Dương Ngọc Thái: 'Làm liveshow lúc nào cũng lỗ te tua'
Nam ca sĩ "Gọi đò" chia sẻ những khó khăn trong việc tổ chức các chương trình ca nhạc ở thời kỳ "bão giá" và anh cũng khẳng định, chuyện lỗ là bình thường và các nghệ sĩ làm chương trình với mục đích làm mới bản thân, phục vụ người xem.
>> Dương Ngọc Thái làm 'bầu' đội bóng
>> Dương Ngọc Thái tặng quà tết cho người nghèo
>> Dương Ngọc Thái: 'Tôi còn mắc nợ chính mình'
- Nhiều người nói rằng con đường âm nhạc của anh thẳng tắp, ít gặp những chông gai và cũng thành mờ nhạt. Anh nghĩ sao về nhận xét này?
- Tôi cũng giống như bao nhiêu người khác khi mới vào nghề lúc nào cũng gặp rất nhiều khó khăn. Tôi còn nhớ, sau khi tốt nghiệp cử nhân thanh nhạc năm 2002, tôi xin đi hát mọi nơi dù đồng lương lúc ấy rất ít ỏi. Tôi bắt đầu thực hiện album đầu tay của mình nhưng cũng rất nhiều khó khăn, nhiều lần tôi muốn bỏ nghề.
Chính niềm đam mê ca hát không bao giờ tắt và cứ thôi thúc đã giúp tôi có thêm động lực để làm tất cả mọi thứ và đã may mắn chiếm được một chỗ đứng “nho nhỏ” trong lòng khán giả.
- Ca sĩ trẻ ngày nay thường thể hiện sự biến hóa đa năng khi thay đổi qua nhiều thể loại âm nhạc như dance, pop ballad, R&B... Còn anh vẫn mãi chung thủy với chất nhạc trữ tình. Điều gì khiến anh chọn lựa hướng đi này?
- Khi còn học ở trường nhạc, tôi từng được đào tạo và rèn luyện qua tất cả các thể loại âm nhạc, từ nhạc trẻ, thính phòng đến dân ca, trữ tình… Nhưng khi tốt nghiệp tôi chọn cho mình dòng nhạc quê hương trữ tình để phát triển vì tôi thấy mình rất hợp với dòng nhạc này. Hơn nữa, tôi còn hát bằng tình yêu quê hương của một người con miền Trung.
Có một thời gian tôi cũng thử hát nhạc trẻ, thậm chí còn thực hiện cho mình một album chung với Vĩnh Thuyên Kim. Tôi thấy album đó cũng được rất nhiều khán giả đón nhận, nhưng trong thâm tâm tôi cảm thấy mình không hợp với dòng nhạc này. Tôi đã quyết định dừng lại và dành thời gian tập trung vào việc phát triển dòng nhạc quê hương. Sự cố gắng và tâm huyết của tôi dành cho dòng này này cũng đã sinh hoa kết trái với những giải thưởng mà tôi nhận được hay lượng khán giả yêu mến.
- Vài năm nay xuất hiện trào lưa ca sĩ quay lại, chọn nhạc trữ tình để thể hiện và ra album để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của khán giả yêu nhạc. Trong khi đó, dù là ca sĩ “chuyên trị” thể loại này, nhưng anh lại hơi "ngủ đông" khi không ra bất kỳ album mới nào. Anh nghĩ giọng hát mình không đủ độ nóng” để làm hay vì lý do sợ thua lỗ?
- Nếu giọng hát của tôi không đủ độ nóng thì tôi không có được vị trí như ngày hôm nay. Còn nếu sợ bị thua lỗ thì thử hỏi ra album trong thời buổi này liệu có ca sĩ nào dám nói là mình không bị lỗ hay không.
- Có khi nào anh chán dòng nhạc trữ tình muốn chuyển hướng sang dòng nhạc khác?
- Tôi rất tự hào khi khán giả nhắc đến Dương Ngọc Thái là nhắc đến Gọi đò và không có cớ gì mà chán để chuyển hướng sang một dòng nhạc khác cả. Hơn nữa, cái gì thuộc về sở trường thì chỉ có phát huy chứ không thể từ bỏ.
