Duyệt phim Việt: Cứ có cảnh nóng, bạo lực là cắt?
Câu chuyện kiểm duyệt phim lần nữa lại bùng lên khi bộ phim "Bụi đời Chợ Lớn" phải dời ngày chiếu.
Dễ người khó ta?
Nhưng năm gần đây khi thị trường điện ảnh ở Việt Nam được mở rộng với hàng loạt nhà phát hành tư nhân lớn, số lương phim quốc tế chiếu hàng năm luôn tăng, hiện ở mức trên 100 phim thì người ta thấy có vẻ như Hội đồng duyệt phim quốc gia khá thoáng trong cách kiểm duyệt phim ngoại nhập.
Tất cả những phim Hollywood được dán nhãn NC-16 (cấm trẻ em dưới 16 tuổi) đều được chiếu tại VN, gần đây nhất có thể kể: Dead man down (Kẻ báo thù), Dark skies (Bầu trời đen), The last stand (Chốt chặn cuối cùng), Warm bodies (Tình yêu zombie), Django unchained (Hành trình Django), Zero dark thiry (30 phút sau nửa đêm), A good day to die hard (Die hard 5), Mama (Mẹ ma)…
Hunger Games, một trong số ít phim nước ngoài bị cấm vì có cảnh bạo lực quá mức cho phép. |
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Ngát - Phó chủ tịch Hội đồng duyệt phim quốc gia, không có chuyện dễ dãi trong kiểm duyệt phim ngoại, khó khăn với phim nội: "Duyệt phim nước ngoài thì dễ hơn. Nếu nội dung không sex, không bạo lực, hơi nhạt một tí vẫn phải cho chiếu vì không phạm luật, dù xem phim tra tấn cực kỳ.
Nhưng phim Việt thì rất phức tạp. Với phim nhà nước thì có định hướng rồi, tư nhân chủ yếu làm phim hài thu vốn là chính nên nhiều khi phim nhạt, hài nhảm nhưng không phạm luật thì Hội đồng vẫn cho ra vì đồng vốn của họ là xương là máu. Phim hay, có ý nghĩa nhân văn thì không sao, cái gì bạo lực quá, không đúng với thuần phong mỹ tục cũng phải có ý kiến".
Khi Việt Nam gia nhập WTO, chúng ta đã buộc phải cam kết không hạn chế nhập phim ngoại. Do đó thị trường điện ảnh tràn ngập các phim Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc hàng năm. Thậm chí có những năm người ta thống kê, tất cả các phim được đề cử giải Mân xôi vàng đều có mặt ở Việt Nam.
Nói điều đó để thấy, việc kiểm duyệt với phim nước ngoài là vô cùng dễ. Theo Hội đồng duyệt phim quốc gia thì sở dĩ ít khi có chuyện cấm hay cắt phim nước ngoài là bởi phim Tây, bối cảnh và câu chuyện Tây nên dễ được chấp nhận với những cảnh bạo lực và sex.
Thêm vào đó, những nhà nhập phim tại Việt Nam cũng biết được gu của Hội đồng duyệt nên hầu như họ chọn phim cực chuẩn xác. Trước nay chỉ có duy nhất phim Hunger games bị cấm chiếu ở Việt Nam.
Cảnh Đinh Y Nhung bị đánh ghen lột quần áo đứng giữa chợ, mang tấm bảng Lấy chồng người ta trước ngực bị cắt vì Hội đồng duyệt bảo diễn viên già và xấu, nude làm gì? |
Trái lại con số phim Việt bị cắt cảnh nóng, bị cấm chiếu lại khá nhiều. Cách đây tròn 1 năm, bộ phim Bẫy cấp 3 của Việt Nam đã bị cấm phát hành phổ biến. Đây là phim Việt hiếm hoi trong nhiều năm không được ra rạp.
Ồn ào mới nhất thuộc về Bụi đời Chợ Lớn, khi có thông tin phim buộc phải chỉnh lại theo yêu cầu của Hội đồng duyệt mới được cấp phép phổ biến.
Còn chuyện cắt phim thì khá phổ biến. Đạo diễn Lưu Huỳnh từng rớt nước mắt khi nghe tin Hội đồng duyệt phim quốc gia cắt đoạn đầu phim Lấy chồng người ta, lúc diễn viên Đinh Y Nhung bị đánh ghen lột quần áo đứng giữa chợ, mang tấm bảng “Lấy chồng người ta” trước ngực. Nguyên nhân, theo Hội đồng duyệt là diễn viên già xấu quá, đưa cảnh đó lên làm gì?
Trong phim Huyền thoại bất tử cũng của Lưu Huỳnh, có cảnh quay Trần Bảo Sơn vạch quần đái vào hũ tro cốt thi hài mẹ Dustin Nguyễn. Tình huống này dùng để đẩy sự xung đột của 2 nhân vật này lên đỉnh điểm, dẫn đến chuyện Dustin Nguyễn phải ra tay tiêu diệt kẻ ác. Vì cảnh bị cắt, nên khi xem phim, nhiều khán giả không thể hiểu được vì sao hai nhân vật trên lại căm thù nhau đến thế.
