Phim ảnh, quảng cáo tạo ra những hình ảnh hoàn mỹ về mùa lễ hội, tạo ra áp lực cho nhiều người. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Theo Psychology Today, phim ảnh, quảng cáo đem đến cho công chúng viễn cảnh tươi đẹp về kỳ nghỉ lễ, như Giáng sinh hay Tết Nguyên đán. Những thước phim, hình ảnh về bàn tiệc ấm cúng, quây quần trong khoảnh khắc chào đón năm mới khiến nhiều người gặp áp lực.
Đối với những người sống xa gia đình, vật lộn với các vấn đề về sức khỏe hay chật vật với khoản vay mượn, kỳ vọng về một mùa lễ hội hân hoan là điều xa vời, trở thành nguyên nhân chính dẫn đến sự thất vọng, chán nản, buồn bã.
Việc đè nén cảm xúc tiêu cực trong kỳ nghỉ lễ là một hình thức tự hại, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ tinh thần. Ảnh minh hoạ: Pexels/Kevin Malik. |
Đừng đè nén cảm xúc
Trong cuốn The Big Book of ACT Metaphors phát hành năm 2014, tác giả Jill A. Stoddard và Niloofar Afari khẳng định việc nén hoặc ép các luồng cảm xúc có thể khiến chúng quay lại với mức độ tăng gấp 3 lần.
Bộ đôi tác giả cũng sử dụng hình ảnh quả bóng nổi trên mặt nước để ẩn dụ cho tình trạng này. Cụ thể, khi cố nhấn chìm một quả bóng xuống biển, vật thể này lập tức bật trở lại mặt nước với một lực mạnh.
Trong kỳ nghỉ lễ, nhiều người mong muốn tránh xa sự căng thẳng, nỗi buồn, cảm giác khó chịu. Mục đích của họ là tránh ảnh hưởng đến không khí chung của những buổi gặp gỡ, tụ họp gia đình, bạn bè trong dịp này.
Tuy nhiên, khi đè nén những cảm xúc tiêu cực, họ vô tình nuôi dưỡng mầm mống của cơn giận dữ, buồn tủi phía bên trong. Bong bóng cảm xúc này hoàn toàn có khả năng phát nổ nếu bị tích tụ lâu, tạo ra các tình huống xấu trong dịp lễ hội.
Theo chuyên gia tâm lý Jennifer Gerlach, thay vì chối bỏ, tránh né nỗi buồn, sự lo lắng, bạn nên chấp nhận chúng. Việc không cảm nhận được không khí lễ hội hân hoan, ấm áp, trọn vẹn là điều hoàn toàn bình thường.
Thay vì cố hoà vào đám đông và hành xử như thể rất vui vẻ, bạn có thể chia sẻ cảm xúc thật với những người thân thiết nhất, mong họ thấu hiểu và cảm thông. Ngoài ra, việc kết nối với những người có tâm trạng tương tự để cùng giúp đỡ nhau vượt qua mùa lễ hội là hành động được các chuyên gia tâm lý khuyến khích.
Cho phép bản thân cảm nhận những cảm xúc tiêu cực trong dịp Tết là bước đầu để loại bỏ chúng. Ảnh minh hoạ: Dương Nhân/Pexels. |
Khi đối diện với những tình huống trái kỳ vọng trong dịp Tết Âm lịch, bạn cần học cách chấp nhận. Ảnh minh hoạ: Pexels/Kevin Malik. |
Học cách chấp nhận
Trong Trị liệu Hành vi Biện chứng, một nhánh thuộc Trị liệu Hành vi Nhận thức, khái niệm về sự chấp nhận được đề cập nhiều lần, theo Psychology Today. Cụ thể, trước khi thay đổi điều gì, thái độ chấp nhận cần được ưu tiên.
Chuyên gia tâm lý Jennifer Gerlach cho rằng nhiều tình huống xảy ra trong kỳ nghỉ lễ dài ngày, chẳng hạn Tết Âm lịch, đòi hỏi bạn phải chấp nhận.
Ví dụ, bạn không thể thu hẹp khoảng cách thế hệ trong gia đình, không thể đoàn tụ cùng những người thân yêu, phải chia xa một trong những người quan trọng. Đây là những sự kiện không thể thay đổi nhanh chóng, yêu cầu người trong cuộc dần chấp thuận.
Hơn nữa, một số sự việc nhỏ nhặt không vừa ý bạn cũng có thể diễn ra. Khi giảm bớt kỳ vọng, bạn có thể dễ dàng chấp nhận những bữa ăn không vừa miệng hay căn nhà được trang trí khác với tưởng tượng.
Nếu những điều diễn ra xung quanh kỳ nghỉ của bạn không giống với phim ảnh hay những bức hình được người nổi tiếng, bạn bè đăng tải trên mạng xã hội, bạn có quyền tận hưởng khoảng thời gian này theo cách riêng. Việc tôn trọng cảm xúc cá nhân, học cách chấp nhận và giảm bớt kỳ vọng là món quà năm mới mà bạn tự dành cho bản thân.
Một kỳ nghỉ lễ bình thường với những hoạt động như xem chương trình yêu thích, nấu bữa tối cho bản thân hay tản bộ trên đường phố cũng là một cách tận hưởng ý nghĩa.
“Bạn không có nghĩa vụ biến dịp này thành một thước phim”, chuyên gia tâm lý Jennifer Gerlach khẳng định.
Gen Z quan tâm đến thế giới nội tâm nhiều hơn trước
Nguyễn Đoàn Minh Thư, tác giả của cuốn sách Hành tinh của một kẻ nghĩ nhiều là một người trẻ, một Gen Z sinh năm 2000. Cô tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Tâm lý tại Đại học East Anglia và hiện làm thực tập sinh tư vấn tâm lý cho Bộ Y tế Anh (National Health Service). Minh Thư cho biết câu chuyện được viết từ chính trải nghiệm của cô và nhấn mạnh mỗi người chỉ có thể cảm thấy hạnh phúc và bình yên khi hiểu chính mình.