Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đường đua F1 giúp giấc mơ MotoGP thành hiện thực ở Việt Nam?

Hà Nội sắp có trường đua F1 đạt chuẩn quốc tế và chi phí tổ chức dễ chịu hơn giải Công thức 1 là những cơ sở chính để mong đợi Việt Nam sẽ có thể đăng cai MotoGP trong tương lai.

Theo dự định của Dorna Sport - công ty nắm giữ bản quyền thương mại của giải đua MotoGP - bắt đầu từ năm 2020 số chặng đua mỗi mùa sẽ được tăng thêm từ con số 19 như vài năm qua. Bên cạnh 2 chặng đua mới đã được xác nhận diễn ra tại Phần Lan (2020) và Indonesia (2021), nhà tổ chức vẫn bỏ ngỏ khả năng có thêm 1 hoặc 2 trường đua sẽ lần đầu góp mặt trong lịch thi đấu của MotoGP vào năm 2022.

Và đây là tia hi vọng để những người hâm mộ môn thể thao đua môtô được tổ chức tại Việt Nam, khi mà tháng 4 năm 2020, F1 tại Việt Nam sẽ diễn ra lần đầu tiên.

Vậy có những cơ hội và khó khăn nào để Việt Nam có tên trên bản đồ MotoGP tương lai?

Đã có sẵn đường đua quốc tế, nhưng...

Trường đua Công thức 1 - F1 tại Hà Nội đang được hoàn thiện những công đoạn quan trọng, từ 2020 Việt Nam sẽ chính thức có một trường đua đạt chuẩn quốc tế. Đây là điều kiện tối quan trọng để người hâm mộ có thể trực tiếp chứng kiến những giải đua xe hàng đầu thế giới, trong đó có MotoGP.

Áo, Barcelona, Anh và Mỹ hiện là 4 nơi đang có những trường đua tổ chức song song cả F1 và MotoGP nhiều năm qua. Một công trình lớn như trường đua F1 chắc chắn sẽ không muốn chỉ sử dụng 1 lần trong năm, và MotoGP là cái tên xứng tầm nhất có thể góp mặt.

Tiềm năng là vậy, nhưng phải biết rằng cả 4 địa điểm kể trên đều có các trường đua riêng biệt chứ không phải kiểu một nửa đường chạy bố trí "dã chiến" trên đường phố như trường đua ở Hà Nội. Ngoài ra, đường chạy tại Mỹ Đình vốn thiết kế dành cho xe F1, không hẳn sẽ phù hợp với xe đua MotoGP với các khác biệt lớn về đặc tính kỹ thuật.

Vì vậy, giả sử chặng MotoGP ở Việt Nam diễn ra thì đòi hỏi nhà tổ chức sẽ phải tốn không ít công sức nghiên cứu cũng như đầu tư để có thể tối ưu hiệu quả sử dụng sẵn có của trường đua F1 Hà Nội.

dua xe motoGP anh 1
Ảnh phác thảo trường đua F1 tại Hà Nội. Ảnh: F1vietnamgp.

Bài toán kinh tế và hình ảnh

Khi đã có sân đua đủ chuẩn, yếu tố quan trọng tiếp đến quyết định việc tổ chức MotoGP tại Việt Nam chính là chi phí. Theo thống kê từ trang Totalsportek, khoản tiền để tổ chức một chặng MotoGP trung bình là 10 triệu USD/mùa, trong đó tốn kém nhất là chặng đua tại Qatar với 12 triệu USD/năm cho giai đoạn 2008-2016.

Con số này nhìn chung tương đối dễ chịu nếu biết rằng Forbes ước tính toàn bộ khâu tổ chức chặng đua F1 trên đường phố như tại Hà Nội trong vòng 10 năm tới có thể tiêu tốn gần 1 tỷ USD, tức là trung bình 100 triệu USD mỗi năm, gấp 10 lần so với tổ chức MotoGP.

dua xe motoGP anh 2
Hiện tại ở Đông Nam Á đang có 2 chặng đua MotoGP tại Malaysia và Thái Lan. Ảnh: MotoGP.