Bi, đừng sợ, tác phẩm của Phan Đăng Di từng được vinh danh ở nhiều liên hoan phim quốc tế với những giải thưởng danh giá là phiên bản đầy đủ. Khi về Việt Nam, bộ phim được ra mắt với phiên bản bị “cắt nát”.
Có đến 5 cảnh bị cắt làm nhiều người xem ngơ ngác tự hỏi tại sao có những cảnh ở phía sau. Những “cảnh nóng” đắt giá và cũng là thứ keo kết dính mạch đập của bộ phim đều bị cắt. Đáng tiếc là hầu hết các cảnh bị cắt đều thuộc về cao trào của bộ phim.
Phan Đăng Di chia sẻ: “Những cảnh bị cắt là những cảnh mà theo hội đồng duyệt hơi... sexy, hơi nóng. Khoảng 5-6 phút gì đó, tôi thấy tiếc lắm. Vấn đề chính của phim này xoay quanh những bí mật trong cuộc sống của người lớn (đối lập với thế giới ngây thơ của Bi) mà một phần quan trọng trong đó là đời sống tình dục.
Đó là một trong những chủ đề lớn của phim nên phải cần đến những cảnh nóng để người xem hiểu. Do vậy nếu chúng bị cắt đi thì phim sẽ trở nên hơi mơ hồ. Giá như phim được giữ lại những cảnh đó và quy định độ tuổi thích hợp được xem thì tốt hơn rất nhiều”.
Sau khi phim ra mắt ở Việt Nam, thậm chí Phan Đăng Di còn hối hận vì anh không thể mang đứa con nguyên vẹn đến với số đông khán giả làm họ phải bực bội khi xem phim của mình. Nhưng anh bảo: “Hội đồng duyệt cũng chỉ làm việc theo luật thôi”.
Bụi đời Chợ Lớn phản ánh tình trạng “vô chính phủ” ở TP.HCM - không đúng với thực tế và có nhiều hình ảnh bạo lực phạm vào điều cấm của Luật Điện ảnh. |
Cũng rơi vào tình trạng dở khóc dở cười là Bụi đời Chợ Lớn. Theo yêu cầu của Cục Điện ảnh, hãng Chánh Phương cần phải cắt bỏ hoặc tiết chế những cảnh thể hiện tính chất bạo lực gây hoảng loạn hoặc phản cảm, loại bỏ một số lời thoại thô tục, có tính chất kích động bạo lực, cắt bỏ cảnh quan hệ tình dục giữa hai nam thanh niên; thêm vai trò của chính quyền đoàn thể vào những cảnh chém giết...
Ê-kíp làm phim này đang ra sức sửa chữa để đạt chuẩn của Hội đồng duyệt. Nhưng theo rất nhiều ý kiến của các nhà làm phim trong và ngoài nước thì sẽ chẳng có cách nào sửa chữa được một bộ phim thành phẩm hành động nhanh như Bụi đời Chợ Lớn.
Người ta bảo yêu cầu sửa chữa của Hội đồng duyệt chẳng khác gì việc “cấm chiếu” một cách khéo léo để tránh gây bức xúc dư luận.
Hội đồng duyệt hay khán giả duyệt?
Sau khi phim Bụi đời Chợ Lớn bị hoãn cấp phép và yêu cầu sửa chữa, rất nhiều cuộc tranh cãi đã nổ ra, thậm chí là cả những phản ứng tiêu cực của người làm phim liên quan đến việc kiểm duyệt phim tại VN.
Dù biết để xảy ra sự cố trên, lỗi thuộc về phía ê-kíp sản xuất phim Bụi đời Chợ Lớn. Họ đã không sửa chữa và bổ sung vào kịch bản một số nội dung trình thẩm định kịch bản trước khi đưa vào sản xuất theo công văn ngày 26/10/2012 của Cục gửi công ty TNHH Chánh Phương, từ đó đẩy phim của mình vi phạm Luật Điện ảnh.
Nhưng qua vụ việc này, câu chuyện về sự thông thoáng trong công tác phân loại, dán nhãn phim và tạo tự do cho những người làm nghề sáng tạo là nhu cầu có thật, bởi hiện nay Luật Điện ảnh được thể hiện khá chung chung về câu chữ.
Luật cấm rất đúng: “Cấm tuyên truyền, kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục,…”
Phim "Bẫy cấp ba" bị cấm chiếu. |
Thế nhưng khi áp luật vào công tác kiểm duyệt chuyện lại khác đi. Và những mâu thuẫn phát sinh cũng từ đó. Trong lần trả lời phỏng vấn khi phim Bẫy cấp 3 bị cấm chiếu, nhà sản xuất Trần Trọng Dần cũng khá bất ngờ trước thông tin phim của mình bị cấm, bởi lẽ tin đến với phía nhà sản xuất bao giờ cũng muộn nhất.
