Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Em là bà nội của anh’: Thành công ít cần sự sáng tạo

Phiên bản Việt của “Miss Granny” không khác quá nhiều so với nguyên tác Hàn Quốc. Bởi thế, câu chuyện thần tiên của một bà già ngoài 70 tuổi rất dễ lấy cảm xúc từ người xem.

Tác phẩm hài tình cảm - gia đình của điện ảnh Việt Nam được thực hiện dựa trên kịch bản bộ phim Miss Granny nổi tiếng của điện ảnh Hàn Quốc. Nguyên tác từng thu hút hơn 8,65 triệu lượt khán giả nội địa và sau đó được phía nhà sản xuất “xuất khẩu” ra nhiều thị trường quốc tế. Trước phiên bản Việt, Miss Granny từng có bản Hoa ngữ, và sắp tới đây là Thái Lan, Nhật Bản, Ấn Độ...

Tại thời điểm đầu mùa đông thiếu vắng bom tấn, một phim hài tình cảm - gia đình có nội dung ấm áp, dễ thương, sở hữu dàn diễn viên đẹp và chiến dịch PR bài bản như Em là bà nội của anh thu hút sự chú ý của công chúng là điều hoàn toàn dễ hiểu. Tuy nhiên, dấu ấn của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh trong phim lại chưa thực sự rõ ràng.

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên được phía Hàn Quốc lựa chọn để gửi gắm kịch bản Miss Granny, chỉ sau Trung Quốc. Khi đến mỗi quốc gia, phim được điều chỉnh nhiều chi tiết để phù hợp với bản sắc địa phương, nhưng vẫn phải đảm bảo được cốt truyện lẫn tinh thần chung của kịch bản gốc. Với Em là bà nội của anh, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh hợp tác với hai người bạn thân để Việt hóa kịch bản, chọn ra những chi tiết có thể cải biên và giữ lại tinh túy của nguyên tác.

Chuyện phim xoay quanh bà Đại (NSƯT Minh Đức), bà già kiểu cách, khó tính, đặc biệt yêu thương cậu con trai độc nhất đang là giáo sư đại học. Nhưng tuổi xế chiều của bà không được yên ổn khi mâu thuẫn với con dâu, với bạn bè, với quá khứ đầy sóng gió xưa kia cứ thế ập đến.

Bà Đại bất ngờ biến thành cô gái trẻ ngoài đôi mươi, lấy tên là Thanh Nga và gây ra vô số rắc rối cho những người xung quanh khi muốn theo đuổi ước mơ ca hát thời trẻ.

Trong lúc quẫn bách nhất, phép màu đột ngột xảy đến, biến bà Đại trở thành cô gái trẻ trung tuổi đôi mươi. Không lãng phí cơ hội trời cho, bà quyết định tận dụng từng khoảnh khắc của “giấc mơ đẹp” để hoàn thành nhiều tâm nguyện còn dang dở. Cô gái Thanh Nga (Miu Lê) xinh đẹp xuất hiện, làm đảo lộn cuộc sống của cậu ca sĩ nhạc rock nổi loạn Ngô Trí Tùng (Ngô Kiến Huy) - vốn chính là cháu bà Đại, nhà sản xuất âm nhạc đẹp trai Minh Đức (Hứa Vĩ Văn) và cả ông bạn già tên Bé lỡ yêu sâu đậm bà Đại từ thuở trẻ (NSƯT Thanh Nam).

Có thể thấy Em là bà nội của anh giữ được khá nguyên vẹn cái hài hước gần gũi lẫn tính nhân văn của nguyên tác. Đặc biệt, nếu so sánh về nhan sắc, Miu Lê thậm chí có phần trội hơn cả Shim Eun Kyung hay Dương Tử San (bản Hoa ngữ). Tuy nhiên, diễn xuất của nữ ca sĩ hơi thiếu tiết chế ở một số trường đoạn, khác với nét hồn nhiên, thoải mái mà Shim Eun Kyung từng truyền tải.

Miu Lê hơi thiếu tiết chế trong một số pha hài hước. Nhưng cô lại thành công lấy cảm xúc khán giả ở những trường đoạn cần thiết.

