Đây là trường hợp lây nhiễm bên ngoài Tây Phi đầu tiên trên thế giới.
Theo AFP, Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Ana Mato cho biết nhà chức trách đã triển khai các quy định khẩn cấp để ngăn chặn nguy cơ dịch Ebola bùng phát tại quốc gia này.Nạn nhân là thành viên đội y tế thuộc bệnh viện La Paz-Carlos III ở Madrid, có nhiệm vụ chữa trị nhà truyền đạo Miguel Pajares nhiễm vi rút Ebola ở Liberia đã qua đời hôm 12/8 và Manuel Garcia Viejo, mắc bệnh từ Sierra Leone và thiệt mạng ngày 25/9.
Bà bắt đầu bị bệnh hôm 30/9 nhưng không nhập viện cho tới hôm 5/10. Lúc đó bà đã bị sốt. Hiện nạn nhân đang được điều trị tại một bệnh viện ở Alcorcon, một khu ngoại ô phía nam Madrid. Hiện nhà chức trách Tây Ban Nha đang tìm kiếm những người có khả năng đã tiếp xúc với y tá này sau khi bà nhiễm vi rút Ebola.
Nhà truyền đạo Manuel Garcia Viejo được đưa về Tây Ban Nha từ Sierra Leone hôm 22/9. |
Ông Pajares là bệnh nhân đầu tiên được đưa đến châu Âu để điều trị. Trước đó ông từng được dư luận Tây Ban Nha tôn vinh là một người anh hùng. Ông được đưa về Madrid trên một chuyến bay đặc biệt hôm 7/8.
Khi đó nhiều chuyên gia y tế Tây Ban Nha đã bày tỏ sự lo ngại về nguy cơ lây nhiễm. Họ cho rằng các bệnh viện ở Tây Ban Nha không được trang bị đầy đủ để đối phó với dịch Ebola. Đại diện Bộ Y tế Tây Ban Nha khẳng định nước này tuân thủ mọi khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Cả hai nhà truyền đạo đều được điều trị cách ly ở bệnh viện La Paz-Carlos III và nhóm nhân viên y tế chăm sóc họ được theo dõi kỹ càng. Người nữ y tá nhiễm bệnh đã đi nghỉ mát một ngày sau khi ông Garcia Viejo qua đời hôm 25/9.
Hiện vi rút Ebola đã sát hại 3.439 người trong tổng số 7.478 trường hợp bị lây nhiễm ở năm quốc gia Tây Phi. Ở Mỹ, một người đàn ông Liberia bị nhiễm vi rút đang được điều trị bằng một loại thuốc thử nghiệm có tên Brincidofovir.
Mới đây tổ chức Bác sĩ không biên giới cũng thông báo một nhân viên người Na Uy đã nhiễm vi rút và sẽ được đưa về nước. Tổng thống Pháp Francois Hollande khẳng định Pháp đã sẵn sàng đối phó với dịch Ebola.