Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Duy trì 'nồi cơm không đáy' như thế nào?

Sữa mẹ được ví như "nồi cơm không đáy" và rất nhiều bà mẹ mới sinh loay hoay không biết duy trì thế nào "nồi cơm" này.

Bầu sữa mẹ hoạt động đúng theo nguyên tắc cung-cầu: Khi con bú nhiều thì sữa sẽ ra nhiều và ngược lại. Do đó, kích cỡ của bầu vú không phải yếu tố quyết định việc bạn có sữa nhiều hay ít. Đã là nồi cơm không đáy thì kích cỡ có ý nghĩa gì đâu? Thế nên các bạn có bầu vú nhỏ đừng lo lắng thiếu sữa! Vậy làm sao để nồi cơm lúc nào cũng đầy?

Cô em mình lúc nằm viện sau khi sinh, sữa chưa ra nhiều, em bé bú không đã nên khóc. Bà mẹ của bà bầu bên cạnh gắt lên: "Sao không cho con bú sữa bình đi! Để nó đói khóc dữ thế mà chịu được?" Sau đó cô dúi vào tay em một bình sữa công thức. Đương nhiên là mẹ mình đã từ chối khéo. Vì mẹ mình hiểu cháu bú sữa bình lúc này thì mẹ của bé sẽ không ra sữa được vì không có kích thích. Hơn nữa bé cũng sẽ không bú sữa mẹ nữa vì sữa bình ngọt và ngon hơn.

Mình sẽ gợi ý cho các mẹ 6 điều cần thiết để có sữa và duy trì bầu sữa thật nhiều:

1. Không được cho bé uống sữa công thức nếu bạn muốn cho bé bú sữa mẹ.

2. Các mẹ phải tự tin về bầu sữa không đáy của mình và thực tâm muốn cho con bú vì tin rằng đó là dinh dưỡng tốt nhất cho con. Tâm lý này rất quan trọng vì sẽ quyết định việc não bộ điều khiển bầu vú của bạn thế nào. Nếu bạn lo sợ mình không đủ sữa hoặc cho con bú sữa mẹ cũng không cần thiết cho bé thì sữa sẽ cạn nhanh chóng. Hơn nữa, khi bạn tin rằng sữa là dinh dưỡng tốt nhất cho bé thì sẽ cố gắng cho bé bú lâu hơn, mà bé càng bú thì sữa về càng nhiều. Nhất là trong những ngày đầu mới sinh, lúc sữa màu vàng đục là loại sữa giàu dinh dưỡng và kháng thể nhất, các mẹ đừng bỏ đi nhé! Thậm chí ngay cả khi dùng tay vắt mà không ra sữa thì cũng không có nghĩa là bạn không có sữa vì khi đó sữa chỉ ra khi được miệng bé mút thôi.

3. Các mẹ cần giữ cho mình tâm trí thoải mái, không buồn phiền lo lắng, không giận dữ chán nản, không mệt mỏi ủ rũ. Hãy vui sống và cười nhiều lên! Điều này thực ra không hẳn là dễ, vì trầm cảm sau khi sinh rất phổ biến do sự thay đổi đột ngột của các loại hormone trong cơ thể người mẹ. Do đó, các mẹ cần sự động viên trợ giúp rất lớn từ chồng, từ cha mẹ, và các người thân khác trong gia đình.

Xin các bạn đừng chỉ trích, phán xét các mẹ về bất cứ điều gì, chẳng hạn: "Sao em để con khóc thế kia?" hay "Ngực con bé thế này thì làm sao đủ sữa cho con bú?... Mày chăm con kiểu gì mà vụng quá!... ". Thay vào đó, hãy luôn an ủi, động viên các mẹ theo hướng tích cực nhé, nhất là các mẹ đơn thân đó.

4. Sau khi tâm trí thoải mái rồi thì điều quan trọng tiếp theo là dinh dưỡng. Chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, nhiều rau, nhiều trái cây sẽ giúp các mẹ ra sữa tốt hơn. Đặc biệt, mỗi loại trái cây mẹ ăn có mùi vị thế nào thì sữa cũng sẽ có mùi vị như thế, giúp bé được hưởng sữa có nhiều mùi vị và vitamin khác nhau từ người mẹ. Ngoài ra một mẹo nhỏ nữa là khi các mẹ uống nước nóng/nước canh nóng/súp nóng và nhất là sữa nóng thì sữa sẽ ra rất nhanh và nhiều.

5. Các mẹ cần được ngủ đủ giấc. Điều này cũng không hề đơn giản, nhất là đối với các mẹ cho con bú trực tiếp từ bầu ngực. Bởi vậy, khi nào bé thức và không đòi bú thì cần có người giúp trông bé để mẹ có thể làm việc riêng như ăn uống hay ngủ nghỉ. Chỉ cần 1h ngủ thẳng giấc không phải lo nghĩ gì về con cũng có thể giúp các mẹ phục hồi sức khoẻ nhanh chóng để tiếp tục phục vụ con mình.

6. Các mẹ cần được yêu thương, nhất là từ người bạn đời của mình. Việc các ông bố chia sẻ công việc chăm con với các mẹ là cách thể hiện tình yêu thiết thực nhất lúc này. Thay tã, bế con, cho con ăn, hay phụ tắm cho bé đều rất tuyệt vời vì điều đó khiến người mẹ thấy hạnh phúc vì con họ đã có được một người cha yêu thương chăm sóc bảo vệ con. Tuy nhiên, các ông bố cũng đừng quên ôm ấp, vuốt ve, và hôn vợ nhé, vì những điều đó rất cần để người mẹ biết chắc chắn mình vẫn được yêu thương, ngay cả khi vừa sinh, cơ thể còn "xấu".

Chúc các mẹ cho con bú với bầu sữa đầy tràn và hạnh phúc bên con yêu!

Tác giả Nguyễn Thị Thanh Minh (32 tuổi) tốt nghiệp Tiến sĩ Khoa học tại Đại học Y Albert Einstein, Bronx, New York, Mỹ năm 2014. Với kinh nghiệm và kiến thức y học sẵn có, chị sẽ đưa ra lời khuyên cho độc giả Zing.vn cách chăm sóc sức khỏe hợp lý, tư vấn cho các bà mẹ kiến thức nuôi con hợp dinh dưỡng và thông minh.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Minh - MClub

Bạn có thể quan tâm