Duy trì các mối quan hệ xã hội
Giữa nhiều mối quan hệ xã hội khác nhau, bạn luôn trăn trở không biết phải đầu tư cho mối quan hệ nào.
![]() |
Hãy luôn thân thhiện trong những mối quan hệ của mình, Teen nhé! |
Thật ra, cái vô hình ở đây không phải là vô hình thực sự vì nó sẽ hữu hình trong một chừng mực nào đó ở một thời điểm nhất định. Quan hệ xã hội khi được thiết lập có giá trị là thế...
Khi quan hệ “mì ăn liền” thiết lập
Kết quả phỏng vấn ngắn trên 100 sinh viên thì có gần 70% sinh viên khẳng định không thể chấp nhận được về việc mất thời gian khi phải giao tiếp với ai đó không đem lợi ích đến cho mình. Rõ ràng có thể nói, phần nào những yếu tố lợi ích được đặt ra quá nhiều trong giao tiếp của các bạn. Nhiều bạn trẻ ngày nay vội vàng đáp ngay: “Có gì không anh? Định nhờ em làm gì...?” khi nghe câu hỏi “Em có rảnh không?”. Những suy nghĩ như thế dù muốn dù không cũng làm cho quan hệ xã hội dễ dàng đổ vỡ.
Minh Th. được đưa vào vị trí nhân viên PR của một công ty với sự giúp đỡ nhiệt thành của một giảng viên kinh tế. Trong suốt quá trình hướng dẫn hồ sơ, chuẩn bị phỏng vấn, gần như Th. túc trực, bám sát thầy... Sau khi đạt được mục tiêu của mình, Th. quên cả gởi lại thầy một lời cảm ơn đơn giản. Tưởng rằng mọi sự đã thuận buồm xuôi gió nhưng có ngờ đâu Th. lại gặp một vài trục trặc nhỏ trong công việc. Quyết định quay trở lại cầu cứu thầy thì quan hệ liệu có còn tốt và đầy đặn như xưa hay không?
Thiết lập quan hệ xã hội, có thể nói đó là kỹ năng giúp cá nhân xác lập và duy trì tốt các mối quan hệ xã hội xung quanh để đạt được một mục đích nhất định trong cuộc sống. Mục đích này không nhất thiết phải là giá trị vật chất hay giá trị kinh tế. Tình trạng giao tiếp “mì ăn liền” đã xuất hiện một cách khá phổ biến trên một bộ phận các bạn trẻ. Không cần quan tâm đến những giá trị xã hội của quan hệ, thiếu sự hy sinh trong quan hệ, chỉ tập trung vào mục tiêu trước mắt, chỉ nghĩ đến cá nhân... Tất cả đã làm cho tính thực tế trong cuộc sống hay trong những mối quan hệ bị đẩy lên đến đỉnh và cái nhìn về nhau thiếu hẳn văn hóa cộng đồng... Có thể nhận thấy quan hệ xã hội có một vai trò đặc biệt vì nó hỗ trợ cho hoạt động giao tiếp, tạo ra niềm tin trong cuộc sống, tăng giá trị nhân văn của chính mình và người khác trong cuộc sống.
Giá trị từ vô hình
Không thể thiếu những trường hợp thật bất ngờ khi quan hệ xã hội đã đem đến những cơ hội thật quý giá. Tình cờ gặp anh A trong một buổi tiệc cưới, dù rất rụt rè nhưng T đã lấy hết sự can đảm để trò chuyện. Đám cưới vừa tàn thì A cũng chuẩn bị quay về. T cố gắng hỏi thêm một câu vừa rất xã giao vừa rất thật lòng. Thế là việc xin số điện thoại của nhau bắt đầu diễn ra... Đến lúc này, T vẫn chưa biết anh A là sếp lớn của một công ty cho đến khi anh mở lời: “Nếu em muốn thực tập tốt nghiệp, em có thể đến công ty của anh. Nếu em thực sự làm tốt, anh vẫn đang cần một trợ lý thật tâm huyết và giỏi nghề. Em cứ suy nghĩ...”. Ba tháng sau khi thực tập, T đã trở thành nhân viên chính thức của công ty khá bề thế với chức danh trợ lý.
Rõ ràng, không thể phủ nhận vai trò của quan hệ xã hội trong đời sống của mỗi con người cũng như trong cuộc sống cá nhân. Ngay cả khi bạn đang tràn ngập trong tình yêu và hạnh phúc gia đình, cũng không thể cắt đứt mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp... Ai có thể chia sẻ, ai sẽ động viên chúng ta khi thất bại, khi cô đơn hay khi gặp những rối nhiễu trong cuộc sống riêng tư...?
Mỗi một cá nhân có những cách khác nhau để thiết lập quan hệ xã hội nhưng nhất thiết việc thiết lập, nuôi dưỡng và duy trì nó là những thao tác cực kỳ quan trọng. Hãy chăm sóc những mối quan hệ ấy bằng việc thường xuyên gọi điện thoại, luôn niềm nở khi gặp gỡ, nhắn tin chúc mừng vào những dịp lễ Tết, gửi quà khi có cơ hội thật sự hợp lý... Đương nhiên tất cả những biện pháp này phải thực hiện một cách tinh tế, chân thành chứ không phải quá cá nhân và lộ liễu.
Mặt khác, những mối quan hệ xã hội hiện có không phải lúc nào cũng làm cho chúng ta hài lòng nhưng đó là một trong những yếu tố cần duy trì cho nên hãy tôn trọng mối quan hệ đó. Đừng vội vàng “cắt” mối quan hệ xã hội bằng những thao tác rất đơn giản như vô tình xóa số điện thoại trong danh bạ điện thoại di động, không trả lời tin nhắn chúc mừng vào những dịp đặc biệt, trả lời điện thoại một cách lạnh lùng và tàn nhẫn: “Anh/chị là ai...”.
Có thể nhận thấy quan hệ xã hội vừa vô hình nhưng lại hữu hình là vậy. Đó không chỉ là một kỹ năng quan trọng trong cuộc sống mà còn là một hành vi ứng xử rất văn hóa. Con người chỉ thực sự đạt đến đỉnh cao trong cuộc sống khi cá nhân cảm thấy hạnh phúc và cộng đồng cũng thừa nhận, tôn vinh. Nói như thế để thấy rằng quan hệ xã hội được xem như một trong những sách lược quan trọng để có thể thành công dù là trong cuộc sống thường nhật hay trong công việc của mỗi người chúng ta.
Theo Huỳnh Văn Sơn
(Người lao động)