Dương Thuỳ Linh từng bị người đồng tính theo đuổi
Nhân nói về vai diễn đầu tay Kat Trần, một lesbian trong 'Phía cuối cầu vồng', Hoa hậu thân thiện kể, bản thân cô từng bị một người đồng tính nữ theo đuổi.
>>Dương Thùy Linh stress vì cảnh nóng trong 'Phía cuối cầu vồng'
Sợ sự cạnh tranh ghê gớm và những áp lực trong nghề mẫu
- Đi làm người mẫu những năm 16, 17, dấn thân vào giới showbiz vốn nhiều thị phi từ sớm, chị giữ gìn hình ảnh của mình ra sao, để cho đến hôm nay tận hưởng hạnh phúc ngọt ngào của một người đẹp “sạch” scandal?
- Linh đi làm người mẫu sớm, từ năm 16 tuổi, khi còn du học bên Singapore. Linh trở về VN năm 2004, lúc đó 21 tuổi rồi. Nghề người mẫu phức tạp ai cũng biết, tuy nhiên, may mắn cho Linh, thời điểm non nớt nhất bước vào nghề thì môi trường người mẫu lại rất "sạch". Hơn nữa, ở Singapore, Linh chỉ là người nước ngoài sang du học, nên không có quá nhiều mối quan hệ để bị cám dỗ.
Về Việt Nam, sau cuộc thi Siêu mẫu toàn quốc năm 2004, Linh ngừng hẳn công việc người mẫu. Điều này không phải bắt nguồn do công việc có quá nhiều cám dỗ mà thực tế, Linh thấy, các người mẫu VN làm việc khá vất vả mà thu nhập không cao. Vì vậy, Linh quyết định chuyển sang nghề MC, môi trường làm việc công chức hơn một chút, khởi nguồn là ở VTC3, sau đó chuyển sang VTC1.
Sau khi giành giải thưởng Hoa hậu thân thiện tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ VN 2008, cùng một thời gian làm MC, Linh tiếp xúc nhiều hơn với giới nghệ thuật miền Nam và biết thế nào là sự hào nhoáng, dễ đánh mất mình của giới showbiz. May mắn, lúc này, Linh 25 tuổi, đã có một sự từng trải nhất định, hoàn toàn biết mình cần gì vào thời điểm đó, nên không cảm thấy chới với nữa. Tất nhiên, đôi lúc Linh bối rối đứng trước ngã ba đường nhưng chưa bao giờ đi chệch một số quy tắc bản thân đề ra.
- Đó là những quy tắc như thế nào? Từ đó đến nay, chị vẫn làm theo quy tắc này chứ?
- Quy tắc của Linh đơn giản thôi! Đó là sống biết giữ gìn cho bố mẹ và làm gương cho em trai. Bản thân đừng làm những việc mà về sau cảm thấy hối tiếc và ảnh hưởng tới cuộc sống người khác. Thứ nữa là không làm trái lương tâm.
Đề ra quy tắc là vậy, nhưng trong cuộc sống, chẳng ai tự hào vỗ ngực nói rằng không phạm sai lầm nào, không làm người khác đau khổ cả! Con người làm sao trưởng thành nếu không trải qua sai lầm. Linh đặt ra quy tắc cho mình, là để cố gắng giảm thiểu cái sai của bản thân trong mọi vấn đề.
- Đoạt danh hiệu Hoa hậu thân thiện Hoàn Vũ VN, trước đó từng hoạt động người mẫu ở nước ngoài, rồi chiếm vị trí cao trong cuộc thi Siêu mẫu Quốc gia. Quá nhiều lợi thế giúp chị toả sáng trong lĩnh vực thời trang. Bây giờ nhìn lại, chị có thấy mình đã để tuột mất cơ hội lớn khi không ít người mẫu hiện nay có mức thu nhập “khủng”, cả nghìn USD mỗi lần xuất hiện?
