Thể loại: Hài, Lãng mạn
Đạo diễn: Andrew Fleming, Erin Ehrlich, Peter Lauer,...
Diễn viên: Lily Collins, Philippine Leroy-Beaulieu, Ashley Park,...
Đánh giá: 7/10
Năm 2020, Emily in Paris nhận được nhiều sự quan tâm từ khán giả trẻ nhờ tạo hình và phong cách ăn mặc của nữ chính, cùng kịch bản chick-flick tuy không mới nhưng đủ lãng mạn. Từng mùa phim ra mắt dịp cuối năm tạo thành một thông lệ mới khiến các tín đồ thời trang phải mong chờ.
Loạt phim xoay quanh Emily Cooper (Lily Colins), một chuyên viên marketing tài năng và lém lỉnh được tổng công ty cử đến công ty đối tác Savoir ở Paris làm việc. Mùa mới tiếp tục khai thác những khác biệt trong văn hóa Mỹ - Pháp, từ đó dẫn đến những tình huống rắc rối, dở khóc dở cười, điển hình là màn đụng độ giữa Madeline Wheeler (Kate Walsh thủ vai) - người sếp từ Chicago của Emily và Sylvie Grateau (Philippine Leroy-Beaulieu đóng) - "bà trùm" của Savoir.
Không chỉ mắc kẹt giữa hai lãnh đạo, Emily còn đối diện với một lựa chọn quan trọng hơn: ở lại Paris đáng mơ ước, hay trở về Chicago với sự nghiệp và cơ hội thăng tiến đang chờ đợi cô.
Nội dung của mùa 3 không có nhiều thay đổi, chủ yếu vẫn xoay quanh câu chuyện "đi hay ở lại" của nữ chính. |
Phần nhìn bù trừ cho kịch bản sến sẩm
Emily in Paris vẫn đảm bảo mang đến cho khán giả những khung hình chỉn chu, với bối cảnh tráng lệ, đậm chất Pháp, trải dài từ Paris, Champagne và Provence. Giống hai mùa trước, phim dành nhiều montage (chuỗi các shot ngắn kết hợp trong một cảnh) để khắc họa thực tại hoa mỹ mà Emily đang sinh sống, từ đó hợp lý hóa cho sự đắn đo của cô.
Không thể phủ nhận thành công của loạt phim còn nhờ gu thời trang của nữ chính. Tủ đồ của Emily trong phim mới có một sự thay đổi đáng kể: thêm vào những bộ trang phục theo chủ nghĩa tối đa (maximalism) ưu tiên màu sắc và họa tiết, mang nhiều phong cách Pháp - tinh tế và coi trọng chất liệu nhiều hơn.
Những chi tiết phụ kiện, tóc và màu son cũng được thay đổi cho phù hợp. Nếu ở những mùa trước, tóc của cô luôn chẻ mái ngôi giữa và làm xoăn sóng nhỏ (tight curl), thì giờ đây Emily để mái tự nhiên, uốn xoăn lơi tự do và bớt cứng nhắc hơn.
Từ quần áo, phụ kiện cho đến màu son, Emily tiếp tục tỏa sáng trong từng khung hình mà cô xuất hiện. |
Màu son cũng có nhiều thay đổi đáng kể, từ những tone màu đỏ, hồng truyền thống, mùa 3 cho thấy một Emily sẵn sàng thử nghiệm nhiều hơn với bảng màu son nhiều tone màu lạ mắt. Điều này phản ánh sự trưởng thành và thoải mái thể hiện nét nữ tính của cô.
Lily Colins nói cô thay đổi kiểu tóc trong lúc nghỉ ngơi giữa các dự án. Nhận thấy sự phù hợp với cá tính của nhân vật trong mùa 3, đội ngũ biên kịch quyết định để cô giữ kiểu tóc này xuyên suốt quá trình quay phim.
Sau khi nhận được những phản ứng trái chiều từ phía công chúng khi phim lấy bối cảnh Pháp mà hội thoại quá nhiều tiếng Anh, thì ở mùa 3, những cảnh quay nói tiếng Pháp đã xuất hiện nhiều hơn - một thay đổi phù hợp và đáng ghi nhận từ phía nhà sản xuất. Hài đen (dark humour) được sử dụng táo bạo hơn so với những mùa phim trước mang đến sự mới lạ.
