Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đường điện cao thế đe dọa hàng trăm học sinh ở Nghệ An

Nằm dưới đường điện cao thế, hơn 10 năm qua, cô trò trường THCS Châu Cam (huyện Con Cuông, Nghệ An) dạy và học trong sự bất an.

Không ít lần, giáo viên và học sinh chứng kiến tình trạng phóng điện vào những ngày thời tiết xấu, mưa gió.

Trước nguy cơ mất an toàn, nhà trường nhiều lần báo lên chính quyền có biện pháp xử lý nhưng chưa được giải quyết.

Duong dien cao the de doa hang tram hoc sinh anh 1

Trước đây có hàng cây ngô đồng trong khuôn viên, nhưng lo sợ mất an toàn lưới điện, nhà trường đã phải đốn hạ.

Nơm nớp dạy học dưới đường điện cao thế

Tiết chào cờ tại cơ sở 1 trường THCS Châu Cam (huyện Con Cuông, Nghệ An), hàng trăm học sinh xếp hàng ngay ngắn giữa sân, bên cạnh là 2 cột điện sừng sững. Phía trên là đường điện cao thế chạy qua. Cảnh tượng này đã trở nên quen thuộc với giáo viên, học sinh nơi đây suốt hơn 10 năm nay. Không chỉ giờ chào cờ, mà tiết thể dục, sinh hoạt ngoài giờ lên lớp, thầy trò nhà trường đều “dạy học chung với đường điện”.

Trường THCS Châu Cam (huyện Con Cuông) được sáp nhập từ trường THCS Châu Khê và Cam Lâm từ năm 2017. Cơ sở 1 đóng tại xã Châu Khê có từ năm 1993. Qua nhiều lần nâng cấp, mở rộng, hiện cơ sở vật chất của trường gồm dãy phòng học 2 tầng và khu hiệu bộ là 2 dãy phòng cấp bốn.

Nhưng điều đặc biệt, khu vực sân trường, nhà hiệu bộ, phòng ở bán trú học sinh nằm dưới hành lang lưới điện cao thế. Đây là đường điện 35KV kéo từ huyện Tương Dương xuống huyện Con Cuông, chạy cắt qua khuôn viên trường THCS Châu Cam hơn 100m.

Cô Đinh Thị Thu Hà, Hiệu trưởng trường THCS Châu Cam, cho biết không ít lần, giáo viên, học sinh nhà trường chứng kiến cảnh tượng phóng điện làm cháy cây. Nhất là ngày thời tiết xấu, mưa gió.

Trước tình trạng đó, năm 2019, nhà trường quyết định đốn hạ hàng cây ngô đồng được trồng gần khu vực dây điện cao thế chạy qua. Điều này khiến sân trường trơ trọi không có bóng cây xanh. Các thầy cô cũng phải thường xuyên trông chừng học sinh, không để các em chạy nhảy, vui chơi gần khu vực cột điện, đường điện chạy qua.

Tuy nhiên, theo hiệu trưởng nhà trường, đáng lo nhất là có 50 học sinh của 3 bản xa phải ở bán trú trong trường đi học.

“Giờ chính khóa, thầy có thể quản lý, nhắc nhở học sinh. Nhưng với các em bán trú ở lại trường liên tục từ thứ 2 đến thứ 6, chúng tôi khó trông chừng hoàn toàn. Nhiều em hiếu động, trời mưa nhưng vẫn vui chơi, đá bóng trên sân thể dục. Trong khi đường điện ngay trên đầu. Vì vậy, trường phải cắt cử giáo viên trực bán trú liên tục”, hiệu trưởng nói.

Duong dien cao the de doa hang tram hoc sinh anh 2

Hơn 480 học sinh trường THCS Châu Cam tập trung chào cờ dưới đường điện cao thế.

Mòn mỏi chờ di dời đường điện

Cô Đinh Thị Thu Hà cho hay cách đây 4 năm khi mới nhận nhiệm vụ tại trường, cô đã báo cáo, các cấp chính quyền địa phương về thực trạng trường học dưới đường điện cao thế. Kiến nghị của nhà trường là sớm di dời đường điện cao thế, hoặc mua thêm đất của dân, mở rộng khuôn viên trường làm nơi dạy học thể dục an toàn cho học sinh.

