Ngày 25/7, TAND tỉnh Bạc Liêu mở phiên sơ thẩm xét xử các bị cáo Võ Thị Trinh (SN 1963), Lê Văn Kỷ (SN 1957) và Lê Thị My Chi (SN 1992, cùng ngụ huyện Phước Long, Bạc Liêu) về hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”; “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và "sử dụng tài liệu giả của cơ quan".
Theo cáo trạng, do cần vốn để kinh doanh và trả nợ, Lê Thị My Chi đã nhờ bố mẹ là Võ Thị Trinh và Lê Văn Kỷ đem sổ đỏ thửa đất nuôi trồng thủy sản của gia đình cầm cố cho vợ chồng bà L.T.T. và ông T. V.V. lấy 800 triệu đồng.
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm. |
Sau đó, Trinh, Kỷ và Chi đến gặp bà T. và ông V. hỏi mượn lại sổ đỏ đã cầm cố và nói là để thế chấp ngân hàng vay tiền đảo nợ. Tuy nhiên, sau khi vay ngân hàng được 800 triệu đồng, Trinh, Kỷ và Chi cố tình không trả cho vợ chồng bà T., mà sử dụng vào mục đích khác.
Để tránh sự phát hiện của bà T. và ông V., Chi thuê người làm giả sổ đỏ rồi đưa lại cho bà T. và ông V., nói vay tiền ngân hàng không được.
Tiếp đó, Chi đem sổ đỏ giả khác đến nhà bà T. và ông V. thế chấp vay thêm 2 lần nữa với số tiền 490 triệu đồng.
Do nghi vấn mình bị lừa đảo số tiền 1,3 tỷ đồng, bà T. đã trình báo vụ việc và cung cấp các tài liệu, giấy tờ có liên quan đến công an. Kết luận giám định cả 2 sổ đỏ trên đều là giả, bằng phương pháp in phun màu.
Tại phiên tòa, cũng như trong quá trình điều tra, các bị cáo đã thành khẩn khai báo và thừa nhận hành vi phạm tội của mình.
Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên phạt bị cáo Lê Thị My Chi 17 năm tù; Võ Thị Trinh 14 năm tù và Lê Văn Kỷ 12 năm tù về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”; “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “sử dụng tài liệu giả của cơ quan”.
Sách về Pháp luật
Cuốn sách "Trách nhiệm hình sự, hình phạt và các biện pháp hình sự khác" giới thiệu nội dung lý luận về trách nhiệm hình sự cũng như quy định cụ thể về các biện pháp hình sự trong BLHS của Việt Nam. Một trong 2 nội dung của pháp luật hình sự cũng như BLHS là nội dung quy định về các biện pháp hình sự, gồm hình phạt và các biện pháp hình sự khác bên cạnh nội dung quy định về tội phạm.