Một phụ huynh có con học lớp 1 Trường tiểu học Vĩnh Hải số 1 gửi một bức thư, kèm theo một tập lịch mừng xuân Giáp Ngọ bốn tờ khổ A3 của một nhà xuất bản Hà Nội.
Thư phụ huynh này viết: “Cách đây vài tuần, nhà trường yêu cầu mỗi phụ huynh đóng 60.000 đồng để làm đẹp bồn hoa sân trường. Chẳng bao lâu sau thì con tôi về nhà xin 15.000 đồng nộp cô chủ nhiệm để mua tờ lịch mà tôi gửi kèm theo đây. Khi cháu đem lịch về nhà thì đưa ra thêm một cây thước kẻ bằng nhựa dài 30cm, bảo là trường bán, xin 5.000 đồng để nộp.
Tôi chắc chắn rằng không phụ huynh nào không đưa tiền cho con mua những thứ trường bán, vì các cháu nài nỉ, sợ không mua sẽ bị cô la hay bị trừ điểm thi đua... Số tiền mua lịch, mua thước kẻ không đáng là bao nhưng tại sao trường lại bán những thứ đó cho học trò làm gì? Trường con tôi có 24 lớp, mỗi lớp 35-40 học sinh, tổng số tiền thu từ bán lịch, thước kẻ, làm bồn hoa... không phải nhỏ. Tôi cho rằng những việc làm trên là hình thức lạm thu, cần được chấn chỉnh”.
Lịch và tăm bán cho học sinh lớp 1 Trường tiểu học Vĩnh Hải số 1 cùng đơn kiến nghị đầy bức xúc của phụ huynh. |
Việc bán lịch năm mới, thước kẻ cho học sinh không chỉ có ở trường tiểu học Vĩnh Hải số 1 mà còn xảy ra ở nhiều trường khác tại TP Nha Trang.
Chiều 17/12, ô Bùi Thị Minh Tâm - hiệu trưởng trường tiểu học Vĩnh Hải số 1 cho biết: “Việc cho người đem lịch và thước kẻ vào trường bán cho học sinh tôi sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc. Đó là một người quen, thường phát hành báo cho trường, gần cuối tháng 11/2013 có xin tôi cho bán lịch mỹ thuật cho học sinh. Vì tình cảm, tôi cho cô ấy bán lịch nhưng căn dặn không được ép buộc mà chỉ để học sinh tự nguyện. Không ngờ cô này bán lịch rồi bán luôn thước kẻ. Tôi đã họp rút kinh nghiệm đối với tất cả giáo viên chủ nhiệm, yêu cầu giáo viên tổng phụ trách Đội gọi người bán tới thu hồi lịch và thước kẻ, trả tiền cho phụ huynh”.
Về việc yêu cầu phụ huynh đóng góp xây bồn hoa, cô Tâm nói đây là đề xuất của hội trưởng hội cha mẹ học sinh.
“Tôi yêu cầu không được chia bình quân số tiền đóng góp của mỗi phụ huynh vì đây chỉ là công trình xã hội hóa, vận động là chính. Vị hội trưởng hứa là vận động các mạnh thường quân có điều kiện ủng hộ chứ không buộc toàn bộ phụ huynh đóng góp. Tuy nhiên, qua kiểm tra mới đây thì có một lớp đã “đổ đồng” khoản đóng góp cho mỗi phụ huynh là 60.000 đồng. Đây cũng là điều cần rút kinh nghiệm” - cô Tâm nói.