Tối muộn 7/4, điện thoại bất ngờ đổ chuông. Đầu dây bên kia, bác sĩ báo tin: “Có một lá gan từ người hiến chết não, gia đình có thể đưa bé lên kịp không?”. Không kịp suy nghĩ nhiều, vợ chồng chị Lê Thị Tâm chỉ kịp thu dọn vài thứ cần thiết rồi bế con lên xe. Chiếc xe máy cũ lao vào màn đêm, vượt hơn 280 km từ Đắk Nông đến TP.HCM.
Không một lời than vãn, họ chỉ nghĩ đến cơ hội mong manh để cứu lấy đứa con gái 21 tháng tuổi của mình.
Chạy xe máy vượt hơn 280 km trong đêm
Ngay từ khi mới chào đời, bé N.T.N., con gái chị Lê Thị Tâm (Đắk Nông) đã có dấu hiệu bất thường, mắt em vàng hơn so với những đứa trẻ khác. Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 nghi ngờ bé bị bệnh gan mật. Thời điểm đó, chị Tâm chưa hiểu rõ bệnh lý, chỉ biết phải đưa con đi tái khám và theo dõi sát sao mỗi tháng.
Mãi đến khi bé được 7 tháng tuổi, kết quả xét nghiệm chuyên sâu mới xác định bệnh nhi bị gan ứ mật bất thường do di truyền. Chỉ số PELD (thang điểm đánh giá mức độ nặng của bệnh gan ở trẻ) vượt ngưỡng cho phép, bác sĩ chỉ định ghép gan. Bên cạnh đó, trẻ còn bị suy giáp.
“Nghe nói phải ghép gan, tôi choáng váng. Gia đình làm nông, không biết xoay đâu ra chi phí, mà cũng chưa hình dung được lấy gan từ ai, ghép như thế nào”, chị kể.
![]() |
Ê-kíp tiến hành ghép gan cho bệnh nhi. Ảnh: BVCC. |
Người đầu tiên đi xét nghiệm hiến tạng là chồng chị nhưng không đủ điều kiện vì gan nhiễm mỡ. Đúng lúc định bỏ cuộc, em gái chị Tâm tình nguyện làm xét nghiệm.
“Nó nói cha mẹ cho gì thì nó cho cháu cái đó. May là kết quả phù hợp, nhưng lúc đó bé nhà tôi còn nhỏ, chưa đủ điều kiện để ghép ngay”, chị nhớ lại.
Ca phẫu thuật thách thức
Ngay khi có trường hợp chết não được gia đình đồng ý hiến tạng, các bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 lập tức tổ chức cuộc họp khẩn với các đơn vị liên quan để lên kế hoạch lấy gan và các tạng khác. Qua hội chẩn từ xa để đánh giá chất lượng gan, hội đồng đưa ra quyết định tiến hành ca ghép cho bệnh nhi là bé N.T.N.
Đến 18h30 ngày 7/4, công đoạn lấy gan hoàn tất. Lá gan được bảo quản và vận chuyển khẩn trương về Bệnh viện Nhi đồng 2, tới nơi vào lúc 19h45 cùng ngày.
Vào lúc 18h15, ngay trước khi gan về đến, ê-kíp mổ đã bắt đầu bước đặt da cho người nhận nhằm rút ngắn tối đa thời gian chờ. Khi gan được chuyển đến bệnh viện vào 19h45, ca ghép chính thức bắt đầu và kéo dài liên tục đến 1h30 sáng hôm sau. Sau ca mổ, vào khoảng 2h sáng, bé được chuyển đến khu hồi sức tích cực để theo dõi sát sao.
![]() |
Ca phẫu thuật tương đối khó khăn vì bệnh nhi chỉ vỏn vẹn 6,8 kg. Ảnh: BVCC. |
Chia sẻ về ca phẫu thuật, TS.BS Trần Thanh Trí, Trưởng khoa Gan Tụy Mật và Ghép gan, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết một trong những thử thách lớn là không thể xác định chính xác thể tích gan hiến tặng trước khi mổ. Trong khi đó, cân nặng bệnh nhi khá nhẹ, chỉ vỏn vẹn 6,8 kg, nguy cơ lá gan người lớn quá to là điều ê-kíp đã chuẩn bị tinh thần đối mặt.
Sau mổ, dù nguồn gan từ người chết não thường có thời gian thích nghi chậm hơn, tình trạng bệnh nhi tiến triển khả quan. Khoảng 7 tiếng sau, bé đã có thể tự thở. Trong những ngày tiếp theo, các chỉ số men gan và đông máu cải thiện dần, da bệnh nhi bắt đầu bớt vàng. 3 em cũng đã bắt đầu ăn cháo, chức năng gan gần như phục hồi.
Bệnh viện Nhi đồng 2 là đơn vị chuyên khoa Nhi tuyến cuối tiên phong và duy nhất tại phía Nam thực hiện ghép tạng. Từ năm 2005 đến 2020, đơn vị này thực hiện 13 ca ghép gan đầu tiên với sự hỗ trợ chuyên môn từ các chuyên gia nước ngoài. Giai đoạn 2021-2022, bệnh viện tiếp tục thực hiện thêm 12 ca. Riêng từ năm 2022 đến nay, số ca ghép gan tăng mạnh, đạt 25 ca - trong đó có ca ghép từ người cho chết não đầu tiên.
Cuốn sách Ăn gì cho khỏi thần kinh của tác giả Uma Naidoo là cẩm nang về cách lựa chọn, sử dụng và chế biến thực phẩm để hỗ trợ sức khỏe tâm thần. Tác giả là một chuyên gia trong lĩnh vực dinh dưỡng tâm thần học, mang tới kiến thức dinh dưỡng để tăng cường hệ miễn dịch và đối phó với các bệnh trạng về tâm lý.