Chiều 24/11, Bộ GD&ĐT tổ chức trao đổi thông tin về giáo dục và đào tạo. Theo đó, nhiều nội dung mới về giáo dục đại học được nêu lên.
Thành lập doanh nghiệp để nghiên cứu khoa học
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT - cho biết dự thảo 2 này đề xuất sửa 36/72 điều, các vấn đề cơ bản nhất thể hiện trong 4 chính sách lớn là mở rộng và nâng cao hiệu quả của tự chủ đại học, đảm bảo các trường được tự chủ sâu rộng hơn, tự chủ trên cả 3 phương diện chuyên môn, cơ cấu tổ chức bộ máy, nhân sự và quản trị đại học.
Đặc biệt, bà Kim Phụng thông tin nét mới của dự thảo là trong trường có thể thành lập doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng trao đổi thêm thông tin về dự thảo luật giáo dục đại học. Ảnh: Quyên Quyên. |
Thực tế, đây không phải quy định hoàn toàn mới bởi theo điều 14 Luật Giáo dục đại học năm 2012 trong cơ cấu tổ chức của trường cao đẳng, trường đại học, học viện đã đề cập tới "tổ chức phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ; cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ".
Như vậy, chỉ nói đến là một doanh nghiệp với tư cách là chủ thể kinh doanh chứ chưa xác định rõ. Vì thế, dự thảo đề xuất sửa đổi thành "tổ chức phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh khác". Như vậy, chủ thể doanh nghiệp được đưa vào rõ nét hơn.
Bà Phụng cho biết thêm đây là thể chế hoá tư tưởng trong Nghị quyết 19 là có cơ chế chính sách và tạo điều kiện thuận lợi để thành lập doanh nghiệp đa sở hữu trong các trường đại học nhằm thực hiện hoạt động ứng dụng triển khai thương mại hoá các kết quả nghiên cứu và cung ứng dịch vụ sự nghiệp công.
Mục đích của việc thành lập doanh nghiệp đều giới hạn trong thực hiện chức năng nghiên cứu khoa học là chính, không phải kinh doanh. Điều này thúc đẩy nghiên cứu khoa học và đào tạo nghiên cứu trong trường gắn với nhu cầu thị trường. Nếu để các nhà khoa học tự thương mại hoá kết quả của mình thì hiệu quả sẽ không cao, bởi nhà khoa học không có kiến thức về kinh doanh và khó khăn trong thương mại hoá sản phẩm nghiên cứu.
Bằng đại học không phân biệt chính quy và tại chức
Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Kim Phụng thông tin dự thảo mới đã đưa ra 2 hình thức là tập trung và không tập trung thay cho đào tạo chính quy và đào tạo thường xuyên.
Theo đó, đào tạo theo hình thức vừa học vừa làm hay đào tạo tại chức là đào tạo theo hình thức không tập trung. Tuy nhiên, tập trung hay không tập trung đều được xây dựng trên cùng một chuẩn chương trình, chuẩn giáo viên, chuẩn đầu ra để cấp một văn bằng chuẩn.
Đồng thời, hình thức đào tạo cũng sẽ không được ghi trên văn bằng nữa. Tất cả văn bằng khi cấp ra phải đạt chuẩn vì không phân biệt văn bằng tại chức hay chính quy. Đây sẽ là lời khẳng định với xã hội về chất lượng đào tạo của trường.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, bậc đại học được tự quyết định học phí theo giá dịch vụ. Các trường công lập hiện nay học phí áp theo mức trần. Sắp tới, theo luật sửa đổi sẽ có cơ chế xác định học phí và các cơ sở phải có đề án cũng như giải trình về học phí của mình cũng như quy trình để các trường xác định học phí và nguyên tắc cơ bản là học phí được tính giá dịch vụ tương ứng với chất lượng.
Và để đảm bảo quyền lợi cho người học, mức học phí phải công bố ngay từ khi thông báo tuyển sinh.