Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Đừng tự hài lòng, hãy phấn đấu thành người giỏi nhất'

"Tôi thấy nhiều bạn trẻ bằng lòng với mình. Các bạn thờ ơ với sách vở, xem việc có tấm bằng đại học là đủ", ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP HCM nói.

Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Tổng Giám đốc công ty Alpha Books, Phó chủ tịch Thường trực Hội Doanh nhân trẻ TP HCM, vừa có một bài phát biểu đáng chú ý trong giới trẻ về lập thân, lập nghiệp.

Bài phát biểu này ông trình bày trong buổi tốt nghiệp của trường Cao đẳng Việt Mỹ (TP HCM). Được sự đồng ý của ông Quỳnh, Zing.vn đăng bài viết này giúp các bạn trẻ có thêm thông tin tham khảo về sự nỗ lực và thành công trong cuộc sống. 

20 năm trước, khi đứng trước ngưỡng cửa đại học và chọn nghề, tôi quyết định học kinh tế. Tôi nghĩ đơn giản học kinh tế sẽ dễ kiếm tiền. Khi tốt nghiệp, đi làm, mục tiêu lớn nhất của tôi là hoàn thành xuất sắc công việc được giao để thăng tiến trong sự nghiệp.

Bước ngoặt cuộc đời là khi tôi rời doanh nghiệp nhà nước và bắt đầu dấn thân trên con đường làm chủ. Tôi đối diện với nhiều thách thức...

Trong quá trình trưởng thành, tôi nhận ra một chân lý: Nếu như chết đi với gia tài 100 triệu USD hay là 10 USD thì cũng không khác nhau. Chết là hết. Vì vậy, giá trị của cuộc đời không phải gia tài vật chất bạn để lại cho con cháu, mà chính là những đóng góp cho cộng đồng trong suốt cuộc đời của bạn.

22 năm sau ngày tốt nghiệp đại học, tôi đã làm việc cho hơn 26 công ty, đi trên 40 nước, chia sẻ kiến thức với hàng nghìn sinh viên, bạn trẻ, viết hàng trăm bài báo, tác giả của 2 cuốn sách…

Tuy vậy, cuộc sống của tôi không phẳng lặng. Tôi từng trải qua những thất bại trong công việc cũng như tình cảm. Tôi đã có nhiều lúc thất vọng về bản thân và gây tổn thương cho những người yêu thương mình. Nhưng nhờ vậy, tôi trưởng thành hơn từ nỗi đau trong cuộc sống.

Theo thời gian, tôi hiểu về những giá trị mình có thể cống hiến cho đời. Tôi nhận ra, ý nghĩa của cuộc sống không nằm ở tài sản vật chất mình có được mà chính từ những giá trị tích cực mình tạo ra mỗi ngày. Để trở thành người có giá trị là một chặng đường dài. Đầu tiên và cũng là quan trọng nhất, bạn cần phải hoàn thiện bản thân.

1. Không ngừng học hỏi để trưởng thành

"Tôi nghĩ, những bài học về đối nhân xử thế, về tình người luôn có giá trị to lớn".

Quá trình học hỏi từ nhà trường, tôi nghĩ không đủ. Tôi học qua các công việc mình được làm. Đó cũng là lý do tôi có liên quan 26 công ty trong 22 năm. Tôi học cách đối nhân xử thế từ lãnh đạo và đồng nghiệp của mình. Trong đó, bài học mà tôi luôn ghi nhớ tình yêu thương.

Tốt nghiệp đại học, tôi nặng 54 kg, ốm nhom, mặt hình tam giác. Trong công ty, có một người nấu bếp tôi gọi là Má Thường. Các buổi ăn trưa, tô canh của tôi luôn có một cục mỡ heo to tướng nhưng giá tiền vẫn vậy.

Khoảng 2-3 ngày, Má Thường mua óc heo và chưng cho tôi ăn. Má muốn tôi mập lên vì như vậy trông mới khỏe và đẹp trai. Sau 5 năm được Má Thường chăm sóc, tôi lên hơn 20 kg và có thể làm người mẫu!

Tôi nghĩ, những bài học về đối nhân xử thế, về tình người luôn có giá trị to lớn.

