Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam -Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) tiếp nhận trường hợp anh N.Đ.T. (27 tuổi, trú tại Quang Trung, Uông Bí) bị bỏng độ I-II.
Bệnh nhân cho biết trước khi vào viện 30 phút, anh dùng xăng để đốt rác. Không may, lửa cháy to, bén vào chai xăng gây cháy. Anh đứng gần cũng bị bỏng nặng.
Theo BSCKI. Vũ Văn Hướng, Phó trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình và Bỏng, trường hợp của người bệnh cần điều trị nội khoa sau đó tiến hành ghép da, chuyển vạt. Tuy nhiên, nó cũng để lại rất nhiều di chứng như co rút cơ, ảnh hưởng vận động của người bệnh.
Qua trường hợp trên, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần cẩn trọng khi sử dụng các chất có thể gây cháy nổ như xăng, dầu hỏa, cồn. Chỉ cần một chút thiếu thận trọng cũng có gây thương tích cho bản thân và gia đình.
Bỏng do xăng có những điểm nguy hiểm khác biệt so với bỏng thông thường như từ dầu ăn, nước sôi. Vì vậy, ngay khi bị bỏng hoặc phát hiện ra trường hợp bỏng, cần lập tức đưa đến các cơ sở y tế gần nhất để điều trị. Nếu không được chữa trị đúng cách, vết thương thường rất lâu khỏi.
Khi vết bỏng rộng có thể dẫn đến hoại tử thứ phát, độ bỏng sâu hơn, co kéo bề mặt da tạo sẹo xấu. Nguy hiểm hơn, vết thương có thể bị nhiễm trùng gây nhiễm trùng máu, suy thận, suy đa tạng, ảnh hưởng đến tính mạng.