Ít ai biết rằng Lamborghini từng lâm vào tình cảnh khó khăn và bị bán cho nhóm các nhà đầu tư Indonesia. Từ hãng máy cày, Lamborghini trở thành thương hiệu đáng khao khát nhất.
Trong “liên hợp quốc” các nhà sản xuất siêu xe, Lamborghini không chỉ là một thành viên bình thường, mà còn có thể coi là thành viên thường trực của “Hội đồng Bảo an”. Suốt 50 năm qua, Lamborghini đã khẳng định mình là một thương hiệu đáng được khao khát và tôn trọng nhất trong ngành công nghiệp ôtô. Giống như Ferrari, các chuyên gia về siêu xe của Sant'Agata đã có khởi đầu không thành công và sống sót qua những biến cố lớn về tài chính.
Trong lịch sử phát triển, Lamborghini đã đem đến cho thế giới những chiếc xe hơi “điên rồ” và mang tính biểu tượng nhất trong ngành công nghiệp. Đối với hầu hết mọi người, những chiếc xe này là những gì họ nghĩ đến khi đề cập tới tên Lamborghini, nhưng điều đó không phải là tất cả.
Sau Thế chiến thứ II, Ferruccio Lamborghini đã đạt thành công lớn trong việc chế tạo thiết bị nông nghiệp để hồi phục châu Âu. Kết quả, doanh nhân giàu có này đủ tiền mua những chiếc xe thể thao tốt nhất trên toàn châu Âu. Vậy, từ một công ty sản xuất máy kéo nông nghiệp, Lamborghini đã trở thành huyền thoại trong thế giới siêu xe như thế nào?
Có một câu chuyện rằng Ferruccio Lamborghini quyết định xây dựng hãng xe cho riêng mình sau khi than phiền với Enzo Ferrari về những điểm chưa hoàn hảo trên Ferrari và nhận những câu chửi rủa thậm tệ từ ông chủ hãng xe ngựa chồm.
Một phiên bản khác về con đường hình thành Lamborghini kể rằng ông chủ Lamborghini nhận thấy lợi nhuận béo bở trong phân khúc xe thể thao nên quyết tâm cạnh tranh lại người đồng hương.
Lamborghini sử dụng biểu tượng con bò tót làm logo công ty. Hầu hết tên xe của hãng đều được đặt theo tên những chú bò tót dũng mãnh nhất.
Hãng xe thể thao Lamborghini ra mắt năm 1963 và giới thiệu mẫu 350GT ngay sau đó. Phiên bản 350 GTS convertible sản xuất số lượng hạn chế cũng xuất hiện ít lâu sau.
Để tạo ra thân xe 350 tuyệt đẹp, Lamborghini đã thuê các nhà thiết kế tại Carrozzeria Touring ở Milan. Đây là studio thiết kế nổi tiếng thời bấy giờ, có nhiều mẫu xe được ưa chuộng.
Xưởng thiết kế này cũng là nơi chắp bút cho chiếc BB5 mang tính biểu tượng của Aston Martin (xuất hiện trong phim James Bond). Đó là lý do xe Lamborghini và Aston Martin thời bấy giờ có nhiều điểm tương đồng. Công ty này cũng thiết kế cho đối thủ của Lamborghini là chiếc Ferrari 166.
Lamborghini cần thiết kế và chế tạo động cơ cho riêng mình để trang bị trên chiếc xe thể thao đầu tiên. Để tạo được động cơ này, Lamborghini đã chiêu mộ người đứng đầu mảng phát triển xe Ferrari, Giotto Bizzarrini. Thời làm việc cho Ferrari, Bizzarrini là người giám sát việc phát triển những chiếc siêu xe huyền thoại như 250 GTO. Động cơ 3.5 lít, V12 do Bizzarrini thiết kế là một nền tảng tuyệt vời để Lamborghini tiếp tục cải tiến và xây dựng nên những thế hệ động cơ hiện đại sau này.
Qua nhiều thập kỷ, động cơ Bizzarrini trở nên lớn hơn, mạnh mẽ hơn, tinh tế hơn và nhiều công nghệ tiên tiến. Lamborghini đã sử dụng các phiên bản khác của động cơ Bizzarrini trên Murciélago, sản phẩm mới ngừng sản xuất năm 2010.
Lamborghini Miura là một trong những mẫu xe rất thành công của hãng. Được xem là siêu xe thực sự đầu tiên, Miura được đặt tên theo những con bò đực chiến đấu được chăn nuôi tại trại bò Miura ở Seville, Tây Ban Nha. Miura ra mắt tại Geneva Motor Show năm 1966 và gây choáng váng đối với những người tham quan bởi kiểu dáng như đến từ tương lai. Chiếc xe nổi bật với thiết kế mà công chúng chưa bao giờ thấy.
Hình dạng kỳ lạ của "chú bò" này được tạo nên bởi Marcello Gandini (công ty thiết kế Bertone). Đây là chiếc xe đầu tiên trong số những chiếc xe mang phong cách Gandini thiết kế cho Lamborghini. Giống những chiếc xe khác của công ty từng được giới thiệu, Miura được trang bị động cơ Bizzarrini V12. Lần này, cỗ máy được đặt ở giữa, ngay sau người lái. Đây là cách bố trí khá lạ thời điểm đó bởi nó ngược với cách lắp động cơ phía trước thông thường.
Ngay cả khi đã phổ biến, Miura vẫn không cứu được Lamborghini trong cơn bão tài chính. Vào năm 1972, Lamborghini buộc phải bán hãng xe cho một nhóm người Thuỵ Sĩ. Sau khi Ferruccio rời công ty, Lamborghini đã đổi chủ nhiều lần, thậm chí bị nhà cầm quyền phong toả tài sản trước khi được Chrysler mua vào năm 1987.
