Những ngày qua, cộng đồng mạng liên tục chia sẻ phần thi trong chương trình Ai là triệu phú phát sóng tối 22/11 của cô gái 9X - Phạm Thị Quyên - kỹ sư của một công ty ở Hà Nội. Kết thúc phần thi của mình, người chơi dừng chân ở câu hỏi số 8, nhận 2 triệu đồng tiền thưởng.
Việc sử dụng 2 sự trợ giúp ở 2 câu hỏi đầu tiên khiến cô gái tới từ Hà Nội nhận nhiều "gạch đá" từ dư luận. Không đồng tình việc này, nhiều độc giả cho rằng chuyện không biết El Nino là hiện tượng thời tiết và canh cua nấu với rau đay là bình thường khi ngồi trên "ghế nóng".
Với câu hỏi này, cô gái cần đến sự trợ giúp của người thân. Ảnh cắt màn hình. |
Mất bình tĩnh
Thành viên Đỗ Hoài Phương cho rằng việc nhiều người bất ổn tâm lý khi đứng trước đám đông là hoàn toàn bình thường, nhất là khi thể hiện kiến thức trước hàng triệu khán giả truyền hình như trường hợp của Phạm Thị Quyên.
"Khi đó, tâm lý người chơi khá căng thẳng. Họ dễ mất bình tĩnh và tạm thời quên đi kiến thức. Việc kỹ sư 9X dùng sự trợ giúp ở 2 câu hỏi đầu tiên không khó hiểu", người này nêu quan điểm.
Đồng tình với ý trên, bạn đọc Minh Minh bình luận có thể do mất bình tĩnh nhất thời không nghĩ ra, chứ bình thường ai cũng biết El Nino là hiện tượng thời tiết.
Không ít độc giả bình luận rằng mình không ngồi ghế nóng, chỉ xem qua truyền hình cũng không trả lời được.
"Đừng khắc nghiệt quá, có thể dễ với người này nhưng khó với người kia. Canh cua còn nấu với mướp và rau mồng tơi chứ không nhất thiết phải rau đay", bạn đọc Kim Tuyết viết.
Nhiều người phản đối việc cư dân mạng "ném đá" kỹ sư 9X khi không trả lời được câu hỏi thường nấu canh cua với thứ gì? |
Bạn Hoàng Yến cho rằng canh cua nấu với mộc nhĩ, củ cải, súp lơ xanh đều được, miễn sao chúng không gây hại cho sức khỏe.
Thực tế, sau khi chương trình diễn ra, El Nino, rau đay bỗng trở thành từ khóa tìm kiếm trên Google (hơn 50.000 lượt tìm kiếm từ khóa El Nino trên Google Việt Nam tính đến 14h30 ngày 23/11).
Điều này khẳng định không chỉ riêng cô gái 9X mà rất nhiều người cũng "tạm quên" EI Nino hoặc chưa biết cụ thể, chính xác. Từ đó, nhiều độc giả nêu vấn đề: "Cư dân mạng liệu bao nhiêu người biết được câu hỏi trên nói về một hiện tượng thời tiết?".
Lượng quan tâm và khu vực tìm kiếm các từ khóa liên quan El Nino. Số liệu từ Google xu hướng ngày 23/11. |
'Ngưng ném đá'
Từng ôm mộng được đi thi Ai là triệu phú, bạn đọc có nick name Hòa Trang Vũ bình luận: "Điều làm mình sợ nhất là khi gặp câu hỏi không biết, không trả lời được, kiểu gì cũng bị cư dân mạng khinh miệt. Vì vậy, mình vẫn không dám đăng ký đi gặp anh Lại Văn Sâm".
Chia sẻ trên trang cá nhân của mình, Facebooker Phước Tuần tỏ rõ sự bức xúc. Khẳng định từng chơi nhiều gameshow (mang tính giải trí), anh viết kiến thức bao la, rộng lớn, có những thứ rất đơn giản với người này nhưng phức tạp với người khác, hay cũng có những kiến thức bạn biết nhưng một khoảnh khắc nào đó không thể nhớ ra.
"Đó là chuyện bình thường, nên việc nói xấu, 'chửi ngu' ai đó là điều không nên làm. Nhiều khi chỉ trích một người trẻ, họ sẽ rất căng thẳng và trầm cảm trước dư luận và áp lực quá lớn của xã hội", Phước Tuần nêu quan điểm.
Đó cũng là ý kiến của độc giả Hoàng Huy: "8% khán giả trường quay cũng không trả lời đúng câu hỏi câu 'El Nino là gì?' đó thôi. Với câu 'Canh cua nấu với gì?' thực sự tớ cũng không biết. Mong cộng đồng mạng hãy ngừng chỉ trích và phán xét Quyên".
Một số diễn đàn ngập tràn những hình ảnh về món canh cua nấu cùng mọc nhĩ, xúp lơ xanh... |
Thực tế, hội chứng “ném đá” trên mạng xã hội để lại những hậu quả đau lòng. Nhiều người rơi vào trầm cảm, bế tắc, tuyệt vọng khi đột nhiên bị công kích bởi một nhóm người họ chưa từng quen biết trên mạng.
Thành viên Nguyễn Hưng nêu không ai có thể phủ nhận sự tiện ích của mạng xã hội, nhưng những lời bình luận ác ý, đả kích, chê bai, thậm chí là mạt sát người khác, có thể làm ảnh hưởng tinh thần, cuộc sống, thậm chí cướp đi sinh mạng của nhân vật trong câu chuyện.
Trên trang cá nhân, blogger Hiếu Orion chia sẻ quan điểm của bản thân trước sự việc trên.
Theo anh, có thể trong phạm vi cuộc thi, nhân vật chính đã không đủ hiểu biết rộng, nhưng trong phạm vi mạng xã hội, nhiều cư dân mạng thực sự quá khắt khe và áp đặt khi miệt thị cô.
Việc coi thường, phỉ báng một người không làm cho người ấy tốt lên mà thậm chí khiến người ta rơi vào trạng thái suy sụp, có thể tự nghĩ bản thân… bất tài.
“Tôi từng dạy học, cũng đã tuyển chọn hàng nghìn CV xin việc... Tôi nghiệm rằng những bạn "biết tuốt" sau này chưa chắc đã thành công hơn người có "năng lực đặc biệt" nhưng chẳng may thiếu sót có điểm yếu nào đó...
Nếu chẳng may học toán kém (dù có cố gắng), hoặc không biết El Nino hay canh cua nấu với gì..., bạn cũng chẳng phải lo. Hãy tìm ra điểm mạnh nhất của mình và cố khai thác nó!”, anh viết.
Bài viết của Hiếu Orion thu hút trên 55.000 lượt like và hàng ngàn chia sẻ.