Khi hãng Sony Pictures tiết lộ ý định làm phim về những biểu tượng cảm xúc trên điện thoại, dường như mọi người đều nghĩ đấy là một trò đùa. Những biểu tượng quá quen thuộc mà chúng ta dùng hàng ngày như mặt cười, mặt khóc, công chúa… dẫu đáng yêu đấy, nhưng chúng có thể làm gì? Thế giới của chúng có gì thú vị? Chưa kể sự tối giản trong tạo hình còn khiến hành động bị giới hạn. Và nhiều người đã đánh giá, ý tưởng này thú vị nhưng bất khả thi.
Thế nhưng hãng đã hiện thực hóa ý tưởng đó với “The Emoji Movie”. Phim xoay quanh nhân vật Gene - cậu con trai ở độ tuổi thành niên của 2 biểu tượng cảm xúc Meh. Trong phim, Meh đại diện cho sự thờ ơ, chán nản, đi kèm với điệu bộ nhún vai.
Trong công việc đầu đời tại Trung tâm cảm xúc, Gene đã thất bại khi thể hiện lại biểu cảm truyền thống của gia đình. Anh bị Smiler (biểu tượng mặt cười) - người đứng đầu trung tâm - kết án phải bị xóa đi.
Lo sợ, Gene liền bỏ chạy dưới sự trợ giúp của Hi-5 (biểu tượng bàn tay). Nhân vật này tiết lộ, Gene có thể đi tìm tin tặc để được sửa lỗi và không bị xóa đi. Cuộc hành trình bắt đầu, xuyên suốt hàng loạt phần mềm khác trong điện thoại để tìm vị tin tặc bí ẩn.
Meh là cảm xúc chán nản, nhún vai khi người dùng sử dụng. |
Điểm cộng của “The Emoji Movie” nằm ở ý tưởng táo bạo và gần gũi với thực tế. Ngày nay, mỗi người chúng ta đều sở hữu ý nhất một chiếc điện thoại thông minh và khi trò chuyện hay bình luận, ta thường xuyên phải sử dụng các biểu tượng cảm xúc.
Nếu “Inside Out” vẽ nên thế giới cảm xúc bên trong con người, thì “The Emoji Movie” mô tả thế giới cảm xúc trong chính chiếc điện thoại. Trong mỗi thước phim, bạn sẽ bắt gặp nhiều biểu tượng ngộ nghĩnh, chứng kiến chúng “sống dậy”, chạy nhảy qua lại như những sinh vật có linh hồn, suy nghĩ.
Các biểu tượng cảm xúc cũng có một thế giới riêng. |
Thế rồi, bộ phim tiếp tục mở rộng ra, không chỉ gói gọn trong một phần mềm biểu tượng cảm xúc. Theo chân Gene và Hi-5, người xem sẽ du hành tới thế giới của các ứng dụng như Facebook, Instagram, Candy Crush hay Just Dance… Bình thường bạn chỉ có thể tiếp xúc với chúng qua màn hình, còn bây giờ, chúng ta được phép sống trong không gian ấy.
Ngay cả những khái niệm như virus, thùng rác, dữ liệu đám mây hay tường lửa cũng được khắc họa một cách sinh động. “The Emoji Movie” như một cuốn tạp chí công nghệ trực quan, mô tả những khái niệm tin học theo cách dễ hiểu và cuốn hút nhất.
Những khán giả của thời đại kỹ thuật số khó có thể rời mắt khỏi màn hình khi những hình ảnh, khái niệm quen thuộc liên tục xuất hiện. Bạn có muốn biết anh chàng Trojan trong thế giới virus mang hình dạng gì? Tường lửa thực chất có “lửa” hay không? Những viên kẹo trong Candy Crush có vị thế nào? Instagram hay Youtube hoạt động theo cơ chế gì?
Instagram hay Youtube hoạt động theo cơ chế gì? |
Không dừng lại ở việc khắc họa không gian bên trong chiếc điện thoại, “The Emoji Movie” còn là hành trình đi tìm bản ngã của Gene. Là con của 2 biểu tượng Meh luôn rầu rĩ, nhưng Gene lại rất hoạt bát, yêu sự phá cách.
Giống như nhiều đứa trẻ khác, Gene lớn lên mà không hoài nghi về sự nghiệp tương lai của mình ngoại trừ việc nối dõi cha mẹ. Thế nhưng, rập khuôn đã chẳng dễ mà sáng tạo còn khó hơn. Kết quả hành trình của Gene cho chúng ta thấy, tương lai không phải đã được định sẵn và nếu nỗ lực, bạn hoàn toàn có thể thay đổi điều đó.
Chúng ta còn được làm quen với hai biểu tượng thú vị nữa là Hi-5 và Jailbreak. Hi-5 vui nhộn, ngốc nghếch từng là biểu tượng được ưa thích, nhưng nay thì người ta cho rằng cậu đã lỗi thời. Cô nàng Jailbreak sống trong vùng đạo tặc nơi tràn ngập virus hóa ra cũng có nỗi niềm và thân phận bí mật. Ba “cảm xúc” cũng là 3 cá tính, số phận mà chuyến đi cùng Gene vô tình lại giúp tìm ra câu trả lời cho những họ khúc mắc bấy lâu nay.
Khi bạn chọn một biểu tượng, hành trình của các cảm xúc sẽ bắt đầu. |
Đồng hành cùng Gene trong hành trình tìm lại bản ngã, ngoài bạn bè đồng trang lứa còn có cả bậc phụ huynh. Trong các bộ phim khác, nhân vật cha mẹ, người lớn thường chỉ đóng vai trò phụ họa hoặc quan sát từ xa. Nhưng ông bố, bà mẹ của Gene cũng có một cuộc phiêu lưu thú vị giúp đỡ cậu “quý tử” và hâm nóng tình yêu đôi lứa.
Phim cũng giới thiệu một nhân vật phản diện “vui vẻ” nhất lịch sử: cô nàng lúc nào cũng cười toe toét mang tên Smiler. Vốn là một biểu tượng mang đầy sự thân thiện cùng hài hước, ấy thế mà càng đến cuối phim, nụ cười “rộng tới mang tai” của Smiler càng khiến người xem bị ám ảnh. Hóa ra, người lạnh lùng chưa hẳn đã xấu mà kẻ luôn tươi cười chưa chắc đã tốt.
Không có tham vọng trở thành một tác phẩm hoạt hình sâu sắc, “The Emoji Movie” chỉ dừng ở mức độ giải trí dành cho các khán giả trẻ - những người có mối liên kết đặc biệt với thế giới công nghệ. Một lần bước vào bên trong chiếc điện thoại, tìm hiểu cách các yếu tố hoạt động ra sao cũng là trải nghiệm hết sức đáng giá. “Emoji” - Đội Quân Cảm Xúc khởi chiếu trên toàn quốc từ ngày 4/8.