Silicone là tên gọi chung của một nhóm chất, nguyên liệu quen thuộc dùng trong pha chế mỹ phẩm. Phần lớn sản phẩm chăm sóc sắc đẹp chúng ta sử dụng hàng ngày đều có chứa silicone với nhiều tên gọi khác nhau.
Không ít người dùng mỹ phẩm chứa thành phần này bị tắc nghẽn lỗ chân lông, nổi mụn hoặc cho rằng silicone khi xâm nhập vào cơ thể sẽ gây ung thư. Từ đó, silicone trong đồ dưỡng da bị mang tiếng xấu.
Silicone được dùng phổ biến trong nhiều loại mỹ phẩm dạng cream như kem nền, BB cream, kem dưỡng ẩm, kem chống nắng... Ảnh: @tatcha |
Định nghĩa khoa học về silicone
Silicone là tên của các hợp chất cao phân tử (polymer) nhân tạo, có thành phần chủ yếu là silicon (nguyên tố hóa học không có chữ "e" ở cuối), oxy, carbon và các gốc hữu cơ ethyl, methyl và phenyl. Tùy vào liên kết hóa học giữa những nguyên tố này mà silicone có dạng khác nhau như rắn, lỏng hay dẻo.
Silicone được xác định trong danh sách thành phần của sản phẩm làm đẹp là các chất có tên kết thúc bằng -cone, -conol và -siloxane, ví dụ như dimethicone, dimethiconol, cyclopentasiloxane...
Trong mỹ phẩm, silicone thường có 2 dạng: Dạng dễ bay hơi và dạng khó bay hơi.
Dạng dễ bay hơi bao gồm: Cyclomethicone, cyclohexasiloxane, cyclopentasiloxane... Dạng khó bay hơi bao gồm: Dimethicone, styrene/acrylic copolymer, vinyl dimethicone crosspolymer...
Dimethicone là loại silicone rất thường gặp trong các loại kem dưỡng bôi lưu. Ảnh: glyco. |
Vai trò của silicone trong mỹ phẩm làm đẹp
Đối với mỹ phẩm make up như kem nền foundation, BB cream, CC cream, silicone được cho vào nhằm tạo độ mượt, bóng mịn, hỗ trợ kiềm dầu, chống thấm nước (waterproof) và giữ cho sản phẩm lưu lại lâu hơn trên da.
Bề mặt da không bằng phẳng như chúng ta vẫn nghĩ, trái lại nó khá gồ ghề, thậm chí sần sùi nếu bạn không thường xuyên tẩy tế bào chết. Mặt khác, khi da bước vào giai đoạn lão hóa, các vết nhăn, đường nhăn sẽ xuất hiện tại khóe miệng, khóe mắt hay trán.
Silicone có thể làm đầy hoặc che giấu các vị trí gồ ghề, nếp nhăn trên da mà không bị thấm xuống phía dưới vì cấu trúc phân tử của chúng rất lớn. Từ đó giúp bề mặt da trở nên mịn màng và phản xạ ánh sáng một cách đồng bộ hơn, tạo hiệu ứng làn da căng mượt, glowy không tỳ vết.
Silicone trong kem nền, kem che khuyết điểm... giúp làm đầy các rãnh nhăn, đường nhăn trên gương mặt để tạo vẻ ngoài bóng mịn. Ảnh: huffpost. |
Đối với các sản phẩm chăm sóc da, ví dụ như kem dưỡng ẩm, silicone với đặc tính mịn mượt làm chất kem trở nên dễ tán hơn. Thêm nữa, chúng sẽ nằm yên trên bề mặt da và tạo thành lớp màng giữ cho hơi nước không bị thất thoát.
Trong kem chống nắng, silicone đóng vai trò khá quan trọng. Nhờ vào kích thước lớn và có những khoảng không ở cấu trúc phân tử, silicone không thể thấm vào lớp biểu bì da và có tính xốp.
Tính xốp của silicone có khả năng giữ các phân tử chống nắng hóa học ở lại bên trong cấu trúc của mình, ngăn cản không cho chúng thấm quá sâu vào da, ví dụ như oxybenzone, octinoxate... nhằm tránh hiện tượng kích ứng, ảnh hưởng đến nội tiết tố, đồng thời phát huy tác dụng hấp thụ tia UV.
Silicone bao bọc các phân tử chống nắng vật lý zinc oxide và titanium dioxide để bền vững hơn dưới ánh nắng mặt trời, giảm hiện tượng quang xúc tác (photocatalysis) có thể tạo ra các gốc tự do gây hại cho da.
Silicone được thêm vào kem chống nắng nhằm hỗ trợ các thành phần chống nắng hoạt động hiệu quả hơn. Ảnh: health.harvard.edu. |
Silicone có thật sự an toàn?
Loại silicone có thể gây ung thư thường là loại silicone công nghiệp, chưa qua điều chế và phải được hấp thụ vào cơ thể với một lượng rất lớn.
Trong khi đó, silicone dùng trong mỹ phẩm đã qua điều chế kỹ lưỡng và sạch sẽ. Loại silicone này được FDA, WHO cho phép có mặt trong mỹ phẩm với liều lượng phù hợp.
Một báo cáo vào năm 2014 của Tổ chức đánh giá thành phần mỹ phẩm (Cosmetic Ingredient Review) cho biết 62 loại dimethicone crosspolymer thường gặp trong mỹ phẩm đóng vai trò là chất hấp thụ, chất tạo màng, chất điều hòa tóc, chất làm mềm da... được kết luận là an toàn để sử dụng.
Silicone trong mỹ phẩm phải trải qua quá trình điều chế kỹ lưỡng nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe của người dùng. Ảnh: Pinterest. |
Silicone gây tắc nghẽn lỗ chân lông, khiến da bị nổi mụn?
Khi thoa sản phẩm skincare chứa silicone dễ bay hơi lên da, chúng giúp cho các dưỡng chất thẩm thấu sâu hơn và sau đó bay hơi đi mất. Vì vậy, thành phần silicone này rất khó có khả năng gây bí da hay nổi mụn.
Trong khi đó, silicone khó bay hơi ở lại trên bề mặt da, nhưng vì kích thước lớn nên chúng không thể chui vào lỗ chân lông và gây tắc nghẽn được.
Silicone có tính bao phủ nên chúng có thể giữ lại bụi bẩn, vụn da chết, dầu thừa... trên da, từ đó tăng khả năng tắc nghẽn lỗ chân lông và tạo điều kiện cho mụn phát triển. Do đó, nếu sử dụng mỹ phẩm make up hay kem chống nắng chứa silicone, bạn cần tẩy trang và làm sạch thật kỹ.
Nếu dùng mỹ phẩm có chứa silicone, bạn cần làm sạch da cẩn thận để không khiến lỗ chân lông bị bít tắc và gây ra mụn. Ảnh: beautyexpert. |
Mặt khác, thành phần nào dù tốt đến mấy cũng có thể không phù hợp với một số người. Khi bị dị ứng với silicone, bạn buộc phải tránh các sản phẩm làm đẹp có chứa thành phần này.