- Những thành công ban đầu mà anh gặt hái được với dòng nhạc này rất đáng kể. Theo anh đó là bước khởi đầu hay đỉnh cao của sự nghiệp? Có khi nào anh thấy trăn trở mình phải lựa chọn giữa hai "người tình" trữ tình và nhạc trẻ khi nhìn thấy những đồng nghiệp cuồng nhiệt trên sân khấu cùng những ca khúc trẻ trung, sôi động?
- Tôi được khán giả đón nhận kể từ sau liveshow đầu tiên, tôi đã không ỷ lại và biết mình cần phải cố gắng nhiều hơn nữa mới mong gặt hái được những thành công. Đây cũng là động lực giúp tôi cố gắng làm mới mình và tiếp tục trau dồi giọng hát của mình hơn nữa. Với những gì đã đạt được tôi nghĩ mình đang ở giai đoạn khởi đầu chứ chưa phải là đỉnh cao của sự nghiệp. Tôi còn nhiều thứ phải làm để tên tuổi Dương Ngọc Thái sống mãi trong tâm trí khán giả nghe nhạc.
- Cảm xúc của anh khi lần đầu tiên hát nhạc trữ tình?
- Thú thật mà nói lần đầu hát nhạc trữ tình tôi cảm thấy rất khó. Nhiều khi cảm bài hát rồi mình còn biết cách xử lý bài hát như thế nào, chỗ nào mình cần luyến và chỗ nào không, còn lúc đầu, tôi rất bỡ ngỡ về cách luyến láy của mình. Tôi hát đoạn nào cũng luyến và bị rung chữ không đều vào câu cuối. May mắn là tôi được chị Hương Lan chỉ dẫn. Sau một thời gian cố gắng luyện tập, bây giờ tôi đã thành công.
- Được biết anh đang ấp ủ sẽ thực hiện tiếp liveshow "Một thoáng quê hương". Trong khi có những ca sĩ phải mất 15 năm hay thậm chí 50 năm mới thực hiện một liveshow thì anh lại liên tiếp tổ chức những chương trình riêng. Phải chăng anh dư tiền?
- Tôi không dư tiền để liên tục tổ chức liveshow. Là ca sĩ, ai cũng muốn có thật nhiều khán giả đón nhận thì bắt buộc phải có những sản phẩm mới để phục vụ khán giả. Nếu mình chỉ làm một lần và nhận được sự ủng hộ của khán giả mà không thực hiện nữa, chỉ lo đi kiếm tiền, thì từ từ khán giả cũng sẽ lãng quên thôi.
Hơn nữa, tôi luôn mong muốn mình đem đến những món ăn tinh thần mới cho khán giả, một phần tôi không muốn phụ lòng khán giả đã yêu thương mình, phần khác tôi muốn khoe những “đứa con tinh thần" của mình. Mặc dù liveshow nào tôi cũng lỗ te tua, xơ mướp.
- Đối với anh điều gì đọng lại trong anh sau 3 liveshow vừa qua? Có ý kiến cho rằng dù anh có làm 5 hay 10 liveshow thì cũng chỉ có một tông màu mà thôi, liệu có sự thay đổi nào diễn ra trong đêm diễn sắp tới?
- Đó là sự yêu thương của khán giả dành cho mình, còn về màu sắc của mỗi liveshow thì hoàn toàn khác nhau chỉ giống có một điều duy nhất đó là dòng nhạc của tôi thể hiện. Đối với tôi, mỗi khi bắt tay vào việc thực hiện liveshow, tôi đều có những tiết mục "đinh" dành cho chương trình và đằng sau tôi luôn có một “quân sư” mà (cười).
- Chứng kiến nhiều ca sĩ làm liveshow về dòng nhạc quê hương và không khó để nhận thấy một điều là khán giả không đông. Nguyên nhân nào có thể giải thích cho thực trạng u ám này?
