Duy Mạnh: Làm ra tiền là để ăn, chơi!
Nhạc sĩ - ca sĩ Duy Mạnh khẳng định, nhờ những ca khúc mà nhiều người cho rằng sến, anh đã tán được rất nhiều cô và khiến họ phải rơi nước mắt.
Từng là ca sĩ hạng ba ở các phòng trà, tụ điểm ca nhạc, nhạc sĩ kiêm ca sĩ Duy Mạnh phất lên nhờ ca khúc Kiếp đỏ đen từ năm 2004. Chỉ với ca khúc này, tên của anh đã lên hàng ngũ ngôi sao, đủ để anh tung hoành trên các sân khấu trong Nam, ngoài Bắc. Tuy vậy, không ít người trong giới chuyên môn dành cho anh những lời lẽ không mấy ngọt ngào. Có người cho anh là "danh ca nhạc sến", có kẻ bảo anh là "luyến láy chảy nước".
Sau vài năm yên ắng do "mải chơi ở vũ trường", Duy Mạnh đang bắt đầu trở lại, với một album sẽ phát hành trong tháng này.
- Mấy năm nay, tôi thấy anh gần như không có gì mới!
- Trong tháng này tôi sẽ ra album. Album gồm khoảng mười bài mới và bài cũ, tôi tổng hợp lại rồi remix thành những bài nhạc sôi động. Tôi vẫn viết nhạc, nhưng giờ chỉ viết để "cho". Ngày xưa, tôi khó khăn nên mới viết nhiều. Còn bây giờ tôi tập trung vào hát.
- Tóc đỏ, khoen chân mày, xăm hình trên cổ, nhìn bề ngoài, người ta có cảm giác Duy Mạnh là "biểu tượng" của sự ăn chơi.
- Mình làm ra tiền để làm gì? Để ăn, để chơi đúng không? Mình chịu tiêu xài, xã hội mới phát triển. Quan trọng là tiêu tiền của mình chứ không phải của người khác.
- Từ một nhạc sĩ - ca sĩ trắng tay, thành công bất ngờ đến nên anh choáng ngợp và sa đà?
- Đúng, sau khi thành công, tôi bay bổng. Bước ra đời, thấy có nhiều cái lạ lẫm, tôi mải chơi và đánh mất lí trí. Vì thế, tôi không thể tập trung để sáng tác. Gần đây, tôi mới suy nghĩ lại và thấy mình đã đi sai đường. Nhưng tôi không hối tiếc vì những việc đó giúp tôi có thêm kinh nghiệm sống.
- Ăn chơi thế, chắc hẳn Duy Mạnh phải là một kẻ lắm tiền?
- Tôi không giàu tiền bạc nhưng rất giàu tình cảm. Vì thế, tôi mới có thể viết được hơn hai trăm bài hát. Có rất nhiều bài ướt át khiến nhiều cô gái phải rơi nước mắt. Với bạn bè, tôi cũng giữ mối quan hệ chân thành chứ không phải hôm nay mình cần cái này thì chơi với họ, ngày mai không cần sẽ đổi bạn khác.
- Vì sao từ một người khuyên thiên hạ đừng dính vào đỏ đen, nghiện ngập, cá độ trong các ca khúc, anh lại dễ dàng sa ngã thế nhỉ!?
- Bởi vì xung quanh tôi có nhiều phụ nữ đẹp. Đi vũ trường tôi cũng gặp những người đẹp. Bạn bè rủ tôi đi vũ trường uống rượu. Tôi "tiêu" hết bốn giờ ở vũ trường, về mệt quá nên không làm việc được.
Nhưng tôi chỉ đi chơi chứ không hút thuốc phiện, đánh bạc. Tôi thấy việc đó không làm hại đến ai, đôi khi chỉ ảnh hưởng đến bản thân. Nhưng rồi tôi cũng nhận ra mình sai, điều đó mới quan trọng.
- Ai cũng biết Duy Mạnh có vợ nhưng hiếm khi thấy anh nhắc về bạn đời của mình.
- Tôi ít nói về vợ vì tôi phân biệt rất rõ cuộc sống nghệ thuật và gia đình. Nhiều người thích lấy gia đình ra để đánh bóng tên tuổi. Còn tôi nghĩ hạnh phúc của mình, mình hưởng thụ. Tôi rất hài lòng về vợ và biết thành công của ngày hôm nay có phần của cô ấy.
- Chứ không phải anh phất lên nhờ may mắn?
- Trong cuộc sống, ai cũng cần may mắn, yếu tố nào cũng đòi hỏi sự may mắn.
