Dương Khắc Linh: 'Tôi thấy Grammy gần lắm'
"Thanh Bùi có dịp cộng tác với những người trong top 20 nhạc sĩ hàng đầu thế giới. Một vài trong số họ cũng đã thắng giải Grammy và chúng tôi đã tìm hiểu kỹ đường đi nước bước, giờ chỉ chờ cơ hội để hợp tác với những người có đủ khả năng biến ước mơ đó thành sự thực", nhạc sĩ Việt kiều chia sẻ.
Nhạc sĩ Dương Khắc Linh |
Dương Khắc Linh có lẽ chưa bao giờ là một cái tên “hot” đối với các trang báo. Là một nghệ sĩ sáng tạo, Dương Khắc Linh chọn cách ẩn mình sau những khuông nhạc, âm thầm tạo dựng thành công của những bản hit. Nếu có ì xèo thì cũng là những câu chuyện chớp nhoáng gần đây liên quan tới cuộc sống riêng tư của anh và một cô ca sỹ nào đó. Tất nhiên, nhiêu đó không đủ che đi tài năng của nhạc sĩ Việt Kiều này. Và trong “tài năng” đó, có cả sự “điên rồ” nhất - mà khi thổ lộ ra Linh cũng nói với người đối diện: Đừng cười nhé!
Nhạc sĩ đang bị đối xử bất công
- Tư liệu về anh trên mạng thực sự không có nhiều. Anh có phiền giới thiệu đôi chút về bản thân mình như một cách bắt đầu buổi trò chuyện này?
- Bố mẹ tôi người gốc Phú Yên, sinh tôi ra tại Philippines, sau đó qua Hà Lan định cư. Nhà tôi có 4 anh chị em, tôi là cả, dưới tôi có 2 em trai và một em gái. Gia đình tôi sinh sống tại một thị trấn nhỏ cách thủ đô Amsterdam khoảng 30 phút chạy xe hơi. Bố mẹ tôi đều là người mê nhạc, từ hồi ở Việt Nam, bố đã khá nổi tiếng tại Phú Yên về tài đàn hát, mẹ cũng vậy nên tôi học piano từ năm 6 tuổi. Từng ước mơ sẽ trở thành một nghệ sĩ biểu diễn nhạc cổ điển nhưng đến năm 12 tuổi thì tôi nhận ra mình không hợp.
Tốt nghiệp cấp 3, tôi dự định vào một trường đại học về kinh doanh và sống một cuộc sống như những người khác tại cộng đồng châu Á bên đó. Bất ngờ, có một người bạn rủ tôi đi tìm hiểu về một trường đại học đào tạo nhạc sĩ và tôi thấy thích thú nên ghi danh học. Sau tốt nghiệp, tôi có tham gia làm việc tại một công ty ghi âm tại Hà Lan nhưng cũng không thực sự thành công. Mọi chuyện chỉ thành công với tôi tính từ 5 năm trước khi trở về Việt Nam.
- Về Việt Nam với anh mọi thứ suôn sẻ hơn cũng có nghĩa là anh kiếm được nhiều tiền hơn?
- Tôi không phủ nhận điều đó. Kiếm được nhiều tiền hơn so với hồi ở Hà Lan chứ không hẳn kiếm được rất nhiều tiền. Tôi nghĩ một phần vì tôi là người mới và một phần vì tôi được đào tạo bài bản ở nước ngoài, cùng với việc được làm việc trong môi trường nhiều điều mới nên khi về Việt Nam tôi như một làn gió mới lạ và cái lạ bao giờ chẳng “hấp dẫn”.
- Cũng qua câu chuyện của anh cho thấy ít nhiều sự “vọng ngoại” hoặc “vọng Việt Kiều” trong tâm lý của những người trong nước đã là “mảnh đất màu mỡ” cho những người như anh trở về, bởi có không ít nhạc sĩ cũng tài năng nhưng đường đi của họ chật vật lắm chứ không suôn sẻ được như anh.
- Tôi nghĩ mình khá may mắn khi vừa về nước đã được hợp tác cùng Đức Trí, được viết nhạc cho Hồ Ngọc Hà hát và nhanh chóng thành hit. Ngay cả bản thân ekip của tôi cũng có một cậu bé 17 tuổi rất giỏi, tự học mọi thứ và tôi nghĩ tương lai của cậu bé đó rất sáng lạn nhưng bây giờ thì chưa.
- Và đương nhiên, một nhạc sĩ như anh, trở về từ xứ sở nhiều điều mới lạ hơn nên giá cũng đắt hơn? Tôi được biết, nếu muốn mua 1 bài của anh là 2.000USD, đó là những cái giá quá cao so với mặt bằng trong nước.
- Tôi thì lại nghĩ ngược lại và tôi vẫn thường nói với các đồng nghiệp mà tôi biết rằng hãy tăng giá bán ca khúc lên. Họ đa phần từ chối chỉ bởi duy nhất chữ “ngại”. Họ ngại nói chuyện tiền bạc khi là nghệ sĩ. Nếu nói chúng tôi bán đắt thì hãy thử tính là mỗi ca khúc cho dù thành công đến mấy chúng tôi cũng chỉ có nhiêu đó tiền, được thêm tiền bản quyền nhạc chuông nhạc chờ và tiền sử dụng thu được từ trung tâm bản quyền. Chấm hết. Trong khi đó, nếu ca sĩ đi biểu diễn có tối được mấy chục triệu, ròng rã cả năm, có thể họ thu đến mấy trăm triệu nhưng chúng tôi cũng đâu có được đồng nào thêm đâu. Tôi thấy đó cũng là một sự bất công đó chứ.
- Nhưng họ mang lại danh tiếng cho anh và cũng từ đó nhiều người tìm đến với anh hơn, nhiều đơn đặt hàng hơn và anh cũng kiếm được thêm nhiều tiền hơn!
- Tôi không phủ nhận điều đó nhưng nó cũng sẽ dẫn đến một tình trạng là những người khác nhìn vào bản hit Xin hãy thứ tha của Hồ Ngọc Hà và đến với tôi yêu cầu viết những ca khúc có giai điêu na ná như vậy. Thực sự thì tôi không thích và không làm được như vậy. Tôi muốn được sáng tác và muốn được ghi nhận không bằng sự na ná đó.
Tôi muốn cộng tác cùng Duy Mạnh
- Anh nói đến sự bất công ở trên và ở dưới nói về sự na ná nhau, vây nhưng một bản hit cũng là điều ngoài mong đợi của anh trước khi về Việt Nam còn gì?
- Nếu bạn biết rằng, ở nước ngoài, họ sáng tác nhạc theo nhóm khoảng 3 đến 4 người. Mỗi người lo một việc và doanh thu cho nhóm sáng tác đó cũng được trích ra từ tiền bán đĩa, tiền biểu diễn, v.v… theo một tỉ lệ nào đó đã cam kết giữa hai bên. Nên đương nhiên là nếu ở nước ngoài, bạn có một bản hit cỡ như Lady Gaga thì bạn có thể yên tâm nghỉ hưu được rồi. Còn tại Việt Nam thì điều đó là không thể.
- Vậy anh mang ơn Hồ Ngọc Hà hay Đức Trí?
- Tôi nghĩ là cả hai. Đức Trí đã giới thiệu tôi đến với giới đồng nghiệp trong nước còn Hồ Ngọc Hà đã thể hiện tốt ca khúc tôi viết để mọi người biết đến nhiều hơn.
- Thế nhưng anh vẫn ra đi khỏi Music Faces ?
- Tôi nghỉ ở Music Faces hoàn toàn không có một chuyện gì khúc mắc hết, đơn giản là tôi nghĩ cũng đã đến lúc tôi cần được làm những gì thuộc về cá nhân mình, mình thích và mình muốn thể hiện nó. Quan hệ của tôi và Đức Trí vẫn tốt mà.
- Anh may mắn được hợp tác cùng Hồ Ngọc Hà để tên tuổi mình phổ biến nhanh hơn. Vậy có ca sĩ nào mà anh còn mong muốn được hợp tác nữa?
- Nói ra bạn đừng cười, người đó là Duy Mạnh. Tôi rất thích giọng hát đặc biệt của anh ấy, không lẫn vào đâu được. Tôi vẫn nghĩ rằng nếu tôi có cơ hội hợp tác cùng Duy Mạnh thì những sản phẩm sẽ có chất lượng tốt hơn nhưng vẫn giữ được “màu” của anh ấy. Tôi rất thích thú với ý nghĩ này.
- Tại sao lại là Duy Mạnh và anh đã từng liên hệ với anh ấy chưa?
- Thực sự là chưa. Đó mới chỉ là ý định của tôi từ khi về Việt Nam. Còn tôi chọn Duy Mạnh thì tôi thích giọng hát đặc biệt của anh ấy, thích những gì anh ấy đã làm, nó có một màu sắc riêng, không thể trộn lẫn giữa hàng trăm hàng nghìn giọng hát hiện nay.
Tôi sẽ làm việc cùng Girls Generation
- Lại là những sự so sánh thường thấy nhất ở mỗi Việt Kiều khi về Việt Nam làm việc. Anh ý thức được những sự khác nhau đó nhưng anh có ý thức được sự khác nhau từ hệ thống - nền tảng âm nhạc khác nhau giữa hai nền văn hóa không?
- Tôi chỉ đưa ra những thông tin mình biết chứ không nói rằng tôi cố gắng ép buộc mọi người phải làm như ở những nước khác. Đó là điều không thể. Còn ở khía cạnh bản thân tôi, nếu muốn thay đổi, tôi vươn ra các nước khác, đến Hàn Quốc và thực sự là tôi đã tiếp cận được với thị trường bên đó và đã có những tin hiệu khả quan với sự quan tâm của nhóm Girls Generation của họ. Bên cạnh đó, mục tiêu lớn hơn của tôi có thể là những thị trường xa hơn như Mỹ chẳng hạn.
- Cộng sự của anh, Thanh Bùi, đã từng tuyên bố muốn đoạt giải Grammy, còn anh thì sao?
- Chắc chắn đó cũng là một ước mơ của tôi. Grammy là một đỉnh cao của âm nhạc mà bất cứ ai tham gia vào giới này đều mơ ước có một lần chạm tay vào nó. Nói nghe tưởng xa vời nhưng thực sự khi đã nắm rõ được đường hướng đi thì tôi thấy Grammy cũng rất gần.
- Tôi hiểu đó là ước mơ nhưng mơ đến độ thấy nó “rất gần” thì nghe có vẻ hơi…hoang tưởng và mọi người chưa biết mình là ai để hoang tưởng đến như vậy?
- Thanh Bùi là người đã có dịp cộng tác với những người trong top 20 nhạc sĩ hàng đầu trên thế giới, một vài người trong số họ cũng đã thắng giải Grammy và đường đi nước bước chúng tôi cũng đã tìm hiểu kĩ, giờ chỉ chờ cơ hội để chúng tôi được hợp tác với những người có đủ khả năng để biến ước mơ đó thành sự thực. Bạn biết đó, khi đoạt giải Grammy là cả một ekip chứ không riêng gì người nghệ sĩ đó. Vậy nên tôi mới nói Grammy gần lắm là vì thế.
- Tôi thì lại cứ sợ rằng, đôi khi trong cách giao tiếp sự thân thiết bề mặt không có nghĩa là thân thiết thực sự, có khi nào sự “bề mặt” đó gieo ảo tưởng cho các anh không?
- Không, chúng tôi có những người bạn thân thực sự và có những người bạn thân vừa phải. Chúng tôi đủ tỉnh táo để biết chứ.
- Họ giỏi nhưng không có nghĩa là khi anh chơi cùng họ anh sẽ giỏi như họ?
- Tôi cho rằng đó là một quá trình học tập. Có thể khởi điểm mình chưa thực sự giỏi nhưng sau một quá trình thì cũng có thể mình sẽ khá hơn chứ.
May mắn vì chưa có con
- Anh vừa bước ra từ một cuộc hôn nhân đổ vỡ sau 5 năm chung sống. Điều gì khiến cho cuộc hôn nhân đến sớm và kết thúc sớm vậy thưa anh?
Đó là khi chúng tôi nhận ra rằng đã hết yêu nhau và quyết định chia tay để không ràng buộc nhau chứ không hẳn vì bất cứ một lí do nào cụ thể. Hôn nhân là vậy, đâu cần cứ phải A, B, C, D rõ ràng thì mới chia tay nhau được.
- Có một hiện tượng, một bài báo đã điểm danh đa phần các Việt Kiều về nước đều hôn nhân tan vỡ, anh nghĩ đó là một sự trùng hợp hay là một lí do nào khác?
- Tôi không quan tâm đời sống người khác. Còn với bản thân tôi thì tôi nghĩ chắc đó chỉ là thời điểm mà thôi.
- Quan hệ của anh và vợ cũ hiện nay ra sao?
- Vẫn tốt, chúng tôi coi nhau như những người bạn, vẫn gọi điện thoại hỏi thăm sức khỏe nhau thường xuyên và nếu cần vẫn có thể giúp đỡ nhau.
- Sự khác biệt văn hóa khi anh về nước có “đóng góp” gì vào sự đổ vỡ này không?
- Cũng có thể tính đó là một nguyên nhân cũng được vì từ khi về Việt Nam, tôi ngày càng “Việt hóa” hơn thì vợ cũ tôi lại không được như vậy. Sự xung khắc cứ đến từ đó, âm thầm âm thầm rạn nứt từ cách đây hơn 2 năm nhưng chính thức xong thủ tục thì chỉ cách đây vài tháng.
- Anh nghĩ rằng chuyện không có con là may mắn hay không may mắn khi chia tay nhau?
Tôi cho rằng đó là một sự may mắn bởi nếu có con mọi chuyện sẽ phức tạp hơn, sẽ níu kéo nhau hơn và sẽ cùng nhau đi một đoạn đường dài hơn để lúc nhìn lại mới thấy rằng hình như đoạn đường vừa qua mình tuy đi cùng nhau nhưng không cùng mục đích và tình yêu.
- Vậy còn hiện tại, anh đã có ai chưa?
- Chưa, chỉ có công việc mà thôi! (Cười)
Theo Phụ nữ chủ nhật