Tổ chức Y tế Thế giới ước tính khoảng 38,4 triệu người đang sống chung với HIV vào cuối năm 2021. Ảnh: Caricom. |
Ngày 1/12 là Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (World AIDS Day). Đây là sự kiện thường niên nhằm nâng cao nhận thức và nguồn tài trợ để chống lại căn bệnh AIDS trên toàn thế giới.
Trong 4 thập kỷ qua, các nhà nghiên cứu và người ủng hộ tập trung nhiều vào HIV, nhưng nó vẫn là vấn đề sức khỏe toàn cầu. Tổ chức Y tế Thế giới ước tính khoảng 38,4 triệu người đang sống chung với HIV vào cuối năm 2021.
Deondre Moore và Ashley Rose Murphy, 2 nhà hoạt động AIDS nổi tiếng, đã chỉ ra 5 cách mà chúng ta có thể làm để góp phần ngăn chặn HIV và AIDS.
Hiểu rõ tình trạng của bản thân
Biết tình trạng HIV của bản thân là điều quan trọng. Một số người nghĩ rằng họ biết tình trạng của mình vì đã từng xét nghiệm HIV vào một thời điểm nào đó. Nhưng HIV có thể lây truyền bất cứ lúc nào qua máu, tinh dịch, dịch âm đạo hoặc thậm chí là sữa mẹ của người bị nhiễm bệnh.
Nhà hoạt động Deondre Moore, nhân vật của năm 2022 do tạp chí HIV Plus bình chọn, xét nghiệm dương tính với HIV khi anh 19 tuổi.
“Nếu biết tình trạng của mình, điều đó sẽ tiếp thêm sức mạnh cho bạn. Nó bảo vệ bạn, bảo vệ người tiếp theo và giúp bạn biết bản thân cần phải làm gì sau đó”, Moore nói với CNN.
Việc biết rõ tình trạng cho thấy bạn quan tâm đến bản thân và người bạn tình. CDC đề nghị bất kỳ ai có quan hệ tình dục không an toàn hoặc dùng chung kim chích ma túy nên đi xét nghiệm ít nhất mỗi năm một lần.
Deondre Moore xét nghiệm dương tính với HIV khi anh 19 tuổi. Ảnh: CNN. |
Chấm dứt kỳ thị
Nhiều người có nỗi sợ hãi, định kiến cũng như thái độ tiêu cực về HIV và AIDS. Điều này có thể không bắt nguồn từ thực tế. Kỳ thị dẫn đến phân biệt đối xử, khiến cộng đồng bị ảnh hưởng bởi HIV cách ly ra khỏi xã hội.
Khi 28 tuổi, Moore nhìn lại chẩn đoán của mình vào năm 2014. Đó là lúc anh nhận ra bản thân phải vượt qua những suy nghĩ và quan niệm sai lầm về HIV.
“Tất cả những gì tôi thật sự nghe được là ‘Bạn có thể sẽ chết sớm thôi’. Lúc đó, tôi thấy mình thật thiếu kiến thức”, anh nói.
Ashley Rose Murphy, 24 tuổi, nhiễm HIV bẩm sinh từ trong bụng mẹ. Murphy hiện là đại sứ của Tổ chức AIDS Nhi khoa Elizabeth Glaser. Cô và Moore đồng ý rằng có sự phân chia thế hệ giữa người sống trong giai đoạn căn bệnh này được coi là bản án tử hình và người sinh ra sau đó.
Cô Murphy nói: “Những bậc cha mẹ này nhận thức rõ hơn về điều gì đã xảy ra trong thập niên 80, họ rất sợ hãi. Thời điểm đó, những gì còn lại chỉ là sự xấu hổ và im lặng. Mặt khác, thế hệ của tôi, họ không còn sống trong những năm 80. Vì vậy, họ không hiểu hết về đại dịch AIDS”.
Moore nói thêm: “Để giảm bớt sự kỳ thị và xóa bỏ quan niệm HIV giống như những năm 80, chúng ta phải lên tiếng”.
Cả hai nhà hoạt động đều cho biết quan niệm sai lầm và sự kỳ thị HIV là động lực thúc đẩy họ công khai vận động cho sự nghiệp phòng chống AIDS.
Moore nói với CNN: “Tôi đã trở thành hiệu ứng domino, mọi chuyện vẫn cứ tiếp tục diễn ra. Tôi luôn suy nghĩ xem mình có thể làm gì để các em bé hoặc thanh niên không phải lớn lên với sự lo lắng về HIV trong suốt cuộc đời”.
Bạn cũng có thể đóng một vai trò thiết yếu trong việc giảm kỳ thị và phân biệt đối xử bằng cách hỗ trợ những người sống chung với HIV cũng như lên tiếng chống lại lầm tưởng và định kiến về nó.
Giáo dục bản thân và truyền tiếng nói
Khi còn học trung học, Murphy đã đi khắp thế giới để chia sẻ về HIV và AIDS. Cô từng được giáo viên sức khỏe yêu cầu viết bài luận về những điều mình phát biểu.
Giáo dục đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống HIV/AIDS. Những người trẻ biết nhiều về nó hơn sẽ có khả năng được xét nghiệm cao hơn. Giáo dục về HIV/AIDS tại trường học là phương pháp can thiệp có hiệu quả nhưng không phải lúc nào có sẵn.
Moore cho biết: “Rất nhiều trường công lập ở Mỹ không thực thi giáo dục giới tính toàn diện. Cả Murphy và Moore đều đề nghị người nhiễm bệnh nên nói chuyện với bác sĩ gia đình, theo dõi các nguồn thông tin đáng tin cậy như HIV.gov và những người ủng hộ họ. Tôi hy vọng tiếng nói của mình sẽ phá vỡ sự kỳ thị và giáo dục mọi người”.
Hãy là một đồng minh
Một số điều đơn giản bạn có thể làm để trở thành đồng minh của cộng đồng bị ảnh hưởng bởi HIV. Murphy cho biết: “Hãy cảm thấy thật thoải mái khi bàn luận về HIV. Chúng ta từng chút một thảo luận về HIV để khiến nó trở thành một phần bình thường của cuộc trò chuyện”.
Ngoài ra, chúng ta có thể trở thành người biết lắng nghe, hỗ trợ và đảm bảo việc lây nhiễm có thể kiểm soát được. Chúng ta nên khuyến khích bệnh nhân HIV/AIDS tuân thủ các quy trình y tế vì điều trị sớm và đúng cách có thể tạo ra sự khác biệt trong quá trình tiến triển của AIDS.
Quyên góp cho các hoạt động liên quan đến AIDS
Các tổ chức từ thiện liên quan đến HIV/AIDS nhằm mục đích ngăn ngừa ca nhiễm mới bằng cách khuyến khích hành vi tình dục an toàn hơn và phân phát các phương pháp phòng ngừa (như bao cao su, thuốc...). Mặc dù không có cách nào trong số này có thể chữa khỏi HIV hoặc AIDS, một số tổ chức từ thiện cũng tài trợ thêm cho nghiên cứu về cách chữa trị.
Cuốn sách bên bờ sự sống
Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.