẹ có thể hướng dẫn và động viên trẻ, nhưng điều quan trọng là con phải tự mình làm phần lớn công việc. Ảnh: Freepik. |
3. Làm cho bài tập về nhà ít nhàm chán hơn: Bài tập về nhà thường bị xem là một nhiệm vụ nhàm chán và nặng nề, đặc biệt là sau một ngày học tập căng thẳng, trẻ thường chỉ muốn thư giãn và vui chơi. Để giúp trẻ hứng thú hơn với việc học, phụ huynh hãy cố gắng biến việc làm bài tập trở nên thú vị hơn. Bạn hãy thử kết nối bài học ở trường với cuộc sống hàng ngày. Ví dụ, khi con bạn đang học về các nhóm thực phẩm, hãy cùng con lên kế hoạch cho một bữa ăn đa dạng và thú vị. Ảnh: Freepik. |
4. Tạo thói quen, động lực cho trẻ: Để việc làm bài tập trở nên suôn sẻ và đều đặn hơn, cha mẹ có thể áp dụng phương pháp "Khi... thì...". Phương pháp này giúp trẻ hình thành thói quen làm bài tập trước khi chuyển sang các hoạt động khác. Ví dụ, bạn có thể nói với con: "Khi con làm xong bài tập, con sẽ được đọc truyện" hoặc "Sau khi con ôn tập từ vựng xong, con có thể ra ngoài chơi". Việc cho trẻ quyền lựa chọn hoạt động sau khi hoàn thành bài tập sẽ giúp trẻ hào hứng hơn. Đồng thời, việc duy trì thói quen này mỗi ngày sẽ giúp trẻ hình thành ý thức kỷ luật và tự giác. Ảnh: Freepik. |
5. Dạy con quản lý thời gian hiệu quả: Một trong những cách tốt nhất để giúp con phát triển kỹ năng quản lý thời gian là xây dựng cho con một lịch học cố định. Việc làm bài tập vào những khung giờ nhất định mỗi ngày sẽ giúp con hình thành thói quen và dần trở nên tự giác hơn. Cha mẹ có thể hẹn giờ để giúp trẻ hoàn thành một bài tập cụ thể trong một khoảng thời gian nhất định. Ngoài ra, cha mẹ có thể chia nhỏ các khoảng thời gian ngắn xen kẽ với những hoạt động giải trí để trẻ giảm bớt căng thẳng. Ảnh: Freepik. |
6. Cho phép con sai lầm, thất bại: Khi cho trẻ tự lập trong việc học tập, mắc sai lầm (như nhận điểm kém, thi trượt) là điều khó tránh khỏi. Điều này có thể khiến cha mẹ cảm thấy lo lắng, nhất là khi phụ huynh mắc bệnh thành tích. Nhưng thực tế, để trẻ trải nghiệm thất bại mới là cách giúp trẻ rèn luyện sự kiên trì và khả năng vượt qua khó khăn. Thay vì chỉ tập trung vào kết quả, cha mẹ hãy khen ngợi sự cố gắng của trẻ. Điều này sẽ giúp trẻ cảm thấy được khích lệ và tiếp tục cố gắng. Bạn hãy cùng trẻ xem xét những lỗi sai trong bài làm và tìm cách khắc phục. Điều này sẽ giúp con hiểu rõ hơn về bài học và tránh lặp lại sai lầm. Ảnh: Freepik. |
7. Tránh trao thưởng quá mức: Nhiều phụ huynh thường sử dụng phần thưởng để khuyến khích con em mình làm bài tập. Tuy nhiên, phương pháp này thường chỉ mang lại hiệu quả tức thời. Khi trẻ chỉ làm bài tập để nhận phần thưởng, chúng sẽ không còn hứng thú với việc tìm hiểu và khám phá kiến thức mới. Trẻ sẽ quen với việc được khen thưởng và mong đợi phần thưởng cho mọi việc mình làm. Điều này có thể khiến trẻ trở nên thụ động và thiếu động lực tự giác. Ảnh: Freepik. |
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.
Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.