"Stanford Talk - chúng tôi đã học như thế nào" là chủ đề được tổ chức hôm 7/5, tại trường THPT liên cấp Olympia Hà Nội với sự tham gia của đông đảo phụ huynh, học sinh.
Nguyễn Chí Hiếu, cựu sinh viên ĐH Stanford, mở đầu buổi tọa đàm bằng nhận định mỗi người có một con đường đi riêng. Con đường đó có dấu ấn cá nhân của mỗi người.
"Sáu người hôm nay là 6 đường đi khác nhau nhưng cùng đến một cái đích. Đến ĐH Stanford rồi, sau đó đi như thế nào, lại là một con đường khác. Việc học là nhận thức, không chỉ của con em mà là của cả phụ huynh”, Hiếu nói.
Hãy tạo sự khác biệt
Chia sẻ câu chuyện của mình, Phạm Kim Hùng, cựu học sinh chuyên Toán trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, người từng đoạt một huy chương vàng, một huy chương bạc Olympic Toán quốc tế, cựu sinh viên ĐH Stanford, cho hay điều may mắn nhất trong những năm học cấp một, hai là có tuổi thơ vô tư, không có áp lực học hành, được thả diều, chăn trâu cùng chúng bạn.
Thứ hai, Hùng có không gian và thời gian để nuôi dưỡng tình yêu toán học.
Các diễn giả chia sẻ tại buổi tọa đàm. Ảnh: Tiền Phong. |
“Đỗ chuyên Toán của Khoa học tự nhiên, tôi nhiều lần xin bố mẹ cho chuyển về quê vì các bạn ở trên này học tốt hơn rất nhiều. Nhưng được bố mẹ động viên, tôi đã cố gắng”, Hùng cho hay.
Năm 2005 khi thi xong Olympic Toán, mọi người đều vào lớp cử nhân tài năng của ĐH Khoa học Tự nhiên để sang Pháp thì Hùng chọn ngã rẽ cho riêng mình. Em xin nghỉ học để muốn viết một cuốn sách và điều thứ hai quan trọng hơn là muốn sang ĐH Stanford để học Công nghệ thông tin.
“Lúc đó, tôi liều một phen, sẵn sàng nghỉ học, từ bỏ cơ hội sang Pháp để tìm đường đến với Stanford. Đến giờ, tôi nghĩ, Stanford nhận mình chính vì sự liều lĩnh đó. Thế nên, bạn đừng cố gắng tạo nên một profile (hồ sơ năng lực) tròn trịa mà hãy cố gắng tạo nên sự khác biệt”, Kim Hùng cho hay.
Võ Tường An, tân sinh viên sắp tới của ĐH Stanford, cho biết nguyên nhân mà Stanford nhận mình vì sự quyết liệt, thực hiện tới cùng mục tiêu đã đặt ra. Trong khi đó, Huỳnh Minh Việt cho rằng Stanford nhận vì ở vị trí, vai trò nào Việt cũng luôn làm tốt trọng trách của mình.
Gia đình là bệ phóng của thành công
Một câu hỏi được đặt ra tại buổi tọa đàm là gia đình, hay cụ thể hơn, bố mẹ có vai trò gì trong lựa chọn, định hướng cho con cái sau này?
Kim Hùng cho rằng bố mẹ không cần phải đi theo con cái suốt cuộc đời. Tuy nhiên, trước đó, sự ảnh hưởng của gia đình sẽ tác động rất lớn đến mỗi đứa trẻ sau này.
Chàng trai từng đoạt huy chương vàng Olympic cho biết gia đình là nơi tốt nhất để trả lời câu hỏi chúng ta sẽ trở thành người như thế nào trong tương lai. Cha mẹ luôn biết thế nào là tốt cho con cái. Không có lời giải chung cho vấn đề này vì không có sự giống nhau giữa những đứa trẻ.
"Ngày xưa, tôi rất biết ơn mẹ. Mẹ là giáo viên, thường nói về một học sinh nào đó học rất giỏi. Lúc đó, tôi không hiểu nhưng mãi sau này sang ĐH Stanford học mới hiểu được ý nghĩa. Thực ra, trẻ em chưa thể hiểu được học sẽ tốt cho bản thân như thế nào. Ngày đó, khi nghe mẹ nói, tôi đã tạo lực đẩy cho mình”, Kim Hùng kể lại.
Một vấn đề nữa mà Hùng đề cập là bố mẹ nên cố gắng theo đuổi đam mê cùng con em mình. Không nên bắt ép con phải giỏi theo ý mình, khi tìm được lĩnh vực con giỏi nhất thì nên vun đắp.
Đồng ý với quan điểm này, Nguyễn Chí Hiếu cũng cho rằng 32 năm sau anh mới biết đam mê của mình là giáo dục, sau khi có tới 4 bằng ĐH. Vì vậy, phụ huynh nên trang bị cho con khả năng tự học và khơi gợi cho con để tự tìm đến đam mê.
Tường An kể năm lên 4 tuổi, bố mẹ đã dạy em học đọc, viết. 5 tuổi, em đã đọc thông, viết thạo. Bố mẹ cũng hay kể về những người giỏi và từ năm cấp 2, tham gia bất kỳ một cuộc thi nào, em luôn là người đứng đầu.
“Nhìn lại bản thân, có thể thấy em là bản sao của hình tượng mà mình nghĩ ra. Ba mẹ làm bác sĩ, không có nhiều thời gian dạy con, nhưng luôn nói về người này người kia và thấm vào mình lúc nào không hay. Áp lực của cha mẹ cũng tạo nên áp lực cho con cái. So với các bạn cùng trang lứa, em luôn có tiêu chuẩn, mục đích riêng của mình”, Tường An cho hay.
Khi lên THPT, An sang Mỹ du học. Thời tiết ở bên đó khắc nghiệt, những ngày đầu, cô gọi điện về khóc lóc, bố mẹ đã kiên quyết dập máy. Nữ sinh đã tự đứng lên để đi tới đích của mình ngày hôm nay.
Tại buổi tọa đàm, nhiều phụ huynh băn khoăn về việc cho con học tiếng Anh như thế nào, nên bắt đầu từ đâu. Văn Đình Hồng Vũ, học thạc sĩ tại ĐH Stanford, chia sẻ câu chuyện của mình.
Vũ cho biết thời ở Việt Nam không nghĩ trình độ tiếng Anh của mình dở vì thi toàn điểm cao. Khi vào Stanford, Vũ sốc vì họ không hiểu được mình nói gì.
“Chúng ta học tiếng Anh giống như học thuật nên về cấu trúc ngữ pháp, chúng ta còn giỏi hơn học sinh của Mỹ. Nhưng vấn đề là nói phải để họ hiểu, vì vậy, quan trọng là phải diễn đạt được điều mình muốn nói và phải có sự tự tin”, Vũ cho biết.
Nguyễn Chí Hiếu cũng khẳng định anh không dùng bài thi nào để đánh giá học sinh của mình giỏi hay chưa giỏi.
“Tôi chưa bao giờ dùng một bài thi chuẩn hóa tiếng Anh để đánh giá học sinh của mình. Nhiều học sinh được điểm cao nhưng khi bắt đọc một cuốn sách, viết một vấn đề thì không làm được.
Bài thi chuẩn hóa không thể hiện được năng lực của học sinh. Tiếng Anh chỉ là công cụ. Khi đánh giá người học, họ sẽ đánh giá kiến thức, cách tư duy của học sinh. Các bài thi chuẩn hóa không đánh giá được điều đó”, Nguyễn Chí Hiếu chia sẻ.