- Tôi nghĩ ở bất cứ dòng nhạc nào cũng vậy, khi mình thực hiện chương trình mà không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung lẫn hình thức cộng thêm một chút chiêu trò thì chương trình đó sẽ thất bại. Nếu mình làm không tốt, khán giả chỉ đến xem một lần và sẽ không xem những lần sau nữa. Điều này vô hình mình đã giết chết chính mình.
Bạn cứ nhìn vào những chương trình liveshow trước của tôi thì biết. Tôi đầu tư về mọi mặt cho show diễn từ sân khấu, âm thanh, ánh sáng đến cả ca sĩ khách mời và nội dung chương trình… Tất cả mọi khâu đều khác nhau và ngày càng hoành tráng thì mới lôi kéo khán giả đến với mình. Tôi rất mừng vì những chương trình của tôi đều được khán giả ủng hộ rất nhiều.
- Anh nghĩ gì khi đa phần khán giả thích dòng nhạc trữ tình là ở độ tuổi trung niên còn khán giả trẻ thì rất ít. Phải chăng là do ảnh hưởng quá lớn của dòng nhạc trẻ hay do sự kế thừa của lớp trẻ không có?
- Đúng vậy, dòng nhạc của tôi đa phần là khán giả trung niên. Nhưng tôi rất mừng vì thị trường ca nhạc bây giờ dòng nhạc quê hương được rất nhiều các bạn trẻ đón nhận. Đây là tín hiệu vui, một minh chứng cho một dòng nhạc tưởng chừng như đã lãng quên đối với các bạn trẻ nay đã hồi sinh.
- Công bằng mà nói “kho nhạc” trữ tình không có nhiều ca khúc mới mà thường là những ca khúc cũ được “nhai đi nhai lại”, chỉ khác ở phần ca sĩ thể hiện mà thôi. Anh nhận xét về điều này ra sao?
- Bao giờ cũng vậy, có những ca khúc hay thì thường được “nhai đi nhai lại” với những mác ca sĩ khác nhau. Tuy nhiên, nếu cùng một ca khúc mà ngày càng có nhiều ca sĩ thể hiện thì chắc chắn dễ làm cho khán giả nhàm chán.
Riêng dòng nhạc trữ tình thì ngược lại, với những ca từ sâu sắc gần gũi dễ đi vào lòng người thì càng nghe lại càng thấy hay. Về cá nhân tôi, ngoài ngoài phần thể hiện xử lý những ca khúc bất hủ hay thể hiện những ca khúc mới, tôi còn tập tành sáng tác những bài hát riêng phù hợp với giọng hát cho mình. Điển hình là trong liveshow lần 3 vừa rồi tôi toàn trình bày những ca khúc mới để gửi đến khán giả thân thương của mình.
- Khi xem một chương trình toàn nhạc sến, khán giả thường bị rơi vào cảm giác nhàm chán dù ánh sáng và trang trí sân khấu đẹp, trong khi các chương trình nhạc trẻ lại tưng bừng với các chiêu trò. Những lúc đó, anh thường làm gì để tránh tình trạng ru ngủ người xem?
- Dòng nhạc nào cũng vậy, nếu mình không có sự đầu tư về mặt ý tưởng và nội dung xuyên suốt chương trình thì sẽ làm khán giả nhàm chán. Riêng tôi, tuy hát dòng nhạc buồn nhưng tôi biết cách đầu tư nghiêm túc cho từng tiết mục của mình về nội dung, hình thức lẫn sân khấu để thu hút người xem đến những giây phút cuối cùng. Đó là điều đã được kiểm chứng trong những liveshow trước đây của tôi.
- Anh đang xây dựng "Một thoáng quê hương" thành thương hiệu riêng cho mình?
- Đúng rồi, Một thoáng quê hương là chủ đề gắn bó với tôi suốt trong thời gian qua, là một phần không thiếu đối với tôi. Chính vì thế, tôi muốn xây dựng chúng trở thành một thương hiệu cho riêng tôi để khi nhắc đến Dương Ngọc Thái là nhắc đến Một thoáng quê hương.
LÊ TUẤN – LỮ
Theo Infornet.vn