Một lần, lúc đó, tôi là Bí thư Đoàn Thanh niên công ty, chúng tôi về Đồng Tháp để tặng quà cho người dân vùng lũ lụt. Yêu cầu của chúng tôi là người nhận quà phải là người nghèo. Tuy nhiên, tôi phát hiện trong số những người nhận quà có người thân của cán bộ xã và họ không nghèo. Tôi nóng máu, lớn tiếng phản đối lãnh đạo xã. Sếp tôi đã yêu cầu tôi im lặng và đi ra ngoài.

Ông nói với tôi, đến lúc này, phải tin vào danh sách của địa phương và rút kinh nghiệm, lần sau phải về tận nơi tìm hiểu trước khi trao. Việc nóng máu, phản đối lúc này chỉ làm mọi thứ tệ hơn..

Tôi cũng tích cực học tập thêm từ sách. Mỗi khi đọc, thấy điều gì hay là tôi áp dụng ngay, đặc biệt trong quá trình điều hành doanh nghiệp.

Hiện nay, qua quan sát, tôi thấy có nhiều bạn trẻ bằng lòng với những gì mình có. Các bạn còn thờ ơ với sách vở, xem việc có tấm bằng đại học là đã đủ. Nhiều bạn chỉ thích lang thang trên mạng và như đang trôi vô định trong dòng đời.

Nhiều bạn đang chọn cuộc sống làng nhàng và không có nhu cầu tự học hay tự hoàn thiện bản thân. Và như là một sự tất yếu, may mắn chỉ mỉm cười với những người luôn nỗ lực vươn lên và chủ động tạo cơ hội cho mình.

Phan dau thanh nguoi gioi nhat anh 1
Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh trong buổi chia sẻ kinh nghiệm với các sinh viên trường Cao đẳng nghề Việt Mỹ (TP HCM). Ảnh: NVCC.

2. Sẵn sàng trải nghiệm

"Một trong những con đường làm giàu chính đáng và có cơ may thành công nhất chính là hãy làm tốt nhất công việc mà bạn yêu thích, đam mê. Hãy luôn phấn đấu trở thành người giỏi nhất trong lĩnh vực của mình".

Tôi thử thách bản thân qua các cuộc thi và kết quả là tôi thường đạt được những giải cao nhất. Ví dụ như giải nhất cuộc thi do tàu Peace Boat và Hội Liên hiệp thanh niên VN tổ chức và giải thưởng là du lịch vòng quanh thế giới năm 1999; giải nhất cuộc thi do Đại sứ quán Ấn Độ tổ chức về mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong thế kỷ 21 và giải thưởng là một chuyến du lịch Ấn Độ năm 2001…

Tôi nghĩ rằng, khi đặt mục tiêu rõ ràng trong công việc với những yêu cầu cao dành cho bản thân, chúng ta có đích đến cụ thể để vươn tới. Vấn đề là định ra con đường và dám dấn thân, bắt tay vào thực hiện nó. 

Tôi cũng xốc nổi, đa mang và va vấp, thất bại nhiều nhưng tôi chưa bao giờ nản chí hoặc thiếu tự tin. Tôi đã trưởng thành từ những thất bại của bản thân, nhất là trong việc điều hành kinh doanh và đối nhân xử thế.

3. Làm việc nhỏ với tình yêu lớn 

Thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam là nhiều tân cử nhân ảo tưởng về sức mạnh của bằng cấp. Sau khi tốt nghiệp và được nhận vào các công ty, nhiều bạn trẻ quyết định nghỉ việc chỉ sau một thời gian ngắn chỉ vì cảm thấy công việc không xứng đáng với thành tích học tập mà họ sở hữu. Kết quả là ngày càng nhiều sinh viên giỏi không thể tìm được công việc phù hợp sau khi tốt nghiệp.

22 năm trước, tôi tốt nghiệp đại học với thành tích xuất sắc và được nhận vào làm ở một công ty dầu khí lớn. Tôi có những dự định to tát, nhưng những công việc đầu tiên tôi được giao là photocopy tài liệu, đánh máy văn bản, giao nhận hồ sơ… Đó là những công việc rất nhàm chán.