Bên cạnh đó, không chỉ góp phần giúp trường đua tại Mỹ Đình có thêm nguồn thu để hoạt động mà việc tổ chức thêm giải đua mới hứa hẹn mang đến những giá trị khác về mặt kinh tế - xã hội, chẳng hạn như tạo ra thêm việc làm hay phát triển du lịch... Đồng thời, có thêm một giải đua xe đẳng cấp thế giới cũng là cơ hội tốt để nâng tầm hình ảnh trên trường quốc tế cho Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.

Nếu như F1 quá tốn kém và đang được nhiều quốc gia cân nhắc bởi lý do kinh tế, thì MotoGP lại đang tạo ra những ngày hội ở những nơi mà nó xuất hiện. Vòng đua MotoGP ở Sepang - Malaysia luôn chứng kiến những đám đông cuồng nhiệt đổ về để theo dõi những tay đua môtô hàng đầu thế giới tranh tài. Đám đông ấy đến từ khắp nơi trên thế giới, rất nhiều là ở khu vực Đông Nam Á, và không ít là từ Việt Nam.

Sự phát triển của đua xe thể thao

Trong vài năm qua, phong trào đua xe thể thao ở Việt Nam đang từng bước đi lên chuyên nghiệp. Các hội nhóm, câu lạc bộ đua xe ngày càng phát triển cả về chất và lượng, song song với đó những giải đua chính quy trong nước được tổ chức ngày một nhiều. Các hãng xe máy cũng dần chú ý hơn và góp tay vào xây dựng cho mảng đua xe thể thao trong nước.

dua xe motoGP anh 3
Giải đua xe môtô Việt Nam - VMRC ngày càng có đông VĐV tham gia và nhiều khán giả quan tâm.

Bên cạnh đó, Việt Nam hiện đã có đội đua chuyên nghiệp đầu tiên tham gia giải đua xe môtô châu Á - ARRC. Các tay đua, bộ phận kỹ thuật được quản lý quy củ như một đội đua MotoGP thu nhỏ và đang từng bước đạt được thành tích ngày càng khả quan ở đấu trường khu vực.

Đáng chú ý hơn cả là việc hiện đã có các măng non ở độ tuổi nhi đồng được đầu tư bài bản để theo đuổi con đường đua xe chuyên nghiệp, và mục tiêu sau cùng chính là MotoGP. Tất cả các yếu tố này cho thấy người Việt đã có cái nhìn thật sự nghiêm túc với bộ môn đua xe môtô và mong muốn nó ngày càng phát triển.

dua xe motoGP anh 4
Tay đua nhí Việt Tuấn sinh năm 2012 đã có hơn 1 năm rưỡi tập luyện với xe đua chuyên nghiệp dành cho trẻ em.

Tuy nhiên, không phải nhận được nhiều sự quan tâm và định hướng phát triển thì sẽ có thuận lợi. Trả lời câu hỏi của Zing.vn về khả năng MotoGP được đăng cai tổ chức tại trường đua F1 Hà Nội, đại diện Hiệp hội Thể thao Xe động cơ Việt Nam (VMA) - đơn vị phối hợp tổ chức chặng đua F1 Việt Nam cho biết họ cũng từng có dự định đem MotoGP về Việt Nam nhưng chưa khả thi.

Lý do là đua xe môtô trong nước đang được quản lý bởi Liên đoàn Xe đạp - Môtô thể thao Việt Nam. Vì thế VMA không thể tự mình quyết định mà cần phải có được sự đồng thuận của các bên liên quan khác trong câu chuyện Việt Nam tổ chức MotoGP.

dua xe motoGP anh 5
Các giải đua xe môtô trong nước như VMRC đang được quản lý bởi Liên đoàn Xe đạp - Môtô thể thao Việt Nam.

Nói tóm lại, những cơ hội và tiềm năng để một chặng đua MotoGP diễn ra tại Việt Nam không phải là không có, và người hâm mộ có lý do để chờ đợi trong những năm tới.

Giải đua môtô trẻ em ở Thái Lan và những giấc mơ MotoGP

Việt Nam có 2 đại diện tham gia chặng 3 của giải đua Gufba Kids Racing Championships 2019. Đây là giải đua đào tạo cho các em nhỏ lớn lên tham gia vào MotoGP.

Hoàng Tuấn

Bạn có thể quan tâm