Vụ việc xảy ra ngày 3/8 song mới được lan truyền rộng rãi vài ngày gần đây. Cụ thể, khi thấy cô con gái 2 tuổi bị sốt cao và bắt đầu co giật, người mẹ gọi điện cho dịch vụ cấp cứu lúc 20h40.
Trong vòng 10 phút, xe cứu thương đã đến nhà, nhưng tình huống cấp cứu những tưởng không có gì nghiêm trọng nhanh chóng trở thành cơn ác mộng.
Khi liên hệ các bệnh viện để tiếp nhận bé gái, nhân viên xe cứu thương liên tục bị từ chối. Lần lượt 11 bệnh viện trên khắp Seoul, tỉnh Gyeonggi và Incheon đều lấy lý do thiếu bác sĩ nhi để từ chối tiếp nhận, theo Korea Bizwire.
Ngay cả bệnh viện đại học gần nhất, thường được trang bị để xử lý các ca bệnh phức tạp, cũng từ chối cho đứa trẻ nhập viện. Khi những phút quý giá trôi qua, tình trạng của bé gái 2 tuổi ngày càng xấu.
Xe cứu thương chở bé gái 2 tuổi liên tiếp bị các bệnh viện từ chối tiếp nhận. Ảnh: Yonhap. |
Phải đến lần thử thứ 12, gần một tiếng sau cuộc gọi cấp cứu ban đầu, bé gái mới có thể nhập viện. Tuy nhiên lúc này, cơn động kinh đã thuyên giảm song do không được cấp cứu kịp thời đã dẫn đến tổn thương não nghiêm trọng. Sau một tháng kể từ vụ việc, bé gái vẫn hôn mê.
Đáng nói, một trong những bệnh viện từ chối bé gái có phòng cấp cứu nhi khoa và bác sĩ nhi trực. Tuy nhiên, nơi này vẫn từ chối điều trị với lý do không có bác sĩ thần kinh nhi khoa.
Chuyện gì đang xảy ra ở phòng cấp cứu Hàn Quốc?
Hiện tại, các khoa cấp cứu ở Hàn Quốc chỉ tập trung vào những bệnh nhân nguy kịch cần được chăm sóc khẩn cấp và không thể tiếp nhận các bệnh như viêm ruột thừa hoặc đau bụng như trước đây.
Tình trạng này bắt đầu từ hồi tháng 2, khi hàng nghìn bác sĩ thực tập và bác sĩ nội trú đình công để phản đối quyết định của chính phủ tăng thêm chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường y mỗi năm lên 2.000, nhằm giải quyết vấn đề mà chính phủ đánh giá là thiếu bác sĩ, theo Korea Herald.
Các bác sĩ tham gia biểu tình cho rằng chính phủ Hàn Quốc trước tiên nên giải quyết các vấn đề về lương và điều kiện làm việc của nhân viên y tế trước khi cố gắng tăng số lượng bác sĩ.
Hiện, các giáo sư y khoa, cũng là những người đóng vai trò giảng dạy, phải thay phiên nhau xử lý các trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, với tình trạng thiếu người ngày càng tăng và những bác sĩ còn lại quá mệt mỏi, các bệnh viện đang phải ưu tiên các bệnh nhân ở mức độ từ 1 đến 3 trên thang phân loại nguy cấp của Hàn Quốc (KTAS), từ chối điều trị cho những bệnh nhân ở mức độ 4 và 5. Viêm ruột thừa cấp được phân loại là mức độ 4 trừ khi bị vỡ.
Các bệnh viện cho biết đành từ chối bệnh nhân trong bối cảnh phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt nhân sự, không có đủ bác sĩ ở các khoa khác để chăm sóc, theo dõi hoặc đưa bệnh nhân nhập viện sau khi được xử lý ban đầu tại phòng cấp cứu. Theo Bộ Y tế Hàn Quốc, ở một số nơi, các bác sĩ từ khoa khác phải tới khoa cấp cứu làm việc để lấp vị trí trống.
