Nói về tình trạng khan hiếm nguồn máu, đại diện Viện Huyết học - Truyền máu TW cho biết: “Việt Nam đang thiếu máu cục bộ, thiếu máu không chỉ ở vùng sâu vùng xa mà ngay ở các thành phố lớn cũng thiếu. Đặc điểm thiếu máu của nước ta còn là thiếu theo mùa (mùa hè, đông), thiếu máu trong dịp lễ hội”.
Một ngày ở bệnh viện mới hiểu được, thiếu máu là tình trạng bức thiết đến thế nào. Chị Nguyễn Thanh Tuyền (25 tuổi, Hưng Yên), đang điều trị bệnh ung thư máu, nằm trong số những người như vậy. Nhập viện điều trị từ tháng 6/2017, đến nay chị trải qua 3 đợt xạ trị và nhiều lần truyền máu.
Khi được hỏi, người mẹ của 2 đứa con lại không kìm được nước mắt: “Chồng tôi phải đi làm xa để cáng đáng cho cả gia đình. Tôi nhập viện, mẹ chồng phải theo chăm, còn bố chồng phải ở nhà lo cho các cháu. Khi mới biết mắc bệnh, tôi suy sụp lắm, nhưng tôi may mắn được chồng và gia đình thấu hiểu”. Dù không thuộc nhóm máu hiếm, nhưng chị luôn lo lắng về việc phải mỏi mòn chờ dòng máu phù hợp, trong những cơn đau do thiếu máu, dịp cận Tết.
Chị Nguyễn Thanh Tuyền (25 tuổi, Hưng Yên) đang điều trị tại Viện Huyết học - Truyền máu TW. |
Trường hợp chị Tuyền còn may mắn hơn nhiều bệnh nhân khác vì vẫn còn sự chăm sóc, động viên của người thân. Hoàn cảnh của chị Bùi Thị Hiền (Thạch Thành, Thanh Hóa) còn đáng thương hơn nữa.
Chị ví cái khổ của mình là “khổ như không thể khổ hơn”. Khi phát hiện cả hai đứa trẻ cùng bị bệnh về máu, chồng lập tức bỏ đi lấy vợ mới. Đứa con thứ 2 của chị qua đời năm ngoái khi mới 13 tuổi. Vượt qua nỗi đau, chị tìm mọi cách cùng đứa con lớn chống chọi với căn bệnh về máu quái ác.
“Cháu đi viện suốt nên tôi phải theo chăm. Mỗi tháng tôi đưa cháu lên viện một lần, mỗi lần điều trị hai tuần”, chị Hiền tâm sự. Chị kể, tài sản có giá trị nhất của chị và con hiện giờ là ngôi nhà xiêu vẹo do cậu em trai làm cho ở tạm.
Những ngày hai mẹ con vào viện, chị phải cậy nhờ nhiều vào những suất ăn từ thiện của các nhà hảo tâm. Ôm con trên tay, chị Hiền tâm sự: “Mẹ con chúng tôi nghèo khó, rất mong có nhiều hoạt động hiến máu ý nghĩa để cháu có thể được chữa bệnh, để lại được đi học lại như các bạn”.
Hai mẹ con chị Bùi Thị Hiền (Thạch Thành, Thanh Hóa) tại Tuần lễ hồng EVN lần 3. |
Cũng theo thông tin Viện Huyết học, cả nước có 4,5 triệu người ở độ tuổi lý tưởng để cho máu (25-55 tuổi), nhưng thực tế mỗi năm chỉ có hơn 700.000 người tham gia hiến máu. Đối tượng hiến máu chủ yếu là thanh niên, sinh viên tình nguyện trong khi đó hiến máu vừa là trách nhiệm cũng là quyền lợi của mọi người dân trong độ tuổi 18-60 tuổi.
Trước thực trạng trên, 3 năm qua EVN đều phối hợp với Viện huyết học - Truyền máu TW để tổ chức chương trình hiến máu tình nguyện với sự tham gia của hàng nghìn cán bộ, nhân viên và người lao động ngành điện.
Cán bộ, công nhân ngành điện tham gia hiến máu tại chương trình Tuần lễ hồng EVN lần 3. |
Tham gia hiến máu từ thời sinh viên, anh Trần Tiến Trung (Điện lực Hai Bà Trưng, EVN Hà Nội) đã có 34 lần hiến máu. Mỗi năm đều duy trì thói quen hiến máu 4 lần, anh lý giải: “Trước tôi chỉ lặng lẽ tham gia vì nghĩ rằng đó không phải là việc gì đó to tát. Sau đó tôi thấy rất nhiều bệnh nhân cần được giúp đỡ vì thiếu máu, vì vậy tôi đã vận động người thân, bạn bè cùng tham gia hiến máu và quyên góp để tặng quà cho các bệnh nhân đang điều trị tại Viện Huyết học - Truyền máu TW. Tôi cũng mong muốn góp phần thay đổi nhận thức về trách nhiệm xã hội, sẻ chia với cộng đồng”.
Chương trình Tuần lễ hồng EVN lần 3 diễn ra vào ngày 25-31/12/2017. Hoạt động này mang nhiều ý nghĩa thiết thực hướng về xã hội, góp phần đóng góp lượng máu cho phục vụ cấp cứu và dự phòng cho người bệnh, đặc biệt là bệnh nhi vào dịp cuối - thời gian khan hiếm lượng máu dự phòng. Đây cũng là một trong những hoạt động quan trọng trong tháng truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954-21/12/2017), đồng thời cũng tích cực hưởng ứng thực hiện chương trình “Tháng tri ân Khách hàng - 12/2017” của EVN.