- Người mẫu thường được trưng diện xu hướng thời trang đẹp nhất, mới nhất lên người, đó là một sự vinh dự. Có điều, ít ai hiểu rằng, nhiều người mẫu rất thiếu tự tin vào hình thức của họ. Bởi đơn giản, từ khi còn quá trẻ, ở tuổi 16, 17 họ đã phải nghe quá nhiều sự chỉ trích về cơ thể họ, như họ chưa đủ cao, chân chưa đủ dài, mũi chưa đủ thẳng, hoặc vẻ đẹp quá đơn điệu không có gì đặc biệt v.v… những điều mà ông trời sinh ra như vậy, họ không thể thay đổi. Chúng ta đều hiểu, con người không ai hoàn hảo nhưng trong thế giới người mẫu, ai cũng muốn mình hoàn hảo, đúng gu của khách hàng, để nhận được nhiều show và thành công hơn.
Do vậy, người mẫu thường bị rơi vào trạng thái hụt hẫng và trầm cảm nếu không mạnh mẽ, dễ dẫn đến một số căn bệnh về tinh thần lâu ngày. Ở Việt Nam, nghề mẫu bây giờ đã có nhiều sự cạnh tranh, dù vậy so với thế giới thì sự cạnh tranh này còn ghê gớm hơn nhiều. Chỉ vì tăng mấy lạng thôi là đối mặt với nguy cơ đói việc tới hàng tháng.
Hẳn người yêu thời trang đều biết câu chuyện người mẫu phải đo ngón tay hàng ngày ở bên Nhật rồi chứ? Chuyện người mẫu trên thế giới tự tử vì sốc thuốc (chất gây nghiện và thuốc lá giúp người mẫu gầy và không tăng cân) và một vài lí do vớ vẩn không quá hiếm là vì thế. Từ một số lý do này, tôi quyết định dừng công việc người mẫu và chưa bao giờ hối tiếc vì điều đó.
Từng bị người đồng tính theo đuổi
- Vai diễn đồng tính nữ trong phim "Phía cuối cầu vồng" đánh dấu lần đầu đóng phim của chị. Cảm giác hoá thân vào “một người khác” ra sao?
- Vai đồng tính nữ Kat Trần xuất thân con nhà giàu, có học, mất mẹ từ bé, sống với ông bố khó tính không mấy gần gũi con cái. Lần đầu đóng phim, Linh không khỏi bỡ ngỡ, sau đó, dần hoà nhập, chia sẻ, đồng cảm với nhân vật hơn. Nửa sau bộ phim, Linh cảm thấy mình hoá thân vào nhân vật này tốt hơn. Hoá thân vào Kat, Linh cảm nhận thấy hương vị của một người quyền lực và giàu có thật sự. Bên cạnh đó, cũng cảm nhận được sự tù túng, đau khổ mà cô phải đấu tranh hàng ngày.
- Đồng tính không phải đề tài mới lạ trong điện ảnh Việt, tuy nhiên, để thể hiện nội tâm phức tạp của dạng nhân vật này không phải diễn viên nào cũng thành công. Vai nữ đồng tính Kat Trần làm khó chị nhiều chứ?
- Đồng tính hay không thì cảm giác thất tình có lẽ giống nhau. Là một diễn viên tay ngang, khi nhận kịch bản, Linh tự đặt mình vào hoàn cảnh cô gái ấy, rồi suy nghĩ xem bản thân phải ứng xử ra sao trong từng trường hợp. Linh đi tìm cảm xúc như vậy. Linh tin, về sau này, với kinh nghiệm đã có, sẽ làm tốt hơn nữa. Theo dõi bộ phim, diễn đến đâu, Linh không dám đánh giá vì không đủ trình độ. Tự mình đánh giá phần nào không khách quan cho lắm!
- “Linh tin, về sau này, với kinh nghiệm đã có, tôi sẽ làm tốt hơn nữa”, đồng nghĩa chị muốn dấn thân vào điện ảnh rồi?