Trong thời gian đó, công ty phát hành một số model, chẳng hạn Espada và chiếc Urraco bốn chỗ nhưng không tạo được tiếng vang.
Giữa năm 1974, Lamborghini giới thiệu Countach, mẫu xe kỳ lạ với cánh cửa bật ngược, sau này trở thành biểu tượng của thương hiệu. Countach là một từ tiếng Italy, tạm dịch là “Bò thần”. Để tạo ra chiếc Countach, Lamborghini đã sử dụng công thức làm nên thành công của Miura. Động cơ mới là phiên bản lớn hơn và mạnh mẽ hơn so với thiết kế Bizzarrini V12 từ nhiều năm trước. Và thân xe lại được thiết kế bởi Gandini.
Trong 15 năm tiếp theo, Countach trở thành vũ khí giúp Lamborghini cạnh tranh với Ferrari trong các showroom cao cấp trên toàn thế giới. Ở một số khía cạnh, Countach đã thắng thế so với đối thủ. Countach trở thành biểu tượng một thời của Lamborghini, thậm chí 40 năm sau khi ra mắt, mẫu xe này vẫn được những người đam mê sưu tầm.
Nhưng những đối thủ của Lamborghini cũng cải tiến không ngừng, chẳng hạn Ferrari cho ra mắt mẫu F40 đạt vận tốc tối đa lên tới 323 km/h. Kết quả là Lamborghini Diablo có thể đạt vận tốc tối đa 325 km/h. Diablo cũng là tên một con bò chiến đấu trong một cuộc chiến sinh tử kéo dài nhiều giờ đồng hồ vào năm 1869.
Với sự thành công của Miura và Countach, Lamborghini trở lại với vinh quang ban đầu. Một lần nữa, Lamborghini lại nâng cấp động cơ V12 của Bizzarrini. Thân xe vẫn được Marcello Gandini thiết kế. Với Ferruccio Lamborghini, Diablo là model cuối cùng ông được trải nghiệm trước khi ông qua đời vào năm 1993 ở tuổi 76.
Mặc dù Lamborghini trải qua một thời kỳ hồi phục tài chính ngắn dưới thời thuộc sở hữu của Chrysler nhưng nó không thể kéo dài. Năm 1993, Chrysler lại bán công ty cho một nhóm các nhà đầu tư Indonesia. Năm 1998, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á đã buộc nhóm nhà đầu tư này đưa Lamborghini trở lại thị trường. Thương hiệu Audi của tập đoàn Volkswagen đã mua lại công ty.
Trước khi nhà sản xuất xe hơi cao cấp của Đức mua Lambo, Giám đốc điều hành Audi đã xin phép ông chủ tập đoàn Volkswagen Ferdinand Piech. Piech là hậu duệ của người sáng lập Porsche (Ferdinand Porsche) nói rằng ông không thể ủng hộ thương vụ này vì sẽ khiến gia đình mình tức giận. Nhưng cuối năm 1998, Audi vẫn mua lại Lamborghini với giá 111 triệu USD. Năm 2001, sau khi về tay Audi, Lamborghini giới thiệu Murcielago, người kế nhiệm Diablo.
Murcielago được đặt tên theo một con bò chiến bị đâm bởi 24 nhát nhưng vẫn sống sót. Cái tên này cũng thầm gửi một thông điệp tới đối thủ của công ty ở xứ Maranello. Murcielago được thiết kế bởi đội ngũ của Lambo, dưới sự giám sát của Luc Donckerwolke. Một lần nữa động cơ V12 Bizzarrini lại có mặt. Murcielago LP 670-4 SuperVeloce trở thành chiếc xe mạnh mẽ nhất trong lịch sử hãng nhờ công suất 660 mã lực.
Năm 2004, Lamborghini bổ sung thêm Gallardo vào danh mục sản phẩm. Chiếc xe đã trở thành model bán chạy nhất trong lịch sử công ty. Gallardo cũng được đặt tên theo một con bò đực. Động cơ V10 được sử dụng thay cho máy V12.
Năm 2005, Stephan Winkelmann đảm nhiệm vị trí cao nhất tại Lambo với tư cách là Chủ tịch và Giám đốc điều hành của công ty. Năm 2011, Lamborghini giới thiệu chiếc Aventador hoàn toàn mới. Đây là mẫu xe đầu tiên ra đời dưới thời Winkelmann. Aventador là chiếc xe đầu tiên sử dụng động cơ V12 không mang thiết kế Bizzarrini V12. Xe có thể đạt vận tốc tối đa 350 km/h.
Năm 2014, Lamborghini giới thiệu Huracan, thế hệ kế tiếp của Gallardo. Giống Gallardo, Huracan cũng được trang bị động cơ V10. Năm 2016, Winkelmann rời công ty. Thay thế vị trí của ông là cựu Chủ tịch Ferrari, Formo One Stefano Domenicali.
Cuối năm 2017, Lamborghini giới thiệu chiếc SUV Urus hoàn toàn mới. Với vận tốc tối đa lên tới 306 km/h, Urus là SUV nhanh nhất thế giới. Urus là chiếc xe off-road đầu tiên trong thời hiện đại của Lamborghini, kể từ khi LM002 ngừng sản xuất năm 1980. Chiếc Urus rất khác so với đàn anh xuất hiện cách đây gần 4 thập kỷ. Lamborghini đang có nguồn tài chính ổn định, và đó là điều kiện cần để những con người thiên tài có máu “điên” sáng tạo nên những chiếc siêu xe cực ngầu.
Với động cơ V8 Twin-Turbo công suất cực đại 650 mã lực, Lamborghini Urus có thể đạt vận tốc tối đa 305 km/h, soán ngôi SUV nhanh nhất thế giới của Bentley Bentayga.