Những ngày gần đây, khi nghe tin về các ca mắc Covid-19 liên tục được phát hiện ở nhiều tỉnh thành phía bắc, Nguyễn Minh Hoàng, học sinh trường chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội), thấy thấp thỏm.
Sau các ca lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng, nhiều tỉnh, thành đã cho học sinh tạm dừng đến trường, chuyển sang hình thức học trực tuyến, trong đó có trường của Hoàng.
Với dự định thi khối B (Toán, Hóa, Sinh) và xét tuyển vào ngành Y khoa, lượng kiến thức mà Hoàng phải ôn tương đối dày. Nếu việc nghỉ học kéo dài, điều này sẽ làm ảnh hưởng tới quá trình luyện tập của em và thời gian tổng kết năm học.
“Bản thân em có tăng cường học thêm các môn thuộc khối B. Nhưng cho dù đã học xong chương trình, em vẫn cần thêm thời gian luyện đề, thi thử để có những kỹ năng xử lý trong phòng thi”, Minh Hoàng nói với Zing.
Nhiều học sinh lo lắng khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. Ảnh: Việt Linh. |
Kế hoạch ôn tập thay đổi
Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến nhiều thí sinh không tránh khỏi hoang mang. Là học sinh lớp 12, Lê Quỳnh Như (quận Gò Vấp, TP.HCM) có nhiều kế hoạch ôn tập cần “chạy nước rút” trước kỳ thi tốt nghiệp THPT vào tháng 7.
Khi biết tin Sở GD&ĐT TP.HCM yêu cầu các trường kết thúc kiểm tra học kỳ II trước ngày 9/5, Quỳnh Như vừa an tâm vừa lo lắng. Vì tình hình hiện tại rất khó lường nên quyết định của sở giúp em yên tâm việc thi cử không bị hủy ngang hay dời lịch.
Song, vì đẩy nhanh lịch thi, Như và các bạn cùng lớp không kịp ôn lại những phần trọng tâm của các môn cuối.
Trải qua nhiều đợt dịch, kế hoạch, giờ giấc sinh hoạt của em bị xáo trộn ít nhiều. Chia sẻ với Zing, Quỳnh Như cho biết điều em lo ngại nhất trong đợt dịch này là thay đổi hình thức, thời gian thi tốt nghiệp.
“Thật sự em không muốn lịch thi dời quá lâu. Em lo phải thi trực tuyến hoặc hình thức mới lạ. Vì đã làm quen trên giấy, nếu đột ngột chuyển sang thi kiểu mới, em sợ sẽ xảy ra nhiều sai sót trong quá trình làm và nộp bài”, nữ sinh 18 tuổi chia sẻ.
Nhiều bạn trẻ cho biết quá trình ôn thi vất vả hơn vì dịch Covid-19. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Giống với tâm lý chung của nhiều bạn trẻ, Trần Gia Quý, học sinh trường chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) cũng ngán ngẩm khi “dịch lại bùng phát và câu chuyện học online tiếp diễn”.
Hiện em đang hoàn thành những môn thi cuối cùng. Sau khi kiểm tra học kỳ xong, Gia Quý sẽ chủ động ôn tập tại nhà. “Trường em vẫn chưa có thông báo về việc học online. Nếu thời gian tới không thể đến trường ôn thi tập trung, em nghĩ lớp 12 sẽ phải ôn tập trực tuyến. Điều đó có thể làm tâm lý của chúng em bị ảnh hưởng”, Quý cho biết.
Tương tự Quỳnh Như, Gia Quý cũng lo lắng nếu hình thức thi buộc phải thay đổi do diễn biến phức tạp của dịch bệnh. “Trong suốt năm 12, em đã từng tiếp xúc và thử hình thức này. Em thấy nó giới hạn hẳn khả năng làm bài của em. Chẳng hạn như em không thể nháp thẳng lên đề. Việc này sẽ gây bất lợi đến kết quả thi rất nhiều”, Quý nói thêm.
Áp lực hơn
Vốn đã căng thẳng vì kỳ thi ngày càng gần, việc gián đoạn ôn tập tại lớp khiến Nguyễn Minh Cầm, học sinh trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), thấy áp lực hơn.
Theo Cầm, môi trường trên lớp giúp em có động lực học tập hơn vì được cùng các bạn trao đổi bài vở, giải đáp cho nhau. Học trực tuyến quan trọng nhất là phải tự giác, sự tương tác với thầy cô và bạn bè không nhiều.
“Em thấy điều này rõ nhất là vào đợt nghỉ dịch cuối năm ngoái, tuy nhiên lúc đó chưa phải là cao điểm ôn thi nên lượng kiến thức và bài tập cũng vừa phải. Nhưng đợt này thì khác, những bạn chưa nắm được phần trọng yếu sẽ rất dễ nản, xuống tinh thần”, Cầm nói.
Việc ôn thi trực tuyến khiến nhiều học sinh thấy áp lực hơn. Ảnh: NVCC. |
Nguyễn Quốc Trung, học sinh trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt (TP Rạch Giá) dự định thi khối B và xét tuyển vào ngành Hóa học của ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM).
Trung cho hay với những môn thuộc khối Khoa học Tự nhiên, nếu không nghe giảng trực tiếp tại lớp, học sinh sẽ rất khó tiếp thu và hiểu bài vì có nhiều thuật ngữ, công thức phức tạp. Do vậy, khi nghe tin tiếp tục học trực tuyến, em cảm thấy hoang mang cho bài thi sắp tới.
“Em ôn thi trong tâm thế không biết dịch còn bùng lớn đến mức nào”.
Giữ sức khỏe, tập trung cho giai đoạn “nước rút”
Rút kinh nghiệm từ những “làn sóng” trước, nhiều bạn trẻ đã tự chuẩn bị cách phòng, chống dịch và ôn tập hợp lý cho bản thân.
Dù khá lo lắng, Hoàng Viết Lân, học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), vẫn nhanh chóng lấy lại tinh thần cho kỳ thi quan trọng. Hiện em đã hoàn thành xong chương trình cơ bản nên chỉ cần tổng ôn thật tốt.
Theo Lân, việc cần làm nhất trong thời điểm hiện tại là giữ sức khỏe để tỉnh táo, sử dụng tối đa lượng kiến thức đã học. Để đảm bảo việc học vẫn diễn ra suôn sẻ, Lân đã bắt đầu chuẩn bị biện pháp đề phòng nếu dịch tiếp tục lan rộng.
Học sinh lớp 12 cần giữ vững tâm lý, sức khỏe để bước vào kỳ thi tốt nghiệp. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Phương pháp ôn tập của Lân là giải đề vào đúng giờ thi của từng môn để làm quen với khung giờ, tối ưu hóa lượng kiến thức, chiến lược làm bài một cách hiệu quả nhất.
“Trong thời gian này ai cũng phải tăng cường học thêm các môn, mỗi người sẽ có một thời gian biểu riêng. Tuy nhiên, em cũng hạn chế thức khuya trong thời gian này. Học tập là một quá trình dài hạn, lượng kiến thức được tích tụ theo thời gian, không phải việc nhồi nhét trước khi thi sẽ có lợi”, Lân chia sẻ.