Hành trình của phim Việt ở phòng vé chính thức được nối dài cuối tuần qua, khi Rừng thế mạng công chiếu. Là phim nội đầu tiên ra mắt sau đợt giãn cách lịch sử năm 2021, tác phẩm của đạo diễn Trần Hữu Tấn đạt doanh thu khả quan trong bối cảnh nhiều địa phương còn đóng rạp. Con số 8 tỷ đồng sau bốn ngày đầu là đáng khích lệ nhưng chưa thể giúp hãng phim có lời.
Loạt phim Việt cạnh tranh dịp Tết
Năm 2022, nhiều bộ phim khác cũng chuẩn bị ra rạp. Song, với diễn biến dịch phức tạp ở Hà Nội và nhiều tỉnh thành, các nhà sản xuất còn mang tâm lý dè chừng. Dù chưa đầy tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, những phim dự định chiếu dịp này vẫn chưa quảng bá mạnh.
Trong số này có 1990 của đạo diễn Nhất Trung, quy tụ Lan Ngọc, Nhã Phương và Diễm My 9X. Tác phẩm từng định ra mắt vào tháng 4/2021 nhưng bất ngờ đổi lịch. Cuối cùng, ê-kíp ấn định ngày 1/2 (mùng Một Tết) năm nay là dịp công chiếu.
Với tên tuổi của dàn sao và đạo diễn, đây là một phim triển vọng ở phòng vé. Nếu vẫn quyết tâm ra mắt, tác phẩm này cần thêm một số hoạt động trong vài tuần tới để hâm nóng độ nhận diện.
Dàn sao nữ phim 1990. Ảnh: CGV. |
Cạnh tranh với 1990 trong dịp lễ là Chìa khóa trăm tỷ của đạo diễn Võ Thanh Hòa. Bộ phim quy tụ nhóm diễn viên của Chị Mười Ba: Ba ngày sinh tử là Thu Trang, Kiều Minh Tuấn và Anh Tú. Có thể thấy Chìa khóa trăm tỷ sẽ mang đến chất hài và hành động vốn đang được thị trường ưa chuộng. Ngoài ra, dịp Tết còn chứng kiến cuộc tái xuất của Trạng Tí, sau khi ngưng chiếu do rạp đóng cửa hồi tháng 4 năm ngoái.
Một dự án nhiều sao cũng đang ở trạng thái chờ là Bẫy ngọt ngào (đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư). Tác phẩm có Minh Hằng, Diệu Nhi, Bảo Anh, Quốc Trường phải dời lịch nhiều lần, gần nhất từng định ra ngày 31/12/2021 nhưng rồi rút lui. Chất tình cảm tâm lý của phim này khá phù hợp với đại chúng, nhưng phải dè chừng việc đổi lịch quá nhiều làm phim bị nguội.
Poster phim "Maika". |
Dịp 14/2, đang có một tác phẩm “giữ chỗ” là Chuyện ma gần nhà (của đạo diễn Rừng thế mạng Trần Hữu Tấn). Bộ phim kinh dị này khai thác chủ đề truyền thuyết đô thị, chuyện ma trong dân gian và dự kiến ra mắt ngày 11/2.
Đến tháng 3, Maika của đạo diễn Hàm Trần sẽ được phát hành. Tác phẩm nhận kỳ vọng sau khi được chọn công chiếu ở liên hoan phim quốc tế Sundance (Mỹ), một trong những sự kiện điện ảnh lớn nhất thế giới. Câu chuyện lấy cảm hứng từ Maika - Cô bé từ trên trời rơi xuống - phim truyền hình Tiệp Khắc. Trong phim, Hùng - một cậu bé đau khổ khi mất mẹ - tìm được niềm vui khi gặp gỡ Maika, cô bé đến từ hành tinh khác.
Những tác phẩm đầu tư kinh phí lớn
Hai “quả bom” lớn nhất của phòng vé năm nay có lẽ là Thanh Sói và Em và Trịnh. Thanh Sói của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân dự kiến ra mắt dịp 8/3. Ra đời sau thành công lớn của Hai Phượng (2019), tác phẩm sẽ khai thác cuộc đời nhân vật phản diện trong phim này. Với khả năng của mình, Ngô Thanh Vân luôn có cách biến các dự án hành động trở nên đặc biệt. Cái duyên của đả nữ vẫn sẽ là sức hút chính cho bộ phim này.
Em và Trịnh dự kiến công chiếu tháng 4 năm nay, được trông đợi do mức độ đầu tư lớn và tầm vóc nhân vật. Phim khai thác cuộc đời cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua nhiều giai đoạn, từ thời trẻ (Avin Lu đóng) đến lúc trung niên (Trần Lực đóng). Dàn sao nữ xinh đẹp, gồm Hoàng Hà, Lan Thy, Bùi Lan Hương, Salim cũng là điểm mạnh của dự án.
Nhân vật Dao Ánh trong phim Em và Trịnh. Ảnh: Galaxy. |
Trong loạt phim kinh phí cao còn 578: Phát đạn của kẻ điên. Tác phẩm này có hoa hậu H'Hen Niê tham gia, nội dung hành động và quy mô sản xuất lớn. Dù vậy, ê-kíp của đạo diễn Lương Đình Dũng chưa công bố ngày khởi chiếu phim.
Một số phim điện ảnh Việt còn chờ lịch ra mắt là Đêm tối rực rỡ (đạo diễn: Aaron Toronto), Người lắng nghe (Khoa Nguyễn), Vô diện sát nhân (Đinh Công Hiếu), Dân chơi không sợ con rơi (Huỳnh Đông).
Nhiều dự án đang ở khâu tiền kỳ hoặc ghi hình, như Nghề siêu dễ (remake từ phim Extreme Job của Hàn Quốc), Quỳnh hoa nhất dạ (kể về thái hậu Dương Vân Nga, Thanh Hằng đóng chính), Đất rừng phương nam (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng), Con Cám (đạo diễn Trần Hữu Tấn) hay phim về nhà tình báo huyền thoại Phạm Xuân Ẩn (Charlie Nguyễn). Mỗi tác phẩm này đều có lực hút riêng và tạo ra nhiều màu sắc cho điện ảnh Việt.
Nếu tất cả chúng có thể ra mắt đúng hẹn, tình hình phim Việt sẽ rất triển vọng. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất với các nhà phát hành và nhà sản xuất bây giờ là “bóng ma” Covid-19. Dịch bệnh khó lường khiến hệ thống chiếu bóng vẫn chưa thể hoạt động 100% công suất trên cả nước từ tháng 11. Khi một số tỉnh mở cửa, một số khác lại đóng. Đặc biệt là thủ đô Hà Nội, thị trường điện ảnh lớn thứ hai quốc gia, vẫn chưa thể tái kích hoạt.
Việc phát hành bây giờ, bên cạnh các khâu thông thường, còn mang tính may rủi khi phải tính đến dịch bệnh. Các hãng phim sẽ phải cân nhắc kỹ để ra mắt tác phẩm vào những dịp “cửa sổ” hiếm hoi, khi nhiều tỉnh thành mở rạp.
Nếu tình hình Covid-19 vẫn chưa khả quan, thị trường điện ảnh Việt sẽ lại giống hai năm qua: đầy biến động và khó có thể dự đoán chuẩn một bức tranh tổng thể.