Ngày 4/4, kênh video của "giang hồ mạng" Dương Minh Tuyền bị YouTube hạ xuống do "vi phạm nhiều lần hoặc vi phạm nghiêm trọng chính sách của YouTube về bạo lực".
Tuy nhiên, chưa đầy một tháng sau, "thánh chửi" quê Bắc Ninh mở kênh mới có tên Tuyền Mốc, nhanh chóng thu hút 600.000 người đăng ký.
Tại đây, "giang hồ mạng" này tiếp tục làm video có nội dung phản cảm, bạo lực, mô tả đời sống giang hồ với các hình ảnh gây gổ, đánh nhau.
"Xử lý thanh niên láo toét thu tiền bảo kê của xe ôm ở bến xe", "Xử lý thanh niên ngang nhiên ăn cắp bánh trung thu giữa ban ngày" là tiêu đề của các video nổi bật trên kênh mới của Dương Minh Tuyền. Ảnh: FBNV, chụp màn hình. |
Đáng chú ý, trong các video, Dương Minh Tuyền tỏ vẻ "trượng nghĩa", giải quyết mọi chuyện bằng "nắm đấm" khi gặp trường hợp vi phạm pháp luật, thay vì báo công an.
Nhiều người dùng mạng tỏ ra bức xúc khi Dương Minh Tuyền bị xóa kênh video "bẩn" trước đó không lâu nhưng lại "ngựa quen đường cũ".
Trước Tuyền Mốc, HAYZOtv, Khá Bảnh... là các kênh thường xuyên đăng tải những video có nội dung bạo lực, giang hồ. Điểm chung về nội dung của các kênh này là tự nhận hành động của mình nhằm "hành hiệp trượng nghĩa".
"YouTube không kiểm soát được hay sao”, "Chế độ report lập ra là cho vui sao mà cả trăm nghìn người nhấn vào đó vẫn không có động thái gì" hay "YouTube tiếp tay cho mấy thành phần giang hồ".
Hàng loạt ý kiến được dân mạng đưa ra trước thực trạng kênh video bạo lực, giang hồ lộng hành đã cho thấy cốt lõi của vấn đề: YouTube thực sự bất lực trong việc kiểm soát nội dung "bẩn".
Google dung túng cho các kênh vi phạm nở rộ trên YouTube
Trong văn bản trả lời Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết các video, clip có nội dung xấu độc, vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam hầu hết nằm trong số 130.000 kênh do YouTube trực tiếp quản lý.
Các kênh thường xuyên đăng tải những nội dung bạo lực, nội dung ảnh hưởng xấu tới trẻ em điển hình như kênh YouTube Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền - 2 đối tượng đã bị cơ quan công an bắt giữ vì vi phạm pháp luật.
Google cho phép chủ các kênh video vi phạm đăng lại nội dung đã gỡ và sử dụng tính năng “gợi ý nội dung” để tiếp tục quảng bá, phát tán nội dung xấu độc trên YouTube. Ảnh cắt từ clip. |
Theo nhà báo tự do Chris Stokel-Walker, YouTube nắm rõ việc các video có nội dung "bẩn" lan tràn trên nền tảng này. Tuy nhiên, những nhà điều hành YouTube có xu hướng bỏ qua các vấn đề trên cho đến khi báo giới phát hiện và dư luận phẫn nộ.
Trong cuộc khảo sát được thực hiện riêng cho cuốn YouTubers của nhà báo này, 3/4 người được hỏi cho rằng YouTube có một phần hoặc toàn bộ trách nhiệm đối với các video được lưu trữ trên nền tảng của mình. Và gần như YouTube không làm hết trách nhiệm.
Các nhà điều hành YouTube có xu hướng bỏ qua các vấn đề trên cho đến khi báo giới phát hiện và dư luận phẫn nộ. |
YouTube thu lợi nhờ khuyến khích nội dung gây sốc trên mạng
Tại một hội nghị diễn ra ở San Francisco, Mỹ hồi tháng 2 vừa qua, CEO YouTube Susan Wojcicki liên tục bị chất vấn về sự thất bại của nền tảng này trong việc kiểm soát nội dung nguy hiểm tránh xa trẻ em.
Theo báo cáo hồi đầu năm nay, video mô tả cách tự tử nhắm vào trẻ em chỉ là một trong danh sách dài các nội dung "bẩn" gây khó chịu trên YouTube.
Cũng trong hội nghị này, một nhân vật tên Swisher than thở rằng con trai trong độ tuổi teen của cô đã tiếp cận lời tuyên truyền của chủ nghĩa phát xít mới sau vài cú nhấp chuột trên YouTube.
"Tôi đã nói: 'Tôi sẽ giết Susan Wojcicki'. Có cảm giác như tất cả công ty công nghệ đã xây dựng nên thành phố xinh đẹp này, nhưng không tạo ra lực lượng cảnh sát, cứu hỏa, vệ sinh môi trường".
Swisher chất vấn các công ty công nghệ liệu có ý thức về mớ rắc rối mà họ đang tạo ra và có quy định để đối phó với chúng?
Thử thách tự sát Momo bị chèn vào các video tưởng chừng vô hại dành cho trẻ em. |
Sau nhiều lần gây tranh cãi, YouTube cho biết sẽ thay đổi thuật toán để đề xuất ít nội dung "bẩn", có thể gây hại.
"Google đã cam kết có 10.000 người xử lý nội dung gây tranh cãi. Chúng tôi đã tạo ra sự khác biệt lớn và sẽ tiếp tục", CEO YouTube Susan Wojcicki nói.
Tuy nhiên, theo Becca Lewis - nhà nghiên cứu tại Đại học Stanford (Mỹ), chuyên gia về Dữ liệu và Xã hội, vấn đề này được "chỉ mặt đặt tên" từ lâu nhưng chưa dứt điểm.
Nhà nghiên cứu chỉ ra YouTube kiếm tiền từ sự ảnh hưởng đối với mọi người, bất kể kênh mà họ tin tưởng có hại ra sao.
Trong những năm gần đây, nền tảng video này và công ty mẹ của nó chấp nhận các nội dung phân biệt chủng tộc, khủng bố, bạo lực và nội dung không phù hợp với trẻ em - bao gồm hướng dẫn cách tự tử được lồng vào các video gắn mác thân thiện với trẻ em - trong nhiều trường hợp nhằm thu về tiền quảng cáo.
YouTube cũng thu lợi nhuận trực tiếp từ các tính năng khuyến khích nội dung gây sốc trên mạng.
"Các công ty công nghệ gặp vấn đề về kiểm duyệt nội dung mà cơ bản vượt quá khả năng xử lý của họ. Các ưu đãi tài chính đang vận hành nhằm ưu tiên nội dung và kiếm tiền hơn”, Lewis nói với Washington Post.