Tương tự ở phim Bụi đời Chợ Lớn, phía nhà sản xuất phim cũng chỉ biết phim mình bị yêu cầu chỉnh sửa sau cùng và họ không rõ những chi tiết buộc phải chỉnh sửa đã phạm phải những điều cấm như thế nào. Một đạo diễn có phim bị Hội đồng duyệt cắt, xin được giấu tên, cho biết anh không có cơ hội giải thích với Hội đồng duyệt phim vì sao anh lại dùng nhưng cảnh như thế.
Anh cũng không chắc Hội đồng duyệt có hiểu được ý nghĩa của những cảnh nhạy cảm trong phim của mình không. Nói cắt là phải cắt, chưa bao giờ Hội đồng duyệt có sự đối thoại rõ ràng với các nhà làm phim.
Ở nước ngoài thậm chí người ta còn có bên thứ ba bao gồm các đoàn thể như Hội phụ huynh, Hội thanh niên, Hiệp hội các nhà làm nghề tham gia vào công tác kiểm duyệt. Nếu sau khi Hội đồng duyệt và nhà sản xuất phim không giải quyết được mâu thuẫn thì bên thứ ba trên sẽ làm người phân xử.
Đạo diễn trên cũng cho rằng, Hội đồng duyệt phim cần tránh sự suy diễn hay áp đặt khi tiếp nhận một bộ phim, đặc biệt là phim Việt. Tình trạng này đang xảy ra phổ biến với những phim có yếu tố như cảnh sex, yếu tố bạo lực, yếu tố nhạy cảm về tâm linh, văn hóa,…
Theo đạo diễn này, Hội đồng duyệt nên xem phim dưới góc độ là những nhà chuyên môn chứ không phải là xem dưới góc độ khán giả để rồi suy diễn những cảnh nhạy cảm. Hội đồng nên tìm hiểu cặn kẽ những thể loại phim mà mình sắp duyệt.
Điện ảnh Việt Nam đi sau điện ảnh thế giới rất nhiều. Nhưng quy định kiểm duyệt các cảnh nhạy cảm trong phim đã được điện ảnh Mỹ đặt ra từ hơn 70 năm trước đây, giờ mới gặp ở Việt Nam.
Những phim hành động như "Bụi đời Chợ Lớn" thường có câu chuyện hư cấu, rất khó sát với thực tế đời sống. |
Phim hành động buộc phải có bối cảnh hư cấu như thế mới có đất thể hiện những pha hành động ngoạn mục. Không thể bắt một nhân viên văn phòng thành nhân vật chính trong phim hành động. Nếu là nhân viên, công nhân hay chính trị gia, gặp chuyện họ sẽ đến ngay đồn cảnh sát, đến tòa án và gặp nhau ở đó.
Chỉ có những nhân vật xuất thân từ xã hội đen mới có chuyện chém giết nhau. Chuyện hư cấu này khiến người xem phim thỏa mãn và họ hầu như đều nhận định được đó chỉ là câu chuyện hư cấu trên phim. Không phải là câu chuyện có thật ngoài đời.
Thế nhưng hầu hết các phim Việt có những cảnh hư cấu về bạo lực, về sex, về các vấn đề văn hóa nhạy cảm,… người ta đều buộc phải cắt đi.
Cũng theo đạo diễn trên muốn điện ảnh Việt hội nhập được với thế giới, muốn phim Việt ra nước ngoài khiến người ta phải nể phục thì trước hết cần sự hội nhập của những người làm quản lý và của những chính sách Điện ảnh.
Phim Bi, đừng sợ bị cắt hết cảnh nóng làm người xem không hiểu nổi câu chuyện phim. |
Chính sách kiểm duyệt phim ở ta đi sau các nước rất nhiều. Ở các nước, người ta chỉ làm công tác hậu kiểm. Luật điện ảnh chỉ quy định những điểm cấm hết sức rõ ràng mà các nhà làm phim phải tránh tuyệt đối.
Nếu không vi phạm những điểm cấm trên phim làm ra sẽ không phải bị cắt gọt hay cấm chiếu ngay cả khi nó bị cho là phân biệt chủng tộc, phỉ báng tôn giáo hay bạo lực, kích động… Người ta giải quyết chuyện này bằng cách phân loại phim theo độ tuổi, kèm lời cảnh báo về nội dung có thể gây ảnh hưởng lên người xem.
Cục trưởng Cục Điện ảnh, TS Ngô Phương Lan cho rằng mỗi nước có cách phân loại phim riêng và ở Việt Nam, với đặc thù riêng, việc kiểm duyệt phim phải tuân theo Luật Điện ảnh. Nhưng có lẽ nên có sự đối thoại rõ ràng giữa cơ quan chịu trách nhiệm kiểm duyệt và những người làm phim, phát hành phim để tìm ra tiếng nói chung. Không thể mãi như hiện nay, quan điểm của Hội đồng này là mệnh lệnh, là tiếng nói có quyền sinh quyền sát cuối cùng cho một bộ phim trước khi trình chiếu. Trong bối cảnh nền điện ảnh thương mại nước nhà còn yếu, những rào cản kiểm duyệt sẽ chỉ làm suy yếu thêm lực lượng các nhà làm phim.
Theo VTC