Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dùng xăng và rơm đốt chân con trai, người cha bị xử phạt thế nào?

Luật sư cho rằng hành vi của người cha có thể bị khởi tố về tội cố ý gây thương tích và hành hạ trẻ em.

Khoảng 18h ngày 2/10, ông Nguyễn Anh Tuấn (SN 1987) trú tại thôn Cà, xã Hòa Trạch (Bố Trạch - Quảng Bình) trong lúc uống rượu về nghe hàng xóm nói con mình lấy trộm tiền của họ mua đồ chơi, đã dùng dây cột con lại, dùng rơm và xăng đốt 2 chân của cháu.

Nạn nhân là cháu Nguyễn Anh T., học sinh lớp 3B trường Tiểu học xã Hòa Trạch. Sau khi phát hiện cháu T. bị đốt, bà nội ở cạnh đó đã lao qua dập lửa, sau một hồi mới cứu được cháu T. khỏi ngọn lửa của rơm và xăng. Cháu T. được đưa lên trạm xá xã sơ cứu và về nhà điều trị.

Tuy nhiên, chiều 3/10, vết bỏng 2 đôi chân quá nặng, cháu T. vẫn đau, bà Hiến đưa cháu lên cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa huyện Bố Trạch, các bác sĩ cấp cứu chẩn đoán cháu bị bỏng độ 3 cả hai chân.

dot chan con trai anh 1

Ngoài việc 2 chân bị bỏng nặng, trên cơ thể của cháu bé cũng có vết tích trầy xước.

Theo bà Hiến, trước khi đốt chân cháu T., ông Anh Tuấn còn dùng thanh sắt đánh cháu ở lưng và mạng sườn gây bầm tím nặng.

Trao đổi với Zing về vụ việc, tiến sĩ, luật sư Nguyễn Thành Tô (Tạ Quang Huy & Cộng sự, TP.HCM) cho biết trong trường hợp này, hành vi của người cha đã vi phạm vào tội Cố ý gây thương tích và tội Hành hạ trẻ em.

Theo luật sư Tô, căn cứ theo điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015, tùy theo tỷ lệ tổn thương cơ thể đối với đứa bé mà xử phạt người cha. Trong người hợp này, người cha có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Về tội hành hạ trẻ em, luật sư Tô cho rằng: “Cần xem xét điều tra xem hành vi đánh đập cháu bé có diễn ra thường xuyên hay không. Nếu đủ căn cứ có thể tiếp tục khởi tố hình sự, trường hợp nhẹ nhất cũng sẽ bị xử phạt hành chính”.

“Trường hợp chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người có hành vi hành hạ trẻ em có thể bị phạt tiền theo quy định tại khoản 1 Điều 52 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Người cha trong trường hợp này bị xử phạt ít nhất là 5 triệu đồng, nhiều nhất là 20 triệu đồng”, luật sư Tô phân tích.

Cũng theo luật sư Tô, nếu đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự, người cha sẽ bị xử phạt theo quy định tại khoản 2 điều 185 Bộ luật hình sự 2015. Trường hợp này, người phạm tội có thể bị xử phạt từ 2-5 năm tù.

Ngoài ra, luật sư Tô cho biết người cha uống rượu không được coi là tình tiết giảm nhẹ. Người phạm tội trong trường hợp bị kích động mạnh mới được giảm nhẹ tội. Trường hợp này là đứa bé, khó có thể gây ra kích động mạnh được.

“Phải điều tra rõ động cơ của người cha liệu có phải chỉ muốn làm đau đứa bé hay không? Người phát hiện, dập lửa và đưa đứa bé đi cấp cứu không phải là người cha. Nếu cảnh sát điều tra ra trước khi dùng xăng đốt đứa bé, người cha có những lời nói, hành động muốn quyết liệt cướp đi tính mạng đứa bé thì lúc này, hoàn toàn có thể khởi tố về hành vi giết người”, luật sư Tô phân tích.

Bị đánh chết vì cố rủ người khác đi nhậu

Bị bạn nhậu từ chối đi cùng, Sĩ chửi bới và ra tay đánh bạn. Trong lúc xô xát, Sĩ bị đánh dẫn đến tử vong.

Thư Bích Ngọc

Bạn có thể quan tâm