Một biểu ngữ thông báo những bệnh nhân ở mức độ 4 và 5 - mức ít khẩn cấp và không khẩn cấp - sẽ không được điều trị, được dựng lên trước trung tâm cấp cứu của Bệnh viện St. Mary Seoul. Ảnh: Korea Herald. |
Nỗi lo lắng của người dân xứ củ sâm ngày càng tăng khi trong kỳ nghỉ lễ Chuseok (Trung thu) sắp tới, nhiều bệnh viện, trừ khoa cấp cứu, đều đóng cửa. Giữa những lo ngại này, cộng đồng y tế và chính phủ Hàn Quốc đang bất đồng quan điểm về khả năng duy trì của các phòng cấp cứu, mỗi bên cáo buộc bên còn lại không nhận thức được tình trạng thực sự của khoa cấp cứu.
Trong một cuộc phỏng vấn trên đài SBS vào ngày 2/9, Bộ trưởng Bộ Y tế Hàn Quốc Cho Kyoo-hong cho biết tình trạng bệnh nhân phải xếp hàng dài và bị từ chối điều trị không chỉ giới hạn ở phòng cấp cứu mà còn lan sang các khoa các - tình trạng vốn đã có từ trước khi bác sĩ đình công - đồng thời nhấn mạnh rằng vấn đề này có thể được giải quyết thông qua cải cách y tế.
Bộ Y Tế Hàn Quốc cho biết thêm rằng số lượng bác sĩ, bao gồm cả bác sĩ mới ra trường và bác sĩ lành nghề, làm việc tại các phòng cấp cứu chỉ đạt 73,4% công suất thông thường. Trong số 409 phòng cấp cứu trên toàn quốc, 406 phòng "duy trì hoạt động 24 giờ", dù 27 phòng đã giảm số giường bệnh.
Ngoài ra, chính quyền cho biết sẽ triển khai 15 bác sĩ quân y đến các phòng cấp cứu gặp khó khăn vào ngày 4/9 để hỗ trợ đáp ứng nhu cầu trước và sau kỳ nghỉ lễ Chuseok (từ ngày 14 đến 18/9). Các bác sĩ này sẽ được bố trí tại Trung tâm Y tế Đại học nữ Ewha, Bệnh viện Đại học Ajou, Bệnh viện Đại học Quốc gia Chungbuk, Bệnh viện Sejong thuộc Đại học Quốc gia Chungnam và Bệnh viện Đại học Quốc gia Kangwon.
Quyết định này được đưa ra sau khi chính phủ chỉ định kỳ nghỉ lễ này là "Tuần ứng phó khẩn cấp lễ Chuseok" để tránh tình trạng các phòng cấp cứu quá tải và đảm bảo bệnh nhân có thể được điều trị.
Ngược lại, Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc - nhóm bác sĩ lớn nhất tại quốc gia này - chỉ trích chính phủ vì "phủ nhận cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực cấp cứu" và "làm tình hình trở nên tồi tệ hơn bằng các biện pháp thiển cận".
"Không phải cứ đèn vẫn sáng và biển báo vẫn treo nghĩa là phòng cấp cứu đang mở cửa. Phòng cấp cứu chỉ mở cửa khi đó là nơi bệnh nhân cấp cứu có thể được điều trị", Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc phát biểu.
Hiệp hội Giáo sư Y khoa Hàn Quốc đồng tình rằng các giáo sư và bác sĩ đang phải tăng cường lấp chỗ trống "không thể chịu đựng tình hình thêm nữa" do kiệt sức, đồng thời chỉ trích chính phủ vì "phớt lờ thực tế".
Giáo sư Ko Beom-seok tại Trung tâm Y tế Asan, người đứng đầu ủy ban quan hệ công chúng, ủy ban cấp cứu của các giáo sư trường y, nói: "Chúng tôi lo ngại rằng các khoa cấp cứu bên ngoài Seoul đang phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt nhân sự thậm chí có thể không trụ được đến tháng 9".
Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.