Tuy vậy, tôi đã rất vui vẻ và tập trung để làm tốt. Chính những công việc nhỏ nhoi này đã giúp tôi rất nhiều sau này, trong những hoàn cảnh đặc biệt, tôi có thể “độc lập tác chiến”. Các nhân viên của tôi cũng kính nể sếp hơn khi thấy tôi có thể làm tốt cả những công việc "tầm thường”.

4. Phấn đấu trở thành người giỏi nhất

Do môi trường làm việc của mình, tôi thường xuyên tiếp xúc nhiều bạn trẻ có khát vọng làm giàu cháy bỏng. Một khiếm khuyết phổ biến của họ là rất tin vào các câu chuyện làm giàu nhanh chóng nhờ đầu tư vào vàng, chứng khoán hay địa ốc.

Họ luôn cố gắng tìm kiếm cơ hội mới, sẵn sàng bỏ công việc mình thích… mà không nhận ra rằng, con đường để trở nên giàu có đòi hỏi thời gian, nỗ lực phấn đấu trở thành người giỏi nhất trong lĩnh vực nghề nghiệp của mình.

Qua kinh nghiệm của bản thân, tôi nhận ra rằng, một trong những con đường làm giàu chính đáng và có cơ may thành công nhất chính là hãy làm tốt nhất công việc mà bạn yêu thích, đam mê.

Hãy luôn phấn đấu trở thành người giỏi nhất, chuyên nghiệp nhất trong lĩnh vực nghề nghiệp của mình.

5. Luôn theo đuổi ước

Khi còn nhỏ, tôi ước mơ lớn lên mình sẽ theo nghiệp của cha mẹ làm giáo viên. Và bây giờ, trong cuộc sống bận rộn của mình, tôi đã dành nhiều thời gian để chia sẻ với sinh viên và học viên về khởi nghiệp, con đường làm giàu, quản trị công ty…

Những ngày đi làm đầu tiên, tôi ước ao được đi du lịch nước ngoài, để tìm hiểu về thế giới bao la xung quanh mình. Tuy nhiên, điều kiện kinh tế gia đình và cá nhân không cho phép. Vậy là tôi đã đăng ký tham gia các cuộc thi mà giải thưởng là các chuyến đi du lịch. Giải thưởng của tôi là một chuyến đi vòng quanh thế giới trên tàu Hòa Bình trong 90 ngày, qua 18 quốc gia.

Sau này, khi bắt đầu con đường kinh doanh, tôi mơ ước mình trở thành triệu phú đô la. Tôi không nghĩ có 1 triệu đô là mình giàu có mà tôi coi đó là thách thức. Tôi đã nỗ lực hết mình trong công việc, sống tích cực, cởi mở với mọi người, quan tâm đến khách hàng và yêu thương nhân viên cùng quyết tâm luôn phấn đấu trở thành người giỏi nhất. Năm 35 tuổi, tôi đã cầm được trong tay 1 triệu đô la Mỹ đầu tiên nhờ vào kết quả làm việc xuất sắc của mình…

Khi bạn có ước mơ cháy bỏng, thôi thúc và bạn hăm hở bắt tay thực hiện nó, bạn sẽ tạo ra được một cuộc sống thú vị và có giá trị.

6. Hành động, hành động, hành động!

Dù hoàn cảnh hay vị trí hiện tại của bạn có thể không như ý muốn, điều đó cũng không quan trọng bằng việc bạn có định hướng thế nào và mong muốn điều gì cho tương lai của mình.

Điều cốt yếu nhất, bạn phải hành động. Vì chỉ có hành động mới từng bước đưa bạn đến nơi mình muốn. Chẳng phải nhiều người thành công và giàu có, lúc đầu cũng có điểm xuất phát rất thấp hay sao?

Cứ mạnh mẽ làm việc cần làm, hướng đến điều mình mong muốn và bạn sẽ thay đổi được số phận của mình. Con người hơn thua nhau không phải ở điểm xuất phát, mà là ở đích đến và cách để tiến nhanh về đích!

'Đại học không phải con đường duy nhất tới thành công'

"Đại học rất tốt và thực sự cần thiết, nhưng không phải con đường duy nhất để dẫn đến thành công!", nhà báo Ngô Bá Lục chia sẻ.

Nguyễn Tuấn Quỳnh

Phó chủ tịch Thường trực Hội Doanh nhân trẻ TP HCM

Bạn có thể quan tâm