Loạt điểm cộng phần nào bổ trợ cho những điểm trừ còn tồn tại của phim - lời thoại sến sẩm và mạch truyện đôi lúc phi thực tế. Mindy (Ashley Park thủ vai) tuy đang gặp khó khăn về tài chính do bị gia đình quay lưng, phải ở nhờ căn hộ của Emily nhưng vẫn có thể chi trả cho những bộ phục sức đắt đỏ khi diễn show. Hay đơn cử là chi tiết Emily vẫn tung tăng bách bộ khắp Paris trên những đôi giầy cao gót lênh khênh.
Tiếp nối nội dung từ mùa trước, mối quan hệ tình cảm giữa bộ tứ Camille, Gabriel, Emily và Alfie cũng dần trở nên phức tạp hơn. Tác phẩm vẫn cố gắng khắc họa nhân vật đa chiều thay vì sa đà vào lối mòn ai đúng - ai sai.
Song, phim mang đến cảm giác khó hiểu trong nhiều quyết định trên tình trường của nữ chính. Ở vài tập, chuyện tình kéo dài, không có điểm nhấn cũng tạo cảm giác ngao ngán cho người xem.
Nhiều điểm tương đồng với Sex and the City
Việc Emily in Paris có những điểm tương đồng với Sex and the City, dự án ăn khách trước đó của đạo diễn Darren Star, là chuyện khá dễ hiểu.
Trong khi Sex and the City kể về cuộc sống của những người phụ nữ ở Thành phố New York, Emily in Paris cũng khắc họa tình yêu, tình dục, văn hóa qua góc nhìn của những cô bạn gái ở Paris. Sex and the City đặc biệt nổi tiếng vì sức ảnh hưởng đối với làng thời trang quốc tế và có vẻ như Emily in Paris đang cố gắng làm nên điều tương tự.
Patricia Field là nhà thiết kế tài ba đứng sau những bộ trang phục của cả 2 dự án phim này. Phong cách trước giờ của cô luôn là kết hợp những món thời trang cao cấp với thời trang nhanh (fast fashion) và thời trang đường phố. Cô chính là người đứng sau hiện tượng Sex and the City, lăng xê thành công các xu hướng thời trang, tiêu biểu như giày Manolo Blahnik.
Không chỉ có chung nhà thiết kế thời trang, kịch bản tương đồng giữa Emily in Paris và Sex and the City cũng là chủ đề nghề hâm mộ bàn tán trong nhiều năm. |
Nếu đặt thời trang của nữ chính hai series lên bàn cân, có thể nói Emily của Lily Colins vẫn còn một quãng dài phấn đấu để trở thành tượng đài Carrie Brashaw của Sarah Jessica Parker. Nhiều bộ cánh của nữ chính trong hai mùa phim đầu bị khán giả chê bai do diêm dúa và sáo mòn.
Tủ đồ của Emily thể hiện chân dung một cô gái người Mỹ chân ướt chân ráo trong một môi trường hoàn toàn xa lạ. Cô nhanh nhẹn, chủ động, và sòng phẳng, nhưng cùng lúc Emily quá coi trọng công việc, thiếu tinh tế và màu mè trong ăn mặc.
Nhìn chung, mùa 3 cho thấy sự nỗ lực từ phía nhà sản xuất khi có những cải thiện, đồng thời biết nhìn nhận lời phê bình của khán giả. Tác phẩm vẫn có thể xem là một tuyên ngôn trong dòng phim về thời gian, song còn những bước tiến dài để có thể sánh ngang với những huyền thoại phim cùng chủ đề.
Tủ sách Điện ảnh - Truyền hình giới thiệu những cuốn sách hay và mới nhất về nền công nghiệp điện ảnh, công nghệ truyền hình của Việt Nam cũng như thế giới. Ngoài ra, tủ sách còn giới thiệu các tác phẩm đáng đọc về các bộ phim, diễn viên, MC... nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới.