Nhà báo Lại Văn Sâm từng chia sẻ Đường lên đỉnh Olympia mang tới khát vọng tìm kiếm tài năng, hiền tài cho đất Việt. Những học sinh xuất sắc sẽ sang nước ngoài để được đào tạo trong các lĩnh vực khoa học. Họ được kỳ vọng đến một ngày thay đổi cuộc sống cho chính mình và cộng đồng.
Bắt đầu từ tháng 3/1999, Đường lên đỉnh Olympia hiện là chương trình có tuổi đời lớn nhất Đài truyền hình Việt Nam. Điều thú vị là tất cả thí sinh dự thi Olympia năm thứ 17 đều ít tuổi hơn cuộc thi này.
Kết thúc trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia diễn ra ngày 27/8, tân quán quân Phan Đăng Nhật Minh nhận 35.000 USD từ nhà tài trợ của chương trình và học bổng toàn phần của ĐH Kỹ thuật Swinburne, Australia.
Tuy nhiên, sau cuộc thi, Phan Đăng Nhật Minh cho biết cậu dự định hoàn thành chương trình THPT và tìm học bổng du học Mỹ. Bà Nguyễn Thị Gái - mẹ Nhật Minh - tiết lộ con trai sẽ học sâu về nghiên cứu.
Dù du học ở Australia hay Mỹ, có thể nói Đường lên đỉnh Olympia đã giúp nam sinh tiến đến ước mơ theo cách nhanh nhất.
Nhật Minh bày tỏ hành trình đến đỉnh vinh quang của Olympia giúp cậu thay đổi bản thân.
Từ người ít nói, lạnh lùng, Minh dần trở nên hòa đồng. Từ cậu bé chỉ biết đi học rồi trở về nhà đọc sách, tìm hiểu thông tin trên Internet, Nhật Minh bây giờ được nhiều người chú ý hơn, nhận "bão" lời mời kết bạn trên Facebook.
Chính chàng trai này cũng thay đổi quan niệm sống: "Không ai có thể sống mãi một mình".
Ngoài ra, cậu còn lọt vào danh sách đề cử nhân vật của năm, giải thưởng Ấn tượng VTV - VTV Awards 2017.
Giành vòng nguyệt quế, Phan Đăng Nhật Minh đạt được ước mơ từ nhỏ là mang cầu truyền hình trực tiếp về cho Hải Lăng, Quảng Trị.
Lên cấp 3, cậu quyết định học trường làng, vừa không bị áp lực học tập, vừa có thể trả nghĩa cho quê hương. Thực hiện được nguyện vọng, Olympia giúp Nhật Minh thúc đẩy bản thân tiến xa hơn nữa trên các chặng đường kế tiếp.
Mang theo tinh thần ấy, mỗi năm, Đường lên đỉnh Olympia lại ghi dấu những tên tuổi tài năng khi họ lần lượt giành vòng nguyệt quế tuần, tháng, quý và chung kết năm. Đã có 16 quán quân Olympia đăng quang, họ là thần tượng một thời của nhiều thế hệ đón xem chương trình này.
Lê Vũ Hoàng là quán quân gây ấn tượng nhất trong hành trình vươn lên giành vòng nguyệt quế.
Năm 2005, Vũ Hoàng tham dự Olympia trong hoàn cảnh éo le. Bốn lần cậu đi thi là 4 lần nhận tin mẹ ốm. Đến vòng chung kết, mẹ Hoàng phải mổ u não lần thứ hai.
Gạt nước mắt, cậu học trò Quảng Bình mang về vòng nguyệt quế vinh quang làm món quà quý giá tặng mẹ. May mắn sau cuộc thi chung kết năm, mẹ Hoàng đã được phẫu thuật thành công.
Năm 2005, khi chàng trai này dự thi, báo chí đăng tải hình ảnh cậu học trò gầy, đen nhẻm đứng bên căn nhà vách đất, mái tranh. Căn nhà chẳng có gì đáng giá ngoài mấy cuốn sách của anh em Hoàng.
Thầy Lê Văn Hùng - giáo viên chủ nhiệm Hoàng năm lớp 10 - kể: "Gia đình em làm nông nghiệp có 5 người. Hoàng là lao động chính trong gia đình vì mẹ hay đau ốm. Gia đình em thuộc diện rất nghèo, tôi thấy em khổ quá".
Khi Hoàng bước lên đỉnh vinh quang, không khí tại cầu truyền hình huyện Bố Trạch (Quảng Bình) như vỡ òa. Kết thúc có hậu cho sự vươn lên đầy nghị lực của cậu học trò là phần thưởng 35.000 USD và học bổng vào ĐH Kỹ thuật Swinburne, Australia.
Cũng năm ấy, Hội Chữ thập đỏ huyện Bố Trạch quyết định xây tặng gia đình Vũ Hoàng căn nhà tình nghĩa trị giá hơn 10 triệu đồng để nam sinh yên tâm du học.
12 năm trôi qua, Lê Vũ Hoàng đã hoàn thành chương trình tiến sĩ tại ĐH Kỹ thuật Swinburne, Australia. Anh lập gia đình vào tháng 2/2013, hiện có 2 con, sinh sống và làm việc ở đất nước chuột túi.
Tại đây, anh được đánh giá là người thành đạt. Một số quán quân Olympia sau này đã ở cùng gia đình anh khi học tại Swinburne như Hoàng Thế Anh (năm 13) và Nguyễn Trọng Nhân (năm 14).
Vũ Hoàng trở thành trở thành tấm gương sáng cho nhiều học sinh nghèo trên khắp cả nước với ước mơ chiếm lĩnh tri thức, từ quê nghèo vươn ra tầm thế giới.
Học bổng của Đường lên đỉnh Olympia trước tiên mang đến giá trị vật chất để Lê Vũ Hoàng du học, là cách nhanh nhất đến gần hơn với cuộc sống tốt đẹp. Đó là điều có lẽ cậu học trò nghèo này sẽ không thể thực hiện nếu không giành quán quân.
Phần thưởng không đổi của nhà tài trợ trong suốt 17 năm qua là 35.000 USD để phục vụ cho việc đi du học (nơi học do lựa chọn của thí sinh) và học bổng 100% tại Đại học Swinburne suốt 4 năm. Nếu thí sinh không đi du học sẽ không nhận được số tiền 35.000 USD.
Nói về điều này, Đỗ Lâm Hoàng - quán quân năm thứ 5 - thông tin học phí cho 4 năm học ở Australia khoảng 20.000-40.000 USD. Như vậy, với số tiền hỗ trợ và học phí mức cao nhất, mỗi quán quân Olympia nhận được 195.000 USD trong 4 năm (tương đương 4,5 tỷ đồng).
Lê Vũ Hoàng là trường hợp điển hình cho sự thay đổi cuộc sống từ Olympia. Không thể phủ nhận, các quán quân khác cũng có được tấm vé vào đời thêm tự tin sau khi đăng quang.
Trong số 16 quán quân, ngoài Đỗ Lâm Hoàng (năm thứ 5) ở TP.HCM và Phan Minh Đức (năm thứ 10) ở Hà Nội, các thí sinh khác đều sinh ra, lớn lên tại tỉnh lẻ.
Nhiều người không học trong hệ thống trường chuyên như Đỗ Lâm Hoàng (năm thứ 5), Phạm Thị Ngọc Oanh (năm thứ 11), Lê Vũ Hoàng (năm thứ 6), Đặng Thái Hoàng (năm thứ 12), Huỳnh Anh Vũ (năm thứ 8).
Sự thay đổi từ trường làng đến đại học nghiên cứu chuyên sâu hàng đầu thế giới - ĐH Kỹ thuật Swinburne - đã trao cho nhà vô địch chìa khóa mở cánh cửa diệu kỳ chinh phục tri thức. Nhờ bước đệm đó, với khả năng vốn có và sự vươn lên không ngừng nghỉ, quán quân Olympia giành nhiều thành tựu khi đi du học.
Trần Ngọc Minh (năm đầu tiên) được trao học bổng từ cử nhân lên tiến sĩ khi nằm trong top 5% của toàn trường. Huỳnh Anh Vũ (năm thứ 8) là một trong 2 sinh viên xuất sắc được giữ làm giảng viên ĐH Kỹ thuật Swinburne vào năm 2012.
Phan Minh Đức (năm thứ 10) có các môn học đều đạt giỏi (75-85/100 điểm) và xuất sắc (85-100/100 điểm). Anh làm trợ giảng từ năm thứ 2, được chuyển thẳng lên chương trình tiến sĩ sau khi kết thúc bằng cử nhân danh dự.
Nhà vô địch Phan Mạnh Tân (năm thứ 2) từng chia sẻ sự thay đổi có ảnh hưởng quyết định đến sự nghiệp. Cuộc sống của anh hiện nay xuất phát từ việc Đường lên đỉnh Olympia đem tới cơ hội sang Australia du học.
Hồ Ngọc Hân (quán quân năm thứ 9) tâm sự du học là ước mơ từ nhỏ của anh. Tuy nhiên, nếu không có Olympia, mong muốn này rất khó trở thành hiện thực.
Phạm Thị Ngọc Oanh (quán quân năm thứ 11) bày tỏ đi học xa nhà là bước ngoặt lớn trong cuộc đời cô, bởi được học tập ở đất nước phát triển, có cơ hội hiểu con người, văn hóa nước bạn để làm giàu cho chính mình.
Nhà vô địch Phan Minh Đức (năm thứ 10) kể giảng viên ĐH Kỹ thuật Swinburne luôn tạo cảm hứng cho sinh viên. Thư viện chính là nơi nghiên cứu và tự học tốt nhất.
Nguyễn Thành Vinh - á quân Đường lên đỉnh Olympia mùa đầu tiên, đã nỗ lực tự giành học bổng của chính phủ Australia - cũng bày tỏ môi trường học tập tại nước ngoài giúp anh có thể hiện thực hoá các ý tưởng của mình.
Giảng viên là những người luôn tin tưởng học trò. Ngay cả với suy nghĩ tưởng chừng như ngu xuẩn, điên rồ nhất, họ vẫn có thể tìm thấy sự thông minh, phát hiện có ích nào đó.
Năm 2016, trả lời báo chí, anh cũng cho hay ở nước ngoài, môi trường làm việc, đời sống an sinh, kiến thức xã hội… đều là những điều khám phá mới mẻ.
Anh được đam mê, sáng tạo, tuyển lựa những thế hệ sinh viên tiên tiến để truyền thụ. Những điều này khó có thể thực hiện tại Việt Nam.
Trong số 16 quán quân đã có 5 người lập gia đình, đang sống, làm việc tại Australia; 7 quán quân học cử nhân và tiến sĩ tại ĐH Kỹ thuật Swinbure. Duy nhất chỉ có Lương Phương Thảo (năm thứ 2) trở về nước sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, làm tại một công ty quảng cáo tại TP.HCM.
Không chỉ quán quân, nhiều thí sinh Olympia dự thi qua các năm vẫn tự tìm học bổng du học, sáng lập ra chương trình ý nghĩa có sức lan tỏa, thay đổi tích cực đến cộng đồng.
Lê Thị Quỳnh Nga - thí sinh dự thi năm thứ 5 - cùng anh Nguyễn Thanh Tùng đã sáng lập Olympians - nơi tư vấn du học, chuyên cung cấp thông tin học bổng và hỗ trợ xem hồ sơ miễn phí cho các bạn trẻ Việt Nam có ước muốn vươn ra thế giới.
Hoạt động này của cô đến từ sức lan tỏa của tinh thần Olympia - một trái tim rộng mở là biết cho đi.
Lê Trung Hiếu - thành viên thi Olympia năm thứ 8 - cùng các thành viên sáng lập cộng đồng phi lợi nhuận We Enjoy Learning English (WELE), nhằm hỗ trợ việc học tiếng Anh miễn phí qua website.
Đoàn Nguyễn Khánh Toàn - dự thi năm thứ 7 - sáng lập và điều phối dự án giáo dục phi lợi nhuận Nuituong Education Project. Dự án đã hoàn thành được một thư viện cộng đồng tại Núi Tượng, Tân Phú, Đồng Nai với mục đích hỗ trợ đào tạo tiếng Anh, sản phẩm công nghệ cho trẻ em, nông dân có cơ hội tiếp cận tri thức, khoa học công nghệ.
Lê Quang Minh - tham dự Olympia năm thứ 11, đang làm việc tại TP.HCM - cùng các thành viên khác sáng lập ra nhóm tình nguyện Ô-liu, có tới tới 70% thành viên từng là thí sinh Olympia. Đội tình nguyện đã có 3 mùa trải nghiệm tại huyện Tây Ninh, Đồng Nai và Ninh Thuận, thông qua các hoạt động hỗ trợ từ quyên góp tiền - hiện vật, bán hàng, đấu giá từ thiện, quyên góp hiện vật, tổ chức đêm nhạc…
Bảo Đại - tham gia Olympia năm thứ 16 - chia sẻ đội tình nguyện Ô-liu đã khiến cậu trưởng thành từ kinh nghiệm đáng giá, thêm những người bạn mới và trải nghiệm chưa bao giờ tiếp xúc trong cuộc đời.
Từng chia sẻ với Zing.vn, Nguyễn Quốc Khánh - thí sinh Olympia năm thứ 5, hiện là đại uý thuộc đội quân đa quốc gia của Liên Hợp Quốc - cho hay anh đã có không ít dấu mốc trưởng thành gắn liền bài học có được từ cuộc thi này.
Nhìn lại chặng đường đã qua, Đường lên đỉnh Olympia đã khiến cuộc sống của Quốc Khánh có những thay đổi tích cực về tinh thần cầu thị, niềm say mê học hỏi và cách vượt qua thử thách, thất bại.
"Tôi cảm thấy thật sự may mắn khi được là thành viên của sân chơi lớn với những thành viên tuyệt vời. Lúc được lan tỏa về thông điệp thành công từ Olympia, tôi có thêm động lực và tạo ra những thói quen tốt, bỏ thói quen xấu", 8X nói.