Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

EU tự tin Việt Nam sẽ đáp ứng được các quy định mới về chống phá rừng

Nghị sĩ châu Âu Daniel Caspary ngày 20/6 bày tỏ sự tin tưởng rằng Việt Nam có thể đáp ứng được các quy định mới của EU về chống phá rừng trong hoạt động nông nghiệp.

Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ phụ trách quan hệ với các nước Đông Nam Á và ASEAN của Nghị viện Châu Âu Daniel Caspary tại buổi giao lưu báo chí ngày 20/6. Ảnh: An Bình

"Liên minh châu Âu (EU) cảm thấy chúng tôi cần phải thông qua các quy định về chống phá rừng trong hoạt động nông nghiệp nhằm đạt được mục tiêu khí hậu toàn cầu. Trong chuyến đi này, tôi biết rằng Việt Nam đã đặt ra những tiêu chuẩn rất cao về ngăn cản hoạt động chặt phá rừng để làm nông nghiệp", Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ phụ trách quan hệ với các nước Đông Nam Á và ASEAN của Nghị viện châu Âu (EP), Daniel Caspary, trả lời câu hỏi của Tri thức trực tuyến trong buổi giao lưu với báo chí ngày 20/6.

Theo đó 27 quốc gia thành viên EU vào hôm 19/4 đã chính thức thông qua đạo luật cấm nhập khẩu vào EU các sản phẩm có liên quan hoạt động phá rừng. Đây có thể nói là một quyết định mang tính lịch sử, là động thái nhằm chống lại nạn phá rừng bất hợp pháp lấy gỗ, đồng thời ngăn ngừa cả việc phá rừng để có thêm đất trồng trọt hay chăn nuôi.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, EU là một trong những thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm 13,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính - gồm cà phê, hạt điều, cao su, rau quả, hạt tiêu, gạo và chè.

"Các tiêu chuẩn của Việt Nam đã được thông qua từ 2 thập kỷ trước. Tôi không nghĩ Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong việc thích ứng với các quy định mới của EU do có nhiều điểm tương đồng với luật pháp của các bạn", ông Caspary nhận định.

Theo Đại sứ EU tại Việt Nam, Giorgio Aliberti, trong tuần tới sẽ có một phái đoàn cấp cao của "EU đến Việt Nam nhằm giải thích kỹ hơn các quy định mới về chống phá rừng của khối", giúp nước ta đáp ứng được những tiêu chuẩn mới này.

Nhanh chóng thông qua thỏa thuận bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU

Phát biểu tại buổi giao lưu với báo chí, nghị sĩ Caspary cho biết quá trình phê chuẩn Thỏa thuận Bảo hộ Đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) đang được đẩy nhanh tại các quốc gia thành viên với sự nhất trí cao của các thành viên tại EP.

"Còn một số quốc gia thành viên vẫn chưa phê chuẩn EVIPA. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực thương mại kéo dài 20 năm của tôi, sự chậm trễ này không phải xuất phát từ quan hệ Việt Nam - EU mà là do quá trình phê duyệt của một số quốc gia chậm hơn phần còn lại", chủ tịch Nhóm Nghị sĩ phụ trách quan hệ với các nước Đông Nam Á và ASEAN trả lời Tri thức trực tuyến.

"EP không hài lòng về tình hình hiện tại. Đa số các thành viên của EP đã yêu cầu các quốc gia thành viên sớm giải quyết vấn đề này và phê chuẩn thỏa thuận", ông Caspary bổ sung.

Vị quan chức EP bày tỏ mong muốn có thể sớm hoàn tất EVIPA, khẳng định đây sẽ là bước tiến mới giúp củng cố quan hệ Việt Nam - EU. Hoạt động mở rộng quan hệ đầu tư và thương mại giúp châu Âu đa dạng hóa chuỗi cung ứng của khối này và Việt Nam có thể đóng một vai trò quan trọng trong quá trình này.

Thúc đẩy thực hiện Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU và chống biến đổi khí hậu

Ngoài thể hiện mong muốn sớm hoàn tất EVIPA, Nghị sĩ Caspary còn ca ngợi những thành tựu mà 2 bên đã đạt được trong quá trình thực hiện Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

"Từ góc nhìn của chúng tôi, hiệp định này là một thành công lớn. Chúng tôi thấy có nhiều lĩnh vực mà xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng mạnh ở mức 20-30%. Giờ đây, nhiệm vụ chính của chúng ta phải đảm bảo các quy định của Việt Nam hoặc EU không làm tổn hại đến việc thực hiện EVFTA hoặc tạo ra những rào cản mới trong trao đổi thương mại", Nghị sĩ Caspary trả lời phóng viên.

Nghi vien chau Au anh 1

Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ phụ trách quan hệ với các nước Đông Nam Á và ASEAN của Nghị viện Châu Âu Daniel Caspary (phải) và Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti tại sự kiện ngày 20/6. Ảnh: An Bình.

"Việt Nam cũng có thể cảm thấy hài lòng khi thấy các kế hoạch đầu tư ngày càng lớn của các doanh nghiệp EU. Ngày càng nhiều công ty châu Âu sẽ đến Việt Nam đầu tư vì họ có thể tận dụng thỏa thuận tự do thương mại để xuất khẩu hàng hóa trở lại EU. Đây là một kết quả rất khả quan cho cả 2 bên", ông bổ sung.

Cũng theo vị quan chức này, hợp tác về chống biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng cũng là một trụ cột quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam và EU.

"Cả Việt Nam và châu Âu đều có mục tiêu rất tham vọng là đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Chúng tôi hy vọng rằng Thỏa thuận Hợp tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng, được hoàn tất tại hội nghị EU - ASEAN vào năm 2022, sẽ giúp thực hiện mục tiêu đầy tham vọng này. EP sẵn sàng hợp tác và giúp đỡ trong quá trình thực hiện thỏa thuận này", vị nghị sĩ châu Âu phát biểu.

Theo ông Caspary, chuyển đổi năng lượng đóng vai trò rất quan trọng khi thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.

"Châu Âu và ASEAN có duy trì chương trình hợp tác phát triển bền vững với nguồn vốn đến từ châu Âu là khoảng 10 tỷ euro. Chúng tôi luôn muốn tìm kiếm những dự án tiềm năng nhằm giúp các quốc gia đạt được mục tiêu về giảm phát thải khí nhà kính", trưởng đoàn nghị sĩ châu Âu thăm Việt Nam cho biết.

Theo Đại sứ Aliberti, quá trình chuyển đổi năng lượng sạch cần phải có sự tham gia của cả khối tư nhân và đòi hỏi chính phủ phải có sự thay đổi về quy định để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

"Đây là một quá trình dài hạn và chúng tôi đang cố gắng hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam", ông Aliberti thông tin.

Những cuốn sách hay về châu Âu

Zing giới thiệu tới độc giả các cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về châu Âu, khu vực có bề dày lịch sử được mệnh danh là "lục địa già".

Độc giả có thể xem thêm tại đây.

Lượng khí thải CO2 do sử dụng năng lượng tại châu Âu giảm nhẹ

Lượng CO2 từ việc sử dụng năng lượng là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu và chiếm khoảng 75% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính do người tạo ra ở EU.

Việt Nam đề nghị Hội đồng châu Âu hỗ trợ gỡ thẻ vàng thủy sản

Khẳng định EU là đối tác quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác, đối thoại.

An Bình

Bạn có thể quan tâm