Bạo lực học đường, xâm hại tình dục là vấn đề nhức nhối, để lại hậu quả lâu dài nhưng các chuyên gia thừa nhận khung hình phạt của pháp luật dành cho tội này không tương xứng, gây "phản ứng ngược" trong cộng đồng.
Khó loại trừ xâm hại tình dục?
Tại buổi tọa đàm "Bạo lực học đường, dâm ô trẻ em - chống được không?", do báo Tiền Phong tổ chức sáng 8/4, thiếu tá Lê Hoàng Việt Lâm, giảng viên ĐH An ninh Nhân dân, cho biết thời gian qua, xã hội chú ý và bức xúc với vấn đề bạo lực học đường, xâm hại trẻ em vì nó đang diễn ra liên tục với mức độ nghiêm trọng hơn trước. Mặt khác, chính phụ huynh, học sinh nhận thức được quyền của mình và lên tiếng mạnh mẽ.
TS Lê Hoàng Việt lâm chia sẻ với học sinh về bạo lực học đường và xâm hại tình dục. Ảnh: M.N. |
Thiếu tá Lâm cũng thừa nhận pháp luật đang không theo kịp diễn biến thực tế ngoài xã hội, tạo ra kẻ hở. Những hành vi vừa mới xảy ra nhưng lại áp dụng những quy định của trước đây, tạo “phản ứng ngược” trong cộng đồng. Đơn cử là việc xử phạt 200.000 đồng với đối tượng Đỗ Mạnh Hùng trong vụ việc sàm sỡ ở Hà Nội là một minh chứng.
Các đối tượng thực hiện hành vi dâm ô, xâm hại tình dục thường chọn trẻ em vì các bé thuộc nhóm yếu thế trong xã hội. Nhiều em không phân biệt đâu là hành vi dâm ô, đâu là hành động thể hiện sự yêu thương. Bởi vì, giới hạn giữa dâm ô và yêu thương đôi khi rất gần nhau.
Ông Lâm đề nghị nhà trường và gia đình cần dành nhiều thời gian cho con, cũng như học hỏi và đề ra quy định trong giáo dục nhân cách cho trẻ. Gia đình, thầy cô hãy biết lắng nghe và gần gũi để biết những tâm tư, suy nghĩ mà con trẻ cần.
Mỗi trường nên có lực lượng chuyên trách về tư vấn, hỗ trợ tâm lý, giáo dục giới tính. Đồng thời, nhà trường nên tổ chức nhiều chương trình ngoại khóa, tạo sân chơi lành mạnh cho học sinh.
Học sinh lắng nghe những phân tích từ các chuyên gia. Ảnh: M.N. |
"Vấn đề mấu chốt là chúng ta phải tìm cách phòng ngừa, ngăn chặn và hạn chế nó ở mức tốt nhất. Giải quyết nó chắc chắn không thể ngày một ngày hai, cũng không thể chỉ có vài giải pháp, cũng chẳng thể nào do một vài cơ quan chức năng thực hiện…
Nó cần phải có những giải pháp tổng thể, giải quyết căn cơ từ gốc, ở đó có sự tham gia của cả cộng đồng, xã hội, truyền thông hay chính bản thân những người có khả năng bị xâm hại, bạo lực", ông Lâm nêu quan điểm.
Cho trẻ môi trường an toàn chứ không phải lòng thương hại
Từng chữa trị cho nhiều trường hợp sang chấn tâm lý khi bị xâm hại tình dục, bà Phan Thị Hoài Yến, giảng viên bộ môn Tâm lý Y học, ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết nhiều nạn nhân tưởng như đã nguôi ngoai nhưng đến 10 năm sau, nỗi đau vẫn ám ảnh, đeo đẳng.
Theo bà Yến, khi phát hiện con em mình bị xâm hại tình dục, điều gia đình cần làm ngay lập tức không phải là nghĩ cách bảo vệ chứng cứ hay đắn đo có nên trình báo công an hay không.
“Điều trẻ cần nhất chính là sự vỗ về, cảm nhận sự an toàn từ người thân và người xung quanh. Việc bắt trẻ kể lại sự việc, dù chỉ một lần cũng góp phần in sâu vào đầu trẻ những điều tồi tệ vừa xảy ra", bà Yến nói.
Chuyên gia tâm lý Hoài Yến cho biết những nạn nhân của xâm hại tình dục sẽ chịu ám ảnh kéo dài có khi là cả đời. Ảnh: M.N. |
Chuyên gia tâm lý cho hay khi sự việc xảy ra, câu hỏi thường trực của nạn nhân và gia đình là: “Tại sao lại là tôi?”, "Tại sao con tôi phải chịu đựng những điều này?". Phụ huynh sẽ phân vân nên đưa vụ việc ra ánh sáng, cho mọi người biết hay âm thầm chịu đựng.
"Việc quan trọng nhất ngay lúc đó là làm cho trẻ bình tâm, ôm con vào lòng, vỗ về và nói rằng lỗi này không phải do bé. Sau đó, chúng ta sẽ nói chuyện và hỗ trợ bằng cách cho người thân luôn bên cạnh trẻ trong thời gian tương đối. Khi các em cảm thấy an toàn, bình tĩnh, gia đình mới nên tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên nghiệp từ chuyên gia tâm lý, luật sư", bà Yến hướng dẫn.
"Nhiều người cảm thấy tội nghiệp cho nạn nhân. Các em đi đâu cũng có nhiều người nhìn tỏ vẻ thương xót. Thực tế, các em không cần được thương xót mà cần sự an toàn, phải được hỗ trợ tâm lý để vượt qua”, bà Yến nhấn mạnh.