BSCKII Đào Hữu Ghi, Trưởng khoa Điều trị bệnh da nam giới, Bệnh viện Da liễu Trung ương (Hà Nội), cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam (35 tuổi), tiền sử vảy nến 10 năm. Bệnh nhân được xác định mắc ung thư da.
Người đàn ông này đến khám khi có các sẩn nâu dày sừng rải rác thân mình và lòng bàn chân, một sẩn lớn kích thước 1x1 cm ở vùng thành bụng có màu nâu, bong vảy khô, ranh giới rõ.
Vùng cơ thể bị tổn thương của nam bệnh nhân. Ảnh: BSCC. |
Qua thăm khám, bác sĩ phát hiện bên cạnh những tổn thương điển hình của bệnh vảy nến, bệnh nhân có các tổn thương sẩn dày sừng đặc trưng của ngộ độc arsen mạn tính. Kết quả giải phẫu bệnh khẳng định người đàn ông này mắc ung thư biểu mô vảy biệt hóa tốt.
Theo bác sĩ Ghi, bệnh nhân có tiền sử tự điều trị bằng thuốc Đông y không rõ nguồn gốc, dạng viên hoàn nhiều năm nay. Ngoài ra, gia đình bệnh nhân sử dụng nước máy, không có yếu tố nghề nghiệp tiếp xúc với arsen. Vì thế, bác sĩ Ghi nhận định bệnh nhân bị ngộ độc arsen mạn tính do sử dụng thuốc Đông y để điều trị bệnh vảy nến.
"Arsen là kim loại nặng được sử dụng trong điều trị vảy nến từ lâu. Do các nghiên cứu phát hiện tính độc hại, hiện arsen không được sử dụng. Tuy nhiên, một số loại thuốc Đông y không rõ nguồn gốc vẫn sử dụng chúng trong thành phần, từ đó gây độc cho bệnh nhân", bác sĩ Ghi cảnh báo.
Theo bác sĩ này, vảy nến là bệnh mạn tính, có thể ổn định nếu bệnh nhân thăm khám thường xuyên, tuân thủ điều trị của bác sĩ và có chế độ sinh hoạt lành mạnh. Một số người sử dụng nhiều loại thuốc không rõ thành phần, nguồn gốc khiến bệnh vừa không khỏi và chịu nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.