“Không chỉ tôi mà hiệu trưởng nhiệm kỳ trước cũng từng liên tục có kiến nghị tương tự. Thời gian qua, trong các cuộc họp rồi tiếp xúc cử tri cấp huyện, vấn đề của trường chúng tôi cũng được nêu lên. Nhưng cho đến nay, cô trò vẫn đang thấp thỏm dạy học trong nguy cơ mất an toàn. Cũng nhiều đoàn về kiểm tra, nắm tình hình rồi hứa giải quyết sớm nhưng chẳng thấy đâu”, cô Hà nói.

Ông Nguyễn Ngọc Luyến, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Châu Khê, cho hay đã nhiều lần đề nghị khắc phục đường điện ở sân trường THCS Châu Cam trong các cuộc họp HĐND cấp xã, huyện. Địa phương cũng nhận được đề xuất bố trí đất xây dựng trường ở vị trí khác.

Nhưng kinh phí để xây mới trường học quá lớn. Vừa rồi, Điện lực Nghệ An về khảo sát và xây dựng phương án cho đi cáp ngầm nên địa phương đang chờ. Cũng vì không đủ điều kiện an toàn, nên việc xây dựng trường THCS Châu Cam đạt chuẩn quốc gia gặp khó khăn.

Ông Lê Đắc Tú - Giám đốc Điện lực Con Cuông (Nghệ An) - thừa nhận việc đường điện cao thế cắt qua trường THCS Châu Cam đã tồn tại từ lâu. Đường dây này chạy từ trạm biến áp 110kV ở thị trấn Hòa Bình, huyện Tương Dương. Nhưng qua báo cáo, tài liệu của công ty, đường điện này có trước khi khuôn viên trường được mở rộng.

Ông Tú chia sẻ: “Không ai xây dựng đường điện chạy qua trường học như vậy”.

Thế nhưng, ông Luyến khẳng định, trường học có từ trước khi đường điện cao thế kéo về. Cơ sở 1 trường THCS Châu Cam nguyên là công ty lương thực cũ, sau đó chuyển cho xã Châu Khê làm trường học.

Thời điểm đó, trường chỉ mới có một số phòng học nhỏ. Khi đường điện cao thế được xây dựng đã chạy qua khu vực trường học. Nhưng sau này, trường từng bước được nâng cấp, kiên cố hóa với dãy nhà 2 tầng, nhà hiệu bộ, tường bao mới thấy rõ có lưới điện chạy qua. Còn diện tích khuôn viên trường vẫn giữ nguyên như vậy.

Nhiệm kỳ trước, ông Nguyễn Ngọc Luyến từng giữ chức vụ Chủ tịch UBND xã Châu Khê. Ông cho hay qua rất nhiều lần báo cáo, kiến nghị nhưng đến nay, công tác khắc phục tình trạng đường điện cao thế cắt qua trường học vẫn chưa được triển khai.

Theo Giám đốc Điện lực Con Cuông, sau khi khảo sát, xem xét các phương án, giải pháp khả thi nhất là hạ ngầm, để đường điện chạy dưới lòng đất.

“Chi phí để hạ ngầm đường điện khoảng hơn 5 tỷ đồng. Năm 2020, công ty đã lập phương án đầu tư và đến năm 2021 này đã có danh mục đầu tư. Ban đầu, chúng tôi dự định hạ ngầm đường điện dưới sân trường, chi phí sẽ giảm bớt.

Tuy nhiên, liên quan đến việc thi công, hoặc sau này sửa chữa, bảo trì nếu hư hỏng, gặp sự cố phải đào lấp sân trường ảnh hưởng đến học sinh. Vì vậy, chúng tôi sẽ đi đường điện ngầm vòng qua hàng rào phía sau và tránh luôn trường mầm non ở bên cạnh. Chí phí đi cáp ngầm khoảng hơn 5 tỷ đồng”, ông Lê Đắc Tú nói.

Hiệu trưởng Tiểu học Xuân Phương nhận giấy khen nhờ chống dịch

Hiệu trưởng Lê Thị Tuyết Lan cùng 5 cán bộ, giáo viên trường Tiểu học Xuân Phương vừa nhận giấy khen từ Sở GD&ĐT Hà Nội nhờ có thành tích trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

https://giaoducthoidai.vn/thoi-su/nghe-an-duong-dien-cao-the-de-doa-hang-tram-hoc-sinh-rKPYV9LGg.html

Hồ Lài / Giáo dục & Thời đại

Bạn có thể quan tâm