- Nhưng xem ra Duy Mạnh chẳng còn "đình đám" như cái thời của "Kiếp đỏ đen".
- Tôi không xác định sẽ làm ca sĩ nên chẳng tìm cách đánh bóng tên tuổi. Nhiều người luôn muốn báo chí nhắc đến mình, còn tôi không thích như vậy.
- Nhiều người cho rằng cách làm nghệ thuật của anh đầy ngẫu hứng, thiếu chuyên nghiệp, nặng tính làng xã và không hợp với thời đại này. Giờ đây, người làm nghệ thuật còn phải biết vạch ra chiến lược, có kế hoạch cụ thể chứ không nằm chơi chờ cảm hứng.
- Kế hoạch chỉ dành cho những người nghệ sĩ ấp ủ điều này, điều kia từ lâu.
Với tôi, khi dự định phát hành một sản phẩm vào ngày này, giờ nào mới gọi là kế hoạch.
Còn viết nhạc phụ thuộc vào cảm hứng, ngẫu hứng, khi nào có cảm xúc thì viết. Nếu nói sắp tới sẽ viết bài tình yêu này, tình yêu kia, tôi không làm được.
- Và chính nguồn cảm hứng bất chợt ấy đã đưa Duy Mạnh đến với danh vị ngôi sao ca nhạc não tình, loại nhạc các nhạc sĩ gọi là sến?
- Từ "sến" tuỳ thuộc theo quan niệm mỗi người. Nhiều người ủng hộ nhạc sến, nhưng có không ít người chê bai. Còn tôi, tôi thấy đó là nét đẹp của dân gian, nét đẹp Việt Nam.
Lấy cải lương làm ví dụ. Mọi người đều bảo cải lương sến, nhưng thật ra đâu phải vậy. Theo nhiều người, cải lương là nét đẹp hòa trộn giữa âm nhạc ta và phương Tây trong thời kỳ Pháp thuộc. Trang phục cải lương nhiều màu, lòe loẹt nên bị cho rằng sến, nhưng đó lại là đặc trưng của người Việt.
Ngày xưa, nói đến cải lương là thấy khóc lóc sướt mướt nên người ta bảo là sến. Bây giờ, nghe nhạc buồn, người ta cũng nghiễm nhiên nghĩ đó là nhạc sến. Dân ca, tân cổ giao duyên cũng vậy. Nhưng nghe kỹ, ta sẽ thấy nó kết hợp giữa nét dân gian với hiện đại.
- Có thời, anh mặc vest, ngồi bên dương cầm, tôi tưởng anh sẽ tạo ra những tác phẩm nghe sang hơn!
- Một bài hát sang hay không là do mình. Còn bài Kiếp đỏ đen, không phải cứ ngồi trên piano sẽ sang. Tôi muốn ca khúc này gần gũi khán giả hơn nên mới phối với đàn cò như vậy. Tôi biết chơi piano, saxophone, nhưng tôi phải để ý xem khán giả cần gì để đáp ứng. Ví dụ, tôi giỏi nhạc cổ điển. Vào vùng sâu, vùng xa biểu diễn, người ta không nghe, tôi chê người ta dốt à!? Quan trọng là mình phải biết kết hợp, biết bây giờ người ta đang cần gì.
- Đáp ứng những gì xã hội cần là một chuyện, nhưng người nghệ sĩ cũng phải có trách nhiệm nâng cao đời sống tinh thần của khán giả.
- Đúng! Ví dụ lúc trước, người ta chỉ nghe nhạc sến, nhạc rumba, bây giờ họ nghe cả pop, balad, rock... Mỗi bài hát viết ra, tôi đều muốn có một kết cục tốt đẹp nhất. Như Kiếp đỏ đen, tôi muốn mọi người tránh xa bài bạc chứ không kêu gọi mọi người tham gia, đúng không?
- Các tác phẩm của anh có giai điệu, tiết tấu quá uỷ mị, ru ngủ... thích hợp với phụ nữ. Phải chăng anh viết nhạc chỉ để dành cho họ?
- Tôi là đàn ông, rất thích phụ nữ nên viết nhạc dành cho họ. Nhiều người thích sắm xe đẹp nhưng không biết để làm gì, còn tôi để tán gái, bởi quy luận tự nhiên là nam thích nữ, nữ thích nam. Tôi viết nhạc là để tán phụ nữ.
- Thế anh đã tán được bao nhiêu người rồi?
- Rất nhiều, nhưng về mặt tâm hồn thôi! (cười lớn)
Theo Her World