- Nếu có cơ hội và một bộ phim phù hợp, Linh luôn sẵn sàng. Linh chuẩn bị có em bé, lại thêm công việc gia đình nên quãng thời gian rảnh rỗi khá eo hẹp. Có bộ phim nào mời, cân đối được thời gian, Linh rất mong muốn tham gia. Tuy nhiên, bây giờ nếu có nhận vai, chắc phải lựa chọn vai kĩ càng, ít nhạy cảm vì làm mẹ rồi, cần để ý xem con mình sẽ nghĩ gì, ảnh hưởng tới con sau này nữa.
- Suy nghĩ của chị về người đồng tính?
- Họ rất bình thường, chỉ có vấn đề sinh lý là khác với mình một chút thôi. Chúng ta cứ quan niệm rằng, đàn ông là phải thế này, đàn bà cần thế kia - đó là quan điểm thôi, không có nghĩa cái mà bản thân đang làm, đang nghĩ là một chân lý. Biết đâu, cần có người đồng tính mới cân bằng xã hội thì sao? Tạo hoá làm nên con người, chúng ta đều là con người như họ, không thể đánh giá được thế nào là đúng hay sai, chỉ có ai đó tạo ra vạn vật mới biết đâu là đúng sai. Hoặc đơn giản là không có đúng và sai, mà chỉ có thuyết “tương đối” mà thôi.
- Nếu rơi vào trường hợp bị một cô bạn đồng tính theo đuổi, chị xử lý ra sao?
- Chuyện đó từng xảy ra với Linh rồi, và Linh đã từ chối nhẹ nhàng giống như một người bạn khác giới ngỏ lời mà bản thân không thích. Linh nói một cách tôn trọng với người đó rằng mình không phù hợp. Và cô ấy cũng tôn trọng quyết định của Linh, giống như bất cứ người đàn ông có văn hoá nào khác. Trong bất kì giới nào cũng có người này, người kia.
- Nói đến tình yêu đồng tính, người ta vẫn cho rằng đó là thứ tình yêu sâu sắc, đôi khi mù quáng nữa?
- Linh không hiếu sâu về vấn đề này lắm, nhưng qua một số bạn bè Linh biết, họ bình thường giống mọi người thôi mà. Theo Linh, việc người đồng tính thường yêu sâu sắc, có phần mù quáng là bởi họ không có quá nhiều sự lựa chọn bằng người bình thường. Tâm lý họ yếu mềm hơn, thường tủi thân, cô đơn nên dễ mù quáng. Với người đồng tính lớn lên trong gia đình gia giáo, dạy dỗ tử tế, dù mù quáng, họ vẫn biết giữ gìn không để chuyện lố bịch xảy ra.
Chồng vẫn thích chơi điện tử
- Mang thai con đầu lòng, hẳn chị được chồng rất cưng chiều?
- Chồng Linh hay đùa là, về nhà không dám thở mạnh, đi lại rón rén và luôn nhìn thái độ vợ như thế nào. Phụ nữ mang thai vốn nhạy cảm, hay suy nghĩ, dễ xúc động, nếu chồng không hiểu, thông cảm mau tủi thân lắm! Vì thế, chồng Linh luôn để ý thái độ của vợ để tránh căng thẳng, cãi nhau. Anh ấy cẩn thận hơn cả vợ, luôn nhớ thời hạn đưa vợ đến bác sỹ khám thai và nhắc vợ uống thuốc bổ.
- Lấy chồng bằng tuổi, điều gì ở anh ấy mà chị thấy… trẻ con hơn mình?
- Ông xã Linh vẫn thích chơi điện tử. Nhưng nói thật là không nhất thiết bằng tuổi nên mới vậy. Linh thấy nhiều anh lớn tuổi hơn vẫn rất mê món này. Thôi thì điện tử vẫn hơn rất nhiều thứ cám dỗ khác ngoài xã hội. Ít nhất mình còn thấy mặt chồng ở nhà (Cười).
- Với những người thành đạt trong xã hội, trước khi sinh con, họ thường vạch ra kế hoạch xa cho tương lai con cái. Kế hoạch của 2 vợ chồng chị là gì?
- Vợ chồng tôi mong muốn cho con đi học trường quốc tế nếu đủ điều kiện. Học ở đó, con cái có nhiều cơ hội tiếp xúc tiếng nước ngoài từ bé và phát triển toàn diện suy nghĩ, thể chất. Sang cấp 3 muốn cho cháu du học ở nước ngoài.
Vợ chồng tôi nhất trí quan điểm, nếu con có năng khiếu gì, đồng ý cho cháu phát huy năng khiếu đó. Nấu ăn giỏi, sẵn sàng cho đi học đầu bếp. Đá bóng giỏi, sẵn sàng cho cháu làm cầu thủ… Tôi hiểu, nếu không làm đúng năng lực, thì sẽ phải làm việc gồng mình lên, khổ sở lắm. Có lẽ, các bậc cha mẹ chỉ nên xây dựng nền tảng cho con, còn sau này, bản thân nó phải tự đứng trên đôi chân của mình.
- Thay đổi lớn nhất của chị sau khi kết hôn?
- Linh cảm thấy công việc trôi chảy hơn rất nhiều, dù bản thân không dành nhiều thời gian cho nó. Linh không phải chạy lăng quăng nữa mà có một bến đỗ bình yên bên gia đình. Sau sinh con, chắc chắn Linh sẽ là hậu phương của chồng. Đây là mục tiêu số 1 của Linh. Linh từng nói rõ với gia đình nhà chồng trước khi cưới như vậy. Linh nghĩ, phụ nữ thì nên như thế.
- Thực tế chứng minh rằng, cuộc sống của các người đẹp thường không hạnh phúc, bởi lúc nào họ cũng thấy mình có giá hơi... quá cao trong mắt người khác?
- Người đẹp cũng có mấy kiểu đẹp. Đẹp sắc sảo và đẹp dễ chịu. Lấy ví dụ như Thúy Kiều và Thuý Vân. Trong tướng số, những người đàn bà đẹp sắc sảo có khả năng hấp dẫn người khác giới rất lớn, tuy nhiên lại có thể mang hoạ lại cho vị Mạnh Thường Quân được lựa chọn. Vì thế bản thân họ khó hạnh phúc. Thêm nữa, người đẹp thường phải tìm anh hùng mới xứng. Mà người lắm tài thì nhiều tật, không phải tật nào đều chấp nhận được.
Người đẹp có quá nhiều lựa chọn, điều đó dẫn đến họ có thể khó phân biệt được thế nào là đúng, sai vì xung quanh có quá nhiều lời ong tiếng ve. Đặc biệt khi từ bé họ đã sống trong ánh hào quang, họ khó nhìn nhận mọi việc một cách khôn ngoan, nếu chưa vấp váp bao giờ. Họ không sống trong sự thật mà sống trong ảo tưởng, nhìn đời bằng lăng kính màu hồng nhiều hơn. Vì đẹp nên đôi khi thành công đến với họ quá đơn giản, không phải cố gắng quá nhiều, nên không có nhiều trải nghiệm xã hội và chín chắn trong suy nghĩ.
Bản thân Linh lúc còn trẻ cũng có những sự lựa chọn sai lầm, tuy nhiên, mình cũng kịp nhận ra trước khi quá muộn để tự rút ra bài học cho bản thân. Linh nghĩ mọi thứ đều có giá của nó, chỉ mong là các bạn trẻ cố gắng lắng nghe lời khuyên của người đi trước, để giảm nhẹ cái giá phải trả cho những kinh nghiệm để đời sau này.
Theo VTC