Cũng có thể trong nỗ lực học hỏi nguyên tác, Miu Lê vô tình bị ảnh hưởng bởi lối diễn của người Hàn mà một số động tác như trợn mắt, chỉ tay hay hét lên chưa phù hợp lắm với tác phong bình thường của người Việt. Chưa kể, việc phải nhái giọng Bắc cho giống nghệ sĩ Minh Đức khiến thoại của Miu Lê đôi lúc bị cứng. Tuy nhiên, may mắn là Miu Lê sở hữu giọng ca truyền cảm và vẫn có thể chạm đến cảm xúc người xem ở những trường đoạn nút thắt quan trọng.

Trong khi đó, dàn diễn viên phụ của Em là bà nội của anh thể hiện khá tốt vai trò của bản thân, hoặc đơn giản đây là những vai diễn đã được “đo ni đóng giày” cho họ. Xuất sắc hơn cả là “hoa hậu hài” Thu Trang, người không có nhiều đất diễn nhưng luôn khiến người xem phải cười lớn mỗi khi cất giọng và cái sự “vô duyên” mà rất duyên của cô. Đáng tiếc hơn cả là Hari Won, bởi sau khi cố gắng lột xác ở Trùm cỏ, cô lập tức trở thành “bình hoa di động” trong Em là bà nội của anh.

Hai cha con ông Bé trong phim đem đến nhiều tiếng cười sảng khoái cho người xem.

Việc đem từng khung hình của Hàn Quốc chuyển sang bối cảnh Việt Nam hẳn khiến ê-kíp làm phim tốn kém nhiều công sức và thời gian hơn cả. Song, đây có lẽ lại là hành trình kém sáng tạo nhất của phiên bản Việt, khi góc quay, ánh sáng, cách phục dựng không khác mấy so với nguyên tác. Phục trang của Thanh Nga chưa có được sự tương đồng hợp lý so với bà Đại thời trẻ. Dường như khi trở lại tuổi thanh xuân, gu thẩm mỹ của “bà nội” cũng được cập nhật nhanh hơn cả người bình thường.

Phần âm nhạc là một điểm cộng dành cho Em là bà nội của anh. Lựa chọn những ca khúc cổ điển của Trịnh Công Sơn hay thậm chí là cải lương, pha trộn với nhạc pop, rock hiện đại mang đến cho khán giả bữa tiệc âm nhạc thực sự. Còn tuổi nào cho em Mình yêu nhau từ bao giờ dưới sự thể hiện của Miu Lê là hai khoảnh khắc đầy xúc động của tác phẩm.

Trailer bộ phim 'Em là bà nội của anh' "Em là bà nội của anh" là phiên bản Việt hóa bộ phim Hàn ăn khách "Miss Granny" do đạo diễn Phan Gia Nhật Linh thực hiện. Phim có sự tham gia của Miu Lê, Ngô Kiến Huy, Hứa Vĩ Văn và NSƯT Thanh Nam.

Em là bà nội của anh là bộ phim điện ảnh Việt hiếm hoi mà cả gia đình ở đủ mọi lứa tuổi đều có thể thưởng thức, cùng khóc, cười và đồng cảm với nhân vật. Lối hài hước dễ thương, dàn diễn viên trẻ đẹp, âm nhạc hay, nội dung ý nghĩa là những điểm cộng của tác phẩm. Đây vốn là những điều mà điện ảnh trong nước còn đang rất thiếu.

Tuy nhiên, nếu như đạo diễn Phan Gia Nhật Linh - người từng có rất nhiều bài phê bình phim sắc sảo trên mạng Internet dưới biệt danh Phanxine, sở hữu nhiều quyền sáng tạo hơn, anh hẳn còn gây ấn tượng mạnh mẽ hơn nữa qua tác phẩm điện ảnh đầu tay.

Em là bà nội của anh được khởi chiếu trên toàn quốc từ 11/12.

Zing.vn đánh giá: 3,5/5

Việt Phương

